VSEF 2022 bàn thảo nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế

BTS |

VTV.vn - Năm nay với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 (VSEF 2022) sẽ bàn...

Hôm nay (18/9), Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 (VSEF 2022) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. So với năm ngoái, tên gọi diễn đàn năm nay có thay đổi nhất định khi bổ sung thêm nội hàm "xã hội" để làm sâu sắc hơn lĩnh vực này trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những quan trọng của quốc gia.

Những thông tin tại diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu đánh giá toàn diện khó khăn, thách thức cả trong ngắn và dài hạn của đất nước. Nhìn nhận rõ năng lực nội tại của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế cũng như thời cơ có thể tận dụng, từ đó bàn và tìm ra giải pháp cho phục hồi và phát triển bền vững.

Là diễn đàn có tính thường niên, năm nay VSEF 2022 sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế như giảm thuế xăng dầu, hay nhóm vấn đề liên quan đến chính sách Luật Đất đai, chậm giải ngân đầu tư công… Đặc biệt là đánh giá về những kết quả ban đầu về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát lại các quy định, tiêu chí tiếp cận gói hỗ trợ, bởi nếu không thụ hưởng được chính sách tốt, bài toán phục hồi sẽ còn khó khăn.

"Nhiều chính sách của chúng ta đề ra trong Nghị quyết 43 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ khi đưa về một số địa phương không hẳn đã thiết kế trúng như thời hạn còn ngắn, một số khu vực, đặc biệt khu vực phi chính thức lại không được chú ý nên phải rà soát xem có những vướng mắc gì", PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay.

VSEF 2022 bàn thảo nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế - Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 (VSEF 2022) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói: "Diễn đàn sẽ đánh giá khách quan đầy đủ toàn diện làm căn cứ khoa học cho Quốc hội có những quyết sách và bám sát được xu thế phát triển, tác động của tình hình thế giới để đưa ra các nghị quyết làm căn cứ cho công tác điều hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội có cơ hội giám sát, theo dõi đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình thực hiện các mục tiêu này".

Ngoài ra, diễn đàn còn có chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các điểm nghẽn trong quá trình phục hồi bền vững. Một trong những điểm nghẽn được các chuyên gia quốc tế cảnh báo là thị trường lao động.

"Thị trường lao động của chúng ta đang có điểm nghẽn trong việc tiếp nhận các kỹ năng mới, công nghệ số và công nghệ mới. Điều này về dài hạn sẽ là một vấn đề khi FDI đầu tư vào và họ cảm thấy rằng nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của họ. Chúng ta đang ở một mức độ dân số tương đối là thuận lợi, tuy nhiên chúng ta cũng có những cảnh báo rằng Việt Nam sẽ dần tiến tới dân số già như một số nước, như vậy dòng vốn FDI sẽ chậm lại nếu chúng ta chỉ tận dụng được lợi thế về dân số hiện nay", TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cấp cao, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh nhận định.

Bà Irina Korguna - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đánh giá: "Việt Nam đang duy trì lợi thế cạnh tranh dựa trên yếu tố lao động giá thành thấp. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn Việt Nam cần phải có sự chuyển đổi từ việc tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Công cuộc chuyển đổi này cần một nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất".

Sau phiên khai mạc, trong buổi sáng có 2 hội thảo chuyên đề về hoàn thiện chính sách đất đai và thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Buổi chiều diễn ra phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao với chủ đề "Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại