Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt trong hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng đang diễn ra tại châu Á đã dấy lên nhiều nghi vấn về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định Trung Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng gạt Mỹ ra khỏi khu vực này.
"Nếu châu Á thực sự quan trọng với Mỹ, tại sao Tổng thống Trump lại không xuất hiện tại sự kiện này?", nhà ngoại giao Singapore Tommy Koh đặt câu hỏi dành cho những người đồng cấp Mỹ.
Tổng thống Trump đã quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) của ASEAN, được tổ chức tại Singapore, và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), được tổ chức tại Papa New Guinea trong tuần này. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đảm nhận nhiệm vụ tham gia các sự kiện này thay mặt ông Trump.
"Đối với người châu Á, việc có mặt trong một cuộc họp là điều rất quan trọng", ông Koh, một vị luật sư kiêm đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Singapore, phát biểu tại một sự kiện hôm thứ 4 (14/11) vừa qua.
Theo lời ông Koh, nhiều người đồng cấp của ông trong khu vực Đông Nam Á cũng cảm thấy lo ngại về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, với mục đích chủ yếu là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Ông Koh cho biết những phát biểu trên chỉ là quan điểm và những thông tin do ông thu thập được, chứ không đại diện cho chính phủ Singapore. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại giống như ông, trong thời điểm tình hình trong khu vực có nhiều bất ổn, và xung đột giữa các cường quốc trên thế giới ngày càng leo thang.
Ông Trump bỏ lỡ cơ hội tốt...
"Ông Trump đã lỡ mất cơ hội tốt khi không xuất hiện [tại hai hội nghị thượng đỉnh lớn tại châu Á]. Hành động này khiến người khác cảm thấy ông ấy không thực sự gắn kết với châu Á - và điều đó đi ngược lại với mục đích của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tôi cảm thấy chính sách châu Á của Mỹ giờ đây đã được giao cho các ông Pence, Mattis, hay Pompeo xử lí, còn ông Trump không còn để tâm tới chính sách đó nữa", Huong Le Thu, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, cho biết.
Theo SCMP, chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mike Pence lần này được thực hiện với mục đích trấn an các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ về việc Washington tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực, đồng thời tìm kiếm cơ hội đề xuất giải pháp thay thế cho tham vọng về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên toàn cầu.
"Chúng tôi muốn thấy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trong đó mọi quốc gia có thể tự do theo đuổi con đường và lợi ích của riêng mình, mà trong đó vùng trời và vùng biển đều được mở rộng để tất cả cùng tham gia vào các hoạt động hòa bình, và mọi quốc gia cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn", ông Pence trả lời các phóng viên tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AP.
Phát biểu tại Singapore, ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết việc ông Pence có mặt tại hội nghị cho thấy "Mỹ vẫn tiếp tục duy trì cam kết của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", với ba trụ cột chính trong hợp tác kinh tế, an ninh và quản trị nhà nước.
"Không nơi nào trên thế giới cho phép một quốc gia được thống trị, ép buộc, dọa nạt hay viết lại luật lệ. Luật lệ là thứ đã có sẵn ở đó rồi", ông Murphy khẳng định.
Bắc Kinh hưởng trọn ánh hào quang?
Quả thực, theo những miêu tả của Straits Times, ông Tập Cận Bình dường như đang hưởng trọn ánh hào quang tại Papua New Guinea "nhờ" sự vắng mặt của ông Trump, với sự tiếp đón nồng nhiệt của nước chủ nhà dành cho lãnh đạo Trung Quốc.
Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức để tiến xa hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu tại hội nghị EAS (Singapore), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, và kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận của các nước trong vòng 3 năm tới.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Bắc Kinh để chốt các cuộc đàm phán về Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và 6 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc - đã bị hoãn lại cho tới năm sau.
Sở dĩ hiệp định trên bị hoãn là do Ấn Độ chưa muốn mở cửa thị trường với Trung Quốc, vì họ không thực sự đồng tình với trật tự thương mại do Trung Quốc dẫn đầu.
Tuy vậy, ông Trump không phải là lãnh đạo duy nhất gây chú ý vì vắng mặt tại sự kiện quan trọng của châu Á và ASEAN, theo SCMP. Theo ông Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại Singapore: "Chủ tịch Trung Quốc cũng chưa từng xuất hiện tại EAS".
"Các quốc gia Đông Nam Á luôn cho rằng đây là động thái "xem nhẹ" của Bắc Kinh đối với ASEAN, cho thấy Trung Quốc không muốn công nhận vai trò lãnh đạo của ASEAN trong hệ thống thể chế khu vực. Điều này thực sự đáng thất vọng dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình", ông Connelly nhận định.