Đầu thế kỷ 20, gia đình vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ được nhiều người biết đến là thương gia nổi tiếng kinh doanh mặt hàng tơ lụa ở phố Hàng Ngang, Hà Nội.
Kinh doanh tơ lụa phát đạt từ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương
Thời bấy giời, ông Trịnh Văn Bô được biết đến là người xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, giàu có nhất nhì Hà Nội. Cha của doanh nhân Trịnh Văn Bô là cụ Trịnh Văn Đường (xuất xứ tại Đồng Hoàng, Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ - nay thuộc Thành phố Hà Nội). Ông Đường là chủ tiệm buôn Phúc Lợi có tiếng ở Hà Nội xưa.
Do xuất thân từ gia đình thương gia, nên ngay từ nhỏ ông đã có năng khiếu buôn bán, chịu khó học hỏi, sớm nối nghiệp cha mẹ. Theo đó, ông tự xin tiền mẹ để ra chợ học cách buôn bán, tuy chỉ là những đồng lãi ít ỏi nhưng nó đã nhen nhóm tham vọng kinh doanh sau này của ông.
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ .
Do có tư chất thông tuệ, lại là người được học hành tử tế, sử dụng được tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, thay vì sang Pháp học như người anh trai là Trịnh Văn Bính, ông lại được cha giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp.
Đến năm 1932, ông Trịnh Văn Bô lập gia đình với bà Hoàng Thị Hồ (sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thêm chữ đệm thành Hoàng Thị Minh Hồ). Bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914, tại Hà Nội, là con gái nhà nho yêu nước và là thương gia nổi tiếng Hoàng Đạo Phương.
Sau khi lập gia đình năm 1932, ông được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi với số vốn ban đầu là 30 ngàn đồng Đông Dương.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô.
Những ngày đầu cụ khởi nghiệp chỉ bằng 30 ngàn Đông Dương nhưng nhờ tính cần cù, cẩn thận và tiết kiệm, cộng với uy tín đã được cha ông chuyển nhượng lại từ đời trước nên việc kinh doanh của gia đình ngày càng lớn mạnh dần.
Khi đã tạo được thương hiệu thì các thương nhân đều rất tin tưởng. Cụ Bô từng cho biết, hồi còn nhỏ, ở gần nhà có phiên chợ tơ, 5 ngày họp một lần nên cụ rất thích, khi mua về rồi bán lại, mỗi lần được lãi một đến hai hào. Cứ mua đi bán lại rồi quen người nọ, người kia nên việc buôn bán dễ dàng hơn rất nhiều.
Với những sản nghiệp ban đầu, hai vợ chồng ông đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi, trở thành một nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Ông bà mạnh dạn mua lại một dây chuyền dệt vải trị giá 20.000 đồng Đông Dương và xây dựng nhà máy rộng 3 ha tại khu vực Đê La Thành với 120 công nhân. Nhà máy dệt đã sản xuất ra nhiều loại vải thành phẩm đẹp, bán ra thị trường với mức giá hợp lý.
Nhờ thông thạo tiếng Anh, doanh nhân Trinh Văn Bô - chủ hiệu buôn Phúc Lợi còn sản xuất và buôn bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí có giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Cống hiến lớn về tài chính cho đất nước
Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, từ một cửa hiệu Phúc Lợi ban đầu, gia đình ông tiếp tục mở thêm các cơ sở để trở thành một gia đình thương gia giàu có bậc nhất của Hà Nội. Những cửa tiệm này gia đình ông không thuê mà mua luôn của gia chủ với hàng chục cây vàng. Kho lụa chất cao như núi, gia nhân lúc nào cũng nườm nượp để phục vụ cho gia đình.
Với triết lý kinh doanh của ông Trịnh Văn Bô là: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7,còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức" nên sau khi kinh doanh phát đạt, gia đình ông còn đóng góp tiền bạc vào những tổ chức từ thiện, giúp đỡ người nghèo và lớn nhất là hỗ trợ cho cách mạng và nền độc lập của đất nước.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ quây quần bên người thân. Ảnh: báo Gia đình và xã hội
Năm 1937, hai huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom, hai vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 2 ngàn đồng Đông Dương. Hai năm sau, ông bà Trịnh Văn Bô cũng bỏ 2 ngàn đồng Đông Dương mua gạo cứu tế cho người dân Hưng Yên bị lũ lụt.
Nạn đói năm 1945 ông bà đều kịp thời mang mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo, phát cho người đói, nhờ thế mà nhiều người thoát chết trong gang tấc.
Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ và các hoạt động thời trẻ (Ảnh chụp lại tại triển lãm 48 Hàng Ngang) . Ảnh: Gia Đình & Xã Hội.
Sau Cách mạng tháng 8, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng". Ngoài tự mình đóng góp 117 cây vàng, vợ chồng ông còn khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp thêm hơn 1.000 cây vàng nữa...
Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà đã ủng hộ cho chính phủ tổng cộng 5.147 lượng (cây) vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).