Vỡ đường băng ở Vinh: Sao đổ tội cho ông trời, máy bay?

Lê Hữu Việt |

Các chuyên gia cho rằng, thời tiết chỉ là tác nhân, không phải nguyên nhân dẫn tới sự cố bong, tróc, vỡ mặt đường băng sân bay Vinh (Nghệ An). Bởi vì sân bay được thiết kế để đảm bảo hoạt động trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều. Trong khi hiện trường cho thấy lớp thảm mặt không kết dính với lớp nền đường băng.

Sáng 3/7, sân bay Vinh đã phải tạm đóng cửa do một đầu đường băng bị bong, tróc lớp thảm mặt đường lên tới khoảng 40m2.

“Nguyên nhân sự cố được xác định là do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, đây cũng là điểm máy bay dừng lấy đà để cất cánh nên 2 bánh sau tác động mạnh, động cơ phả ra nhiều nhiệt dẫn đến việc bị nứt đường băng”, ông Hoàng Văn Thư - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vinh - lý giải.

Lúc 7h sáng 4/7, Cục Hàng không đã cho phép sân bay Vinh mở cửa lại đón các chuyến bay đi/đến bình thường, sau khi lớp mặt đường bị bong tróc trước đó 1 ngày được khắc phục.

Đánh giá bằng cảm quan từ hình ảnh hiện trường sự cố trên, một cán bộ quản lý hàng không cho rằng, có sự kết dính không tốt giữa lớp mặt tạo nhám, phẳng cho đường băng và lớp nền bê tông nhựa phía dưới. Khi máy bay cất hoặc hạ cánh, lực tiếp xúc của bánh máy bay và sức gió từ động cơ làm lớp mặt bị bong, tróc.

Thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều (dẫn tới đọng nước) chỉ làm cho sự kết dính của 2 lớp trên giảm đi, sự cố sẽ xảy ra. Về mặt kỹ thuật và thiết kế, đường băng sân bay đều được tính toán để đảm bảo an toàn hoạt động trong điều kiện tải trọng lớn, nắng nóng kéo dài hay mưa nhiều. Bởi vì sân bay thường hấp nhiệt khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cũng thường cao hơn các khu vực khác.

Vỡ đường băng ở Vinh: Sao đổ tội cho ông trời, máy bay? - Ảnh 1.

Vị trí lớp thảm mặt đường băng sân bay Vinh bị bong tróc sáng 3/7, hình ảnh cho thấy sự kết dính giữa các lớp đường băng không tốt, thậm chí mới được sửa chữa gần đây.

Thực tế như đường băng sân bay Nội Bài (Hà Nội), cũng trong điều kiện nắng nóng, mưa nhiều, thậm chí tần suất hoạt động bay còn lớn hơn sân bay Vinh gấp nhiều lần. Tuy nhiên, giai đoạn trước khi sửa chữa lớn (trước năm 2020), sân bay này dù xuống cấp, hư hỏng, nhưng chỉ lún, nứt, vỡ ở các vị trí khe co giãn, không phải bong cả mảng lớn như đường băng sân bay Vinh.

PGS.TS Nguyễn Duy Đồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (VAAST) - cho rằng, ở Việt Nam có nhiều sân bay hoạt động trong điều kiện nắng nóng như sân bay Vinh, nên nói đường băng sân bay này bong tróc do thời tiết chưa được thuyết phục và đơn giản quá.

“Thời tiết thì ai cũng biết và sân bay nào cũng phải đáp ứng được. Do đó khi thiết kế, thi công, giám sát đều được tính toán đưa ra phương án xử lý. Còn nếu các quá trình trên không được tính toán, một trong những khâu đó chưa thực hiện tốt thì sẽ còn lặp lại các sự cố tương tự thời gian tới”, ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, thiết kế, thi công, giám sát làm sân bay đòi hỏi từ người thợ, tới kỹ sư, nhà thầu phải có kinh nghiệm. Các lớp thảm của đường băng phải đảm bảo đủ độ liên tục, không thể chắp vá. Theo đó, không thể thi công xong thấy hụt chỗ nào bù chỗ đó như đường bộ (vì phần thi công sau đưa vào sử dụng cũng bong).

Sự cố đã ảnh hưởng hàng loạt chuyến bay khác đi/đến Vinh, dẫn tới hệ lụy hành khách và kế hoạch khai thác của các hãng hàng không bị thiệt hại. Cụ thể, nhiều chuyến bay đã bị hủy, một số chuyến bay với nhiều hành khách phải chuyển sang hạ/cất cánh từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Cục Hàng không Việt Nam cũng tổ chức đoàn công tác vào sân bay Vinh trong trưa cùng ngày để kiểm tra tình hình hư hỏng và chỉ đạo, đôn đốc việc khắc phục sự cố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại