Những ngày qua, dư luận làng võ lại dậy sóng khi chứng kiến võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông hạ gục võ sư Vịnh Xuân Đinh Hạo, đệ tử 4 đời của tông sư Diệp Vấn. Trận đấu này lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng võ thuật và nảy sinh nhiều tranh cãi về tính thực chiến của võ cổ truyền, đặc biệt là Vịnh Xuân.
Muốn thực chiến tốt cần có 50% kỹ thuật và 50 % thể lực…
Đó là khẳng định của võ sư Phạm Anh Dũng (Chủ nhiệm CLB Vịnh Xuân Thực Quyền) khi nói về tính thực chiến của Vịnh Xuân nói riêng và các môn võ nói chung. Võ sư Dũng đến với Vịnh Xuân từ những năm 1987, ông từng có hơn 10 năm theo học Vịnh Xuân của sư phụ Lục Hào Kim (đệ tử đời thứ 2 của tổ sư Nguyễn Tế Công).
Theo ông Dũng, kỹ thuật Vịnh Xuân mà võ sư Đinh Hạo sử dụng trong trận đấu vừa rồi là quá ít và quá kém về thể lực. Võ sư Dũng phân tích:
"Đinh Hạo có đánh trúng vào mặt của Từ Hiểu Đông hai lần nhưng anh ta không hề có phản ứng gì cho thấy sự choáng váng vì lực đấm quá yếu. Đinh Hạo sử dụng Vịnh Xuân quá ít, cách di chuyển cũng bị hở trung tâm quá nhiều. Lẽ ra, anh ta phải di chuyển nhiều hơn, Vịnh Xuân không chỉ có di chuyển tới trước mà cần phải lách sang phải, lách sang trái để ra đòn chứ không thể tiến tới như thế được".
Võ sư Anh Dũng cho rằng dù là đấu trên võ đài hay thực chiến ngoài đường phố thì cách di chuyển như vậy là rất nguy hiểm.
"Tôi không cần biết anh đánh như thế nào nhưng phải giữ được trung tâm. Từ cách ra đòn đến di chuyển, Đinh Hạo quá vụng về. Tôi không thể tin đệ tử 4 đời của Diệp Vấn lại đánh kém như thế. Nếu đây không phải đánh trên võ đài thì Đinh Hạo thậm chí còn bị hạ knock-out sớm hơn rồi, võ sư Dũng nói thêm.
Với kinh nghiệm nhiều năm tập luyện Vịnh Xuân, võ sư Phạm Anh Dũng luôn chú trọng đến vấn đề thực chiến khi truyền dạy cho các môn sinh của mình. Theo ông chia sẻ, Vịnh Xuân nói riêng và các môn võ khác nói chung muốn thực chiến tốt thì cần phải thường xuyên cọ xát với nhau. Ngoài ra, yếu tố kỹ thuật và thể lực đóng vai trò then chốt.
Võ sư Dũng lý giải: "Điều bắt buộc đầu tiên nếu muốn thực chiến tốt, đó là phải tập nhiều kỹ thuật Vịnh Xuân. Tiếp đến là vấn đề thể lực. Một người ra đòn phải biết chắc được trọng lượng mỗi cú đấm tung ra là bao nhiêu thì khi đó mới có thể knock-out đối thủ được.
Như Đinh Hạo, dù có đánh hay nhưng nếu đánh Từ Hiểu Đông không đau thì cũng không có nhiều ý nghĩa.
Theo tôi, muốn thực chiến tốt thì kỹ thuật chiếm 50 % và thể lực cũng 50%. Nếu không có thể lực thì không thể làm gì được.
Tập thể lực sẽ giúp tăng cường sức mạnh các nhóm cơ cần thiết để sử dụng. Người tập võ mà suốt ngày chỉ luyện võ, không tập thể lực thì hoàn toàn không hợp lý".
Vịnh Xuân trên phim và ngoài đời hoàn toàn khác biệt
Kể từ khi Lý Tiểu Long kế thừa Vịnh Xuân từ sư phụ Diệp Vấn và đưa môn võ này lên màn ảnh thì Vịnh Xuân nhanh chóng được cộng đồng võ thuật biết đến rộng rãi.
Tuy nhiên, Vịnh Xuân của Lý Tiểu Long về cơ bản đã lược bỏ đi rất nhiều những đòn thế rườm rà, không hiệu quả. Thay vào đó, ông cải tiến để nó trở nên thực dụng hơn rất nhiều.
Võ sư Phạm Anh Dũng thời còn trẻ rất thần tượng Lý Tiểu Long và xem đó là hình mẫu để tập luyện Vịnh Xuân. Theo ông, trước khi Lý Tiểu Long sang Mỹ, anh ấy cũng không phải là một học trò xuất sắc của Diệp Vấn.
"Cách đánh của Lý ở Hong Kong cũng để lộ nhiều sơ hở. Sau khi sang Mỹ và được giao lưu với nhiều môn phái khác nhau mới giúp anh ấy rút ra nhiều kinh nghiệm, từ đó phát triển Vịnh Xuân lên tầm cao mới.
Cách đánh của Lý Tiểu Long rất nhanh nhưng không hề để lộ sơ hở ở vùng trung tâm. Trên cả phim ảnh lẫn ngoài đời, Lý Tiểu Long là thiên tài võ học hiếm thấy".
Trong một thập niên trở lại đây, Vịnh Xuân tiếp tục được biết đến rộng rãi qua series phim Diệp Vấn do Chân Tử Đan thể hiện. Nhiều người khi xem phim có cảm nhận Vịnh Xuân rất đẹp mắt, hiệu quả, thậm chí là bất khả chiến bại.
Dưới góc nhìn của một người tập Vịnh Xuân lâu năm, võ sư Phạm Anh Dũng khẳng định võ thuật trên phim và thực tế hoàn toàn khác xa nhau.
Ông nói: "Vịnh Xuân trên phim đã được biên đạo, sắp xếp trước các đòn thế, góc quay như thế nào. Thậm chí, người ta có thể quay chậm để cho ra những thước phim đẹp như vậy.
Nhưng thực tế ngoài đời có ra đòn được như vậy không mới quan trọng. Nếu đánh được thì mới gọi là giỏi.
Khi thực chiến, đối phương tấn công như vũ bão, ra đòn liên tục thì ta sẽ không có thời gian để suy nghĩ và phản đòn. Do đó, Vịnh Xuân trên phim và thực tế hoàn toàn khác xa nhau".
Võ sư Dũng từng có cơ hội "giao tay" với võ sư Leo Au Yeung (đệ tử Diệp Chuẩn, con trai Diệp Vấn). Theo ông chia sẻ, khả năng của Leo cũng bình thường:
"Anh ta giống như một cỗ xe tăng, bộ tay cứng và di chuyển chậm chạp. Leo Au Yeung học Vịnh Xuân từ Diệp Chuẩn 20 năm, và là biên đạo võ thuật của phim Diệp Vấn nhưng tôi không hiểu sao lại ra đòn chậm như thế.
Có thể anh ấy luyện chưa tới tầm của Vịnh Xuân nên không thể đạt được khả năng chiến đấu như mong đợi".
Võ cổ truyền rất hay nhưng chỉ thiếu tính thực tế
Trước sự nghi ngờ về tính thực chiến của các môn võ cổ truyền so với võ hiện đại như MMA hay Boxing… võ sư Phạm Anh Dũng cho rằng vấn đề nằm ở tính thực tế.
Theo ông, võ cổ truyền tập thì nhiều nhưng chiến đấu quá ít, còn với MMA, bắt buộc các võ sĩ phải giao đấu thường xuyên. Sự cọ xát giữa hai trường phái võ thuật có sự chênh lệch nhiều.
"Khi cọ xát nhiều thì khả năng phản xạ và xử lý tình huống sẽ tốt hơn. Với các môn võ cổ truyền, võ sĩ ít cọ xát nên khi đấu thực tế, họ không biết đối phương sẽ ra đòn như thế nào để chống đỡ.
Tuy nhiên, không thể vì vậy mà đánh giá thấp khả năng của võ cổ truyền. Môn võ nào cũng có cái hay riêng cả. Sự thật là ngày nay, các võ sư hay dạy nhiều về kỹ thuật, bài truyền, đứng tấn… nhưng lại ít cho các em chiến đấu với nhau.
Đinh Hạo tại võ đường của sư phụ - Dư Xương Hoa.
Phải đi giao lưu nhiều thì mới tiến bộ và biết khả năng của bản thân tới đâu. Chúng ta không nên xem thường các môn võ cổ truyền, chỉ là họ đấu ít quá nên bất lợi", võ sư Dũng cho biết.
Cuối cùng, võ sư Phạm Anh Dũng cho rằng Đinh Hạo và Từ Hiểu Đông chênh lệch tới 15kg nên nếu đánh theo luật tự do thì chắc chắn võ sư Vịnh Xuân sẽ có cách đánh khác.
Theo ông, đánh theo luật tự do thì Hạo có thể dùng đòn hiểm để hạn chế khả năng ra đòn của họ Từ.
"Từ Hiểu Đông là võ sĩ MMA, nặng hơn 10kg thì cú đấm rất mạnh. Hơn nữa, anh ta tập nhiều nên tốc độ rất nhanh. Do đó, chỉ có thể dùng đòn hiểm thì Đinh Hạo mới có cơ hội thắng".
Vịnh Xuân Thực Quyền
Võ sư Phạm Anh Dũng sinh năm 1970, ông bắt đầu đến với Vịnh Xuân từ năm 1987 thông qua một người bạn nói chuyện về Vịnh Xuân và huyền thoại Lý Tiểu Long.
Ông bắt đầu theo tập dòng Vịnh Xuân Hà Nội từ sư phụ Ngô Sỹ Quý. Một thời gian sau, ông chuyển vào Sài Gòn và tìm đến dòng Vịnh Xuân của sư phụ Lục Hào Kim (đệ tử đời thứ 2 của tổ sư Nguyễn Tế Công).
Theo võ sư Dũng, khi đến với nhánh của sư phụ Lục Hào Kim đã giúp ông tháo gỡ những điều trước giờ chưa hiểu hết về Vịnh Xuân, đặc biệt là khả năng thực chiến.
Võ sư Phạm Anh Dũng tung 100 cú đấm Tam Quyền trong 16 giây
Vịnh Xuân Thực Quyền do ông sáng lập ra đời vào năm 2013 với ý nghĩa đề cao tính thực chiến. Võ sư Dũng muốn rõ bỏ những gì rườm rà, hướng đến đòn thế thực dụng nhất của Vịnh Xuân. Mỗi tháng, ông đều yêu cầu môn sinh của mình phải đấu với nhau để nâng cao khả năng thực chiến.
Võ sư Phạm Anh Dũng cũng muốn môn sinh Trương Quốc Cường thay mặt Vịnh Xuân Thực Quyền giao đấu với võ sư Flores. Ông không đánh giá cao kỹ thuật của Flores, do đó võ sư Dũng sẽ yêu cầu môn sinh tăng cường tập nhiều về thể lực để tăng sức mạnh cú đấm.
"Tôi yêu cầu môn sinh tăng cường tập thể lực, khi đó sức mạnh cú đấm sẽ tăng lên đáng kể. Về cơ bản, võ sư Flores nặng 90kg nhưng vùng mặt thì vẫn như người bình thường, do đó nếu đấm trúng vào mặt thì chắc chắn ông ấy sẽ choáng váng và môn sinh của tôi sẽ có cơ hội knock-out".