Vỡ đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ: Lo ngại công nghệ lạc hậu của Trung Quốc

Minh Thư |

Mặc dù đã khắc phục sự cố vỡ đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) nhưng theo các chuyên gia, mối hiểm họa này sẽ còn tiếp tục xảy ra trên diện rộng bởi các tổ hợp nhà máy bauxite Tây Nguyên đều sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) được khởi công năm 2010, trong đó chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ - TKV (Vinacomin), còn tổng thầu là Công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco).

Sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm của nhà máy Alumin Nhân Cơ vừa xảy ra khiến nhiều khối hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất, chảy ra suối theo đường ống được chuyên gia xác định là chất lượng đường ống kém, công nghệ lạc hậu.

Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, người đã từng đưa ra nhiều cảnh báo trước khi xây dựng nhà máy này cho rằng, hậu quả xảy ra không sớm thì muộn vì công nghệ Trung Quốc quá lạc hậu, đường ống dẫn hóa chất chất lượng kém.

“Lúc chưa xây dựng nhà máy này tôi đã cảnh báo vấn đề môi trường là không thể giải quyết được, nó là quả bom nổ chậm.

Bản thân công nghệ Trung Quốc đang lạc hậu rồi, lúc ấy người dân Trung Quốc cũng phản đối công nghệ đó ở Trung Quốc thì mình lại lấy công nghệ đó về đầu tư ở Tây Nguyên”, ông Khiển nói.

Vị này cảnh báo: “Sau này sẽ tiếp tục xảy ra sự cố trên diện rộng, phức tạp hơn. Nước chuyển những chất ô nhiễm vào các dòng chảy không chỉ trên mặt mà cả các mạch nước ngầm.

Tập đoàn TKV cần có biện pháp để bảo vệ môi trường bởi bùn đỏ thải ra hàng trăm năm chưa phân hủy hết, đấy là còn chưa kể đến chuyện bể chứa có tốt hay không, toàn bộ nước ngầm bị ô nhiễm sẽ là quá nguy hiểm”.

Qua trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển mới hay, trước khi xây dựng dự án này, bản thân ông cùng đồng nghiệp đã có nhiều cảnh báo, nhất là vấn đề bùn đỏ thải ra sẽ như bom nổ chậm, không xảy ra lúc này sẽ xảy ra lúc khác, nó ảnh hưởng đến nước ngầm, nước mặt và đời sống của người dân ở hạ du.

Ngoài ra, ông Khiển phân tích, nếu luyện nhôm thì được 100% giá trị của quặng bauxit nhưng luyện alumin thì chỉ được khoảng 40%, còn lại thải ra hết.

Sau đó, alumin đó phải bán cho Trung Quốc để họ luyện nhôm rồi bán lại cho Việt Nam. Đây là một sự lãng phí tài nguyên của đất nước.

Liên quan đến bài toán kinh tế, ông Khiển so sánh: Nước ta đã có tiếng trong việc xuất khẩu các loại cây công nghiệp như ca cao, cà phê…

Vậy thì alumin có mang lại lợi ích cho cộng đồng nhiều hơn không trong khi nó nguy hại đến môi trường quá lớn?

Đặc biệt, ông Khiển nhấn mạnh, việc sản xuất alumin bây giờ lại không rẻ hơn alumin nhập khẩu, đây là điều đáng buồn cho nền kinh tế nước ta.

Cũng cho rằng công nghệ quá lạc hậu, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường dẫn chứng nhiều nước khai thác quặng bauxit nhưng không xảy ra vấn đề gì bởi công nghệ tiên tiến và an toàn.

Theo ông Võ, công nghệ mà Trung Quốc sử dụng ở Việt Nam quá lạc hậu. Chúng ta trao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhưng buộc họ phải chi nhiều hơn cho công tác bảo vệ môi trường.

Trước đó, báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thừa nhận sự cố đã xảy ra sáng 23/7 trong quá trình chuẩn bị chạy thử toàn nhà máy.

Nhân viên vận hành bơm kiềm thì nghe thấy tiếng động lạ phát ra nên đã cho dừng máy bơm, theo dõi và phát hiện cổ ống đẩy của bơm bị vỡ, làm kiềm bị chảy ra ngoài theo cổ bơm bị vỡ này và chỉ sau khoảng 4 phút, nguồn kiềm chảy ra đã được khống chế.

Về thiệt hại, TKV nêu theo biên bản làm việc giữa đoàn công tác của tổ giám sát môi trường,

Bộ Tài nguyên và Môi trường với Công ty nhôm Đắk Nông thuộc TKV, lượng kiềm thất thoát do sự cố chỉ khoảng 9,5m3, trong đó một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp trên phần diện tích khoảng 600 m2 và một phần hóa chất trên theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn ra suối Đăk Yao.

TKV cho biết đã chỉ đạo đơn vị thành viên cùng nhà thầu chính Chalieco - Trung Quốc và các nhà thầu phụ phải đảm bảo an toàn, đồng thời rà soát tổng thể đối với thiết kế liên quan đến hóa chất nhằm đưa ra các giải pháp, điều chỉnh, bổ sung thiết kế.

Trước đó, trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sự cố đã được khống chế hoàn toàn một cách nhanh chóng, sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường cũng đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ pH ở mức cho phép.

Tuy vậy, cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Ông Dũng cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại