Nếu ai đó cần những dẫn chứng liên quan tới sự coi thường của tổng thống Vladimir Putin đối với các biện pháp trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, thì họ có thể nhận thấy chúng tại cuộc họp "Bộ tứ Normandy" diễn ra hôm 19/10 tại Berlin - tờ Slate bản tiếng Pháp mô tả.
Tổng thống Nga đã tiến hành các cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Trong chuyến công du này, người hộ tống ông Putin là "cố vấn về các vấn đề đặc biệt" Vladimir Surkov, người đang bị cấm nhập cảnh vào các nước EU.
Ông Putin đã ép phía Đức đưa ra yêu cầu Brussels phải cấp phép đặc biệt, được chấp thuận trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Châu Âu.
Vấn đề ở chỗ, Vladimir Surkov không phải kẻ tầm thường. Người đàn ông 52 tuổi này là chuyên gia trong mọi vấn đề của Điện Kremlin.
Theo Slate, vào thời điểm hiện nay, ông là người chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định về các cuộc xung đột mà Nga kích động gần biên giới của mình.
Cố vấn đặc biệt của Putin là ai?
Ông Surkov thực sự "toả sáng" từ khi cuộc xung đột tại Ukraine vào năm 2014 nổ ra. Ông là người đứng đằng sau các cuộc biểu tình của những dân tộc nói tiếng Nga và bị phương Tây cho là đã bí mật tư vấn cho quân nổi dậy tại vùng Donbass.
Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm tại Minsk, ông là người điều phối giữa các nguyên thủ tham gia và các thủ lĩnh của quân nổi dậy.
Để ghi nhận nỗ lực này cũng như "sự dũng cảm và lòng yêu nước trong việc bảo vệ quyền hiến định và tự do của người dân Crimea", ông đã được Crimea tặng thưởng huy chương "Vì sự trung thành với nhiệm vụ".
Tuy nhiên, Slate cho hay, Surkov đã phải trải qua sự hổ thẹn vì thường xuyên thay đổi quan điểm, dù ông không phải là nhân vật duy nhất phải phục vụ nhiều "ông lớn", từ Boris Yeltsin cho tới Vladimir Putin và Dmitri Medvedev.
Trong bản lý lịch chính thức của Surkov không hề nhắc tới điều này, nhưng ông sinh ra vào năm 1964 và tên khai sinh là Aslambek Dudaev (thông tin này nhiều lần bị phủ nhận), bởi vì cha ông là người Chechen.
Sau khi cha mẹ ly hôn khi đó ông mới 5 tuổi, Surkov lấy họ của mẹ và đổi tên thành Vladislav.
Vào đầu những năm 1980, ông bỏ học đại học và nhập ngũ rồi tới Hungary, nơi ông hợp tác với tình báo quân sự Liên Xô.
Vladislav Surkov (Ảnh: RIA Novosti)
Nhà tư tưởng học
Sự nghiệp của Vladislav Surkov được nâng lên tầm cao mới khi ông vào làm việc tại Văn phòng tổng thống sau khi Vladimir Putin đắc cử năm 2001.
Viên cố vấn làm việc ở nơi tập trung quyền lực nhất với 2000 quan chức và trụ sở đặt tại tòa nhà Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô cũ ở Moscow.
Đối với người ngoài cuộc, Surkov là người ủng hộ lý tưởng thế giới của người Nga mà đang vượt xa ngoài biên giới nước Nga.
Một trong những cựu đồng nghiệp của ông Surkov tại Văn phòng Tổng thống, ông Boris Rapoport nói rằng, theo lời ông Surkov, "sự xâm lược đó là hình thái tự nhiên của một quốc gia vững mạnh".
Để cho "dân chủ ẩn danh", như cách gọi của Nhà phân tích Lilia Shevtsova thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, trở nên hoàn thiện, nhà sáng lập ra "quyền lực dọc" giữ mối quan hệ với "phe đối lập ngoài hệ thống".
Trong thời điểm diễn ra những cuộc biểu tình phản đối các sai phạm trong quá trình bầu cử năm 2011, ông Surkov đã ủng hộ việc nhượng bộ phe đối lập. Ông ủng hộ khuynh hướng tự do của Dmitri Medvedev khi ông thay Putin ngồi vào chiếc ghế tổng thống.
Surkov là một trong những tác giả của đề án Thung lũng Silicon của Nga và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách đổi mới, tuy nhiên sau 2 năm ông phải rời chiếc ghế này vì những cáo buộc liên quan tới tham nhũng.
Như vậy, kiến trúc sư của chính quyền Putin có đáng hổ thẹn hay không? Tất cả đều nghĩ vậy khi chưa tận mắt chứng kiến phía sau cánh gà ông đứng cùng với tổng thống Ukraine Victor Yanukovich, người đã thoát thân và tới Nga thành công sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014.
Nhà tư tưởng học của Điện Kremlin Vladislav Surkov (trái) cùng Tổng thống Dmitry Medvedev năm 2009 (Ảnh: Getty Images)
Kẻ hoài nghi
Slate đánh giá, Vladislav Surkov không chỉ đơn giản là người thích nghi thời cuộc, mà còn là người mang đầy lòng hoài nghi – điều đại diện cho toàn bộ giới lãnh đạo Nga.
Tầm nhìn về nước Nga được ông đưa ra vào cuốn sách "Gần 0" xuất bản vào năm 2009 dưới bút danh Natan Dubovitzky.
Cuốn sách trinh thám này dù không đạt tới tầm tác phẩm văn học nhưng nó mô tả hàng loạt những sự kiện trong "cung cấm" được nhiều người biết tới, và nó đề cập tới cả vấn nạn tham nhũng ở Nga:
"Dù rất buồn khi phải nói ra điều này, nhưng tham nhũng và tội phạm có tổ chức, như những cấu trúc của trật tự xã hội là trường học, cảnh sát, tinh thần. Nếu vứt bỏ chúng thì sẽ xảy ra hỗn loạn".
Kết luận của tác giả Dubovitzky – Surkov: Nước Nga cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.