Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch đầy khởi sắc, đặc biệt trong phiên chiều. Dòng tiền ồ ạt đổ vào trên diện rộng kéo hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh, thậm chí sắc xanh còn bao phủ trên toàn bộ nhóm VN30, trong đó có đến 8 cổ phiếu tăng hết biên độ.
VN-Index đóng cửa cao nhất phiên trên 1.080 điểm, tăng 43,73 điểm (+4,22%), mạnh nhất trong vòng gần 7 tháng kể từ ngày 17/5/2022. Mức tăng 4,22% cũng đưa VN-Index trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á trong phiên 2/12. Thực tế, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược xu hướng giảm của nhiều thị trường lớn trong khu vực.
Sau phiên bứt phá ngoạn mục, chứng khoán Việt Nam lấy lại được gần 180.000 tỷ đồng (~7,5 tỷ USD) vốn hóa. Không chỉ tăng mạnh, giao dịch trên thị trường cũng rất sôi động với hơn 1 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch 16.300 tỷ đồng. Con số này dù thấp hơn gần 20% về giá trị và 25% về khối lượng so với phiên đột biến trước đó nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung giai đoạn trước.
Đóng góp lớn vào sự sôi động này là giao dịch tích cực của khối ngoại khi mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Động thái này được tiếp nối từ tháng trước khi thị trường sụt giảm mạnh xuống đáy 2 năm. Trong hơn một tháng trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng lên đến hơn 19.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn chứng khoán Việt Nam, con số kỷ lục trong lịch sử.
Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital,... dòng vốn ngoại còn đang ồ ạt đổ vào thị trường qua kênh ETF. Trong tháng 11, các quỹ ETF đã hút ròng hơn 8.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây qua đó nâng tổng giá trị lũy kế từ đầu năm lên mức kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng. Xu hướng này vẫn còn tiếp diễn khi Fubon vẫn đang huy động thêm hàng nghìn tỷ đồng và sẵn sàng mua gom cổ phiếu Việt Nam.
Một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trở lại là mức định giá thấp kỷ lục của chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn sụt giảm kéo dài. Dù đã hồi mạnh gần đây, P/E trailing của VN-Index vẫn chỉ ở mức 10,9x tương đương vùng đáy các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ. Nhiều Bluechips hiện đang giao dịch quanh giá trị sổ sách, thậm chí một số cái tên còn có P/B dưới 1 lần.
Theo đánh giá của Fubon ETF, VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn. “Thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” – quỹ đầu tư nhấn mạnh.
Cũng như nhiều quỹ ngoại lớn trên thị trường từng nhận định, Fubon ETF cũng tỏ ra lạc quan với yếu tố vĩ mô ổn định của Việt Nam. Quỹ đầu tư cho rằng vẫn có khả năng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12 nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường.
Thêm nữa, đồng USD đã bắt đầu hạ nhiệt và FED cũng phát đi những tín hiệu về việc giảm cường độ tăng lãi suất của Mỹ. Fubon đánh giá dòng vốn ngoại sẽ còn tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới.