1. Vượt qua Philippnes với hàng loạt cầu thủ mang dáng dấp châu Âu, với HLV lão luyện tầm thế giới Sven-Goran Eriksson để đoạt chiếc vé vào chung kết AFF Cup 2018, nhiều người vẫn tiếc nuối khi không thể gặp được Thái Lan ở chung kết để "báo thù". Nhưng điều đó là không cần thiết, bởi không phải cứ nhất thiết trực tiếp "bước qua " Thái Lan, thì Việt Nam mới đứng trên đỉnh Đông Nam Á được.
Thái Lan là đương kim vô địch AFF Cup, chẳng những thế, họ còn là đội thâu tóm hai chức vô địch AFF Cup gần đây nhất. Nhưng tất cả đã là quá khứ, bởi dẫu kết quả của trận chung kết AFF Cup 2018 có là thế nào, thì Đông Nam Á vẫn sẽ có nhà vô địch mới.
Quan trọng nhất, trước hai bại tướng của thầy trò HLV Park Hang-seo là Philippnes và Malaysia, Thái Lan đều lép vế. Nhìn vào ĐTQG ở AFF Cup 2018, người ta không thấy được vị thế của một nhà vô địch, thay vào đấy là hình bóng của đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng - sa lầy vào chính lối chơi được định danh là tiqui-taca của mình.
Thất bại ngay trên sân nhà, Thái Lan là nỗi thất vọng lớn của giải đấu lần này.
Như thầy trò HLV Hữu Thắng, Thái Lan ở giải đấu này thắng rất dễ những đối thủ dưới tầm, nhưng cực kỳ vất vả trước những đối thủ chơi quyết tâm, chủ động, với lối chơi "có lửa", biết gạt qua nỗi sợ khi đối diện với đội bóng được đánh giá là mạnh nhất khu vực.
Trận gặp Thái Lan ở vòng bảng, ít ai ngờ được Philippines lại chọn đấu pháp tấn công trực diện, pressing toàn diện để lên tiếng áp đảo đối phương ngay từ đầu. Lối chơi ấy thực sự có tác dụng trước Thái Lan. Và đấy là lần đầu tiên người ta thấy Thái Lan phải lép vế trước một đối thủ được đánh giá thấp hơn, và dẫu cho là người có bàn thắng trước, Thái Lan mới là đội may mắn khi có được trận hòa.
Malaysia đi tiếp con đường của Philippines, và lặp lại kết quả đầy tiếc nuối của người láng giềng ở trận gặp Thái Lan trên sân nhà. Và trên đất Thái Lan, họ mới là người "đòi lại công bằng" với chiến thắng quyết định để cướp chiếc vé vào chung kết trên tay người Thái.
Malaysia vượt qua Thái Lan nhờ may mắn, những cũng không kém phần bản lĩnh.
Dẫu cho chiếc vé ấy được quyết định đầy may mắn khi quả penalty cuối trận của Thái Lan bị chân sút chủ lực của họ ở giải này bỏ lỡ, nhưng chiến thắng của Malaysia, xét cho cùng là xứng đáng, bởi họ là đội hai lần dẫn bàn trước, và khiến Thái Lan cực kỳ bị động, dù được chơi trên sân nhà.
Đây chưa phải là lực lượng mạnh nhất của Thái Lan, với đến 4 cầu thủ hay nhất không tham gia, nhưng không khó để thấy rằng đấu pháp, cách tiếp cận của Thái Lan đã lạc hậu trong điều kiện các đội bóng khác đều có sự cách tân đầy khôn khéo và dứt khoát, và tinh thần, tâm lý của người Thái ở giải đấu này đang tụt lùi thảm hại.
2. Ở chiều ngược lại, cả ba trận gặp Malaysia và Philippines, thầy trò HLV Park Hang-seo đều chiến thắng, thậm chí là chiến thắng thuyết phục. Chưa một phút nào trong cả ba trận đấu ấy, những "khắc tinh" của Thái Lan "làm khó" được thầy trò nhà cầm quân người Hàn Quốc, dù có trên Mỹ Đình hay ở Bacolod.
Lối chơi mà Philippines từng dùng để đối phó với Thái Lan, bị chính Việt Nam "đánh sập" ở cả hai lượt đi về.
Nếu trận thắng 2-0 trước Malaysia trên Mỹ Đình đến từ lối chơi có phần "nhẫn nhịn" của các học trò HLV Park Hang-seo, để rồi ghi hai bàn thắng, cũng như đẩy đối phương vào thể cùng quẫn khi bất lực trước hàng phòng ngự đầy chất thép và cực kỳ tự tin của Việt Nam, thì hai trận thắng trước Philippines là những đòn "gậy ông đập lưng ông" cực kỳ đã mắt.
Trên sân Panaad, HLV Eriksson dự tính sẽ dồn ép Việt Nam như đã từng làm với Thái Lan, nhưng ông thầy người Thụy Điển không biết rằng trong tay HLV Park Hang-seo có Quang Hải là "quả đấm" đầy khôn ngoan, có bộ đôi tiền vệ trung tâm đầy sức mạnh Hùng Dũng, Đức Huy, cùng hai mũi nhọn đáng sự Anh Đức - Văn Đức.
Quan trọng nhất, đội tuyển Việt Nam có trong HLV Park Hang-seo, người đưa ra quyết định gây nhiều sự ngạc nhiên, nhưng cực kỳ hiệu quả khi "đánh vỗ mặt" đối phương, chấp nhận đua sức, đua va chạm với đối thủ được đánh giá mạnh hơn về sức mạnh, về thể hình, và không hề kém về độ quyết tâm.
Sự chắc chắn và ổn định của hàng thủ khiến đội tuyển Việt Nam trở nên cực kỳ đáng nể.
Chính "trận đánh" ấy là sự khẳng định thuyết phục nhất rằng U23 Việt Nam không hề "ăn may" ở giải U23 châu Á, cũng như Asiad 2018, và đội tuyển Việt Nam không hề chỉ biết phòng ngự rồi tình rập tấn công, mà còn có thể đường hoàng ưỡn ngực, chơi sòng phẳng và chiến thắng đối thủ khi cần thiết.
Một Philippines đầy sức mạnh, một Malaysia đầy quyết tâm và gắn kết đã dạy cho người Thái bài học về bóng đá ở giải đấu này, và ở Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, người ta thấy được cả sự quyết tâm, sức mạnh ở cả chuyên môn lẫn tâm lý, thêm vào đó là sự khôn khéo, tài giỏi vượt trội của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Sau trận thắng Phlippines trên sân Mỹ Đình để cùng đội tuyển Việt Nam giành chiếc vé vào chung kết, HLV Park Hang-seo đã nhận xét về các học trò của mình:
"Tuyển Việt Nam có những cầu thủ trẻ, bên cạnh đấy là những cầu thủ giàu kinh nghiệm. Các cầu thủ trẻ vẫn còn ít kinh nghiệm, nhưng năng lượng của họ là bất tận, rất khủng khiếp. Tôi nghĩ việc kết hợp họ với nhau là rất phù hợp, bổ trợ cho nhau cực kỳ tốt".
Bán kết AFF Cup 2018: Việt Nam 2-1 Philippines (nguồn: Next Media)
Thầy Park nói đúng, hàng thủ với Đặng Văn Lâm - Duy Mạnh - Đình Trọng - Quế Ngọc Hải, cùng hai cầu thủ chạy cánh Trọng Hoàng - Văn Hậu sừng sững qua tất cả những trận đấu ở AFF Cup 2018, trong khi đó ở hàng tiền vệ và hàng công, trừ Quang Hải là linh hồn của cả đội, ông Park có vô số sự lựa chọn cho sự biến ảo trong đấu pháp của mình. Mà ngay cả Quang Hải, cũng được ông Park sử dụng biến ảo khôn lường.
Nhìn vào đấy, người ta thấy một đội tuyển đầy sức mạnh và sự biến ảo. Nếu tính thêm sự gắn kết chưa từng có ở đội tuyển Việt Nam, không chỉ giữa những cầu thủ trẻ từng chơi với nhau suốt một năm qua, mà còn ở cả sự kết hợp giữa hai lứa cầu thủ trên và dưới 23 tuổi, Việt Nam chẳng có lý do gì phải ngại Thái Lan cả, không chỉ ở riêng hiện tại, mà còn ở chặng đường trước mắt, và cả tương lai.
Chẳng cần phải tiếc khi đánh mất cơ hội chạm mặt Thái Lan ở giải đấu lần này nữa, bởi cứ hỏi cả châu Á xem Việt Nam là ai, người ta sẽ tự khắc biết là ai mới là người phải "kiềng nể" ai. Với bóng đá Việt Nam, một chương mới để vươn ra châu lục đã bắt đầu.