Vĩnh biệt Phó giáo sư thật, Tiến sĩ thật Văn Như Cương!

Bùi Hải |

Đúng 19 ngày trước khi từ giã cõi đời, trong một status có gần 3 ngàn like trên facebook của mình, PGS. TS Văn Như Cương đã nói một câu cực hay về tiến sĩ giấy.

Tiến sĩ giấy sẽ cháy trước tiên

Với nhiều công trình nghiên cứu khoa học và biên soạn tới 60 cuốn sách giáo khoa về toán học, chắc chắn thầy Văn Như Cương, không phải là một tiến sĩ giấy.

Tất nhiên các nghiên cứu thực chất ấy của ông, không thể có chỗ cho những đề tài "thú vị và lãng mạn" kiểu: "Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam"; "Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng".

Đối với Văn Như Cương, tiến sĩ giấy chính là biểu hiện rõ nét của một căn bệnh trọng không có trong y văn thế giới: Bệnh háo danh."Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Card visit cũng phải đủ chức danh. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học", ông nhận xét.

Khi Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng, một trong những lãnh đạo trẻ nhất nước, bị phát hiện không trung thực về bằng cấp, facebooker Văn Như Cương viết: "Trong xã hội ta hiện nay, có nhiều cách để kiếm bằng: Học thật để có bằng thật, học giả và tiền thật để được cái bằng vớ vẩn; không học nhưng chi tiền thật để có cái bằng giả…

Một người chức to như ông Xuân Anh thì cần gì phải gian lận về bằng cấp nhỉ?

Đốt lò lên đi. Giấy thì dễ cháy nên tiến sĩ giấy sẽ cháy trước tiên".

Những Phó giáo sư thật, tiến sĩ thật như ông, không đời nào muốn cùng rọ với những học hàm học vị hàng mã.

Tiến sĩ thật và Tiến sĩ lợn

Những người quen thói háo danh, dùng bằng cấp rởm để oai oách và thăng tiến, chắc chắn không thể sống thật bằng con người thật của mình.

Với PGS Văn Như Cương thì ngược lại. Ông không chỉ là một người học thật để có bằng thật, mà ông còn luôn sống thật, sống bản lĩnh với cuộc sống ấy. Con người thật gai góc, dữ dội, thẳng thắn luôn được ông show ra hết.

Vĩnh biệt Phó giáo sư thật, Tiến sĩ thật Văn Như Cương! - Ảnh 1.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Liên Xô cũ năm 1971, ông về dạy học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong khi nhiều trí thức sĩ diện không dám làm thêm vườn ao chuồng, thì thầy Cương lại công khai nuôi lợn trên tầng hai khu tập thể.

Mỗi lứa lợn thu lãi 70 đồng, đúng bằng số lương của một tiến sĩ, vì vậy ông không ngần ngại khoe với bạn bè rằng nhà mình có 2 tiến sĩ: Tiến sĩ Cương và Tiến sĩ lợn.

Nhưng rồi, Tiến sĩ lợn của ông phải cuốn gói ra đi sau khi bị lập biên bản ảnh hưởng môi trường. Giai thoại kể rằng, trong biên bản, Văn Như Cương kiên quyết yêu cầu cán bộ phải ghi rằng không phải "Văn Như Cương nuôi lợn ảnh hưởng đến môi trường, mà lợn nuôi Văn Như Cương ảnh hưởng đến môi trường".

Những câu đùa ấy của ông vừa thực tế, vừa sâu cay; vừa phản ánh đúng tình trạng đáng buồn trong đãi ngộ trí thức thời bấy giờ lại vừa bộc lộ tính cách của một người không chịu sống chung với lươn lẹo, vòng vo, giả dối.

Là chủ tịch một trường dân lập nho nhỏ, thông thường người ta phải dè chừng lời ăn tiếng nói khi đề cập đến các nhà quản lý ngành, nhưng PGS. TS Văn Như Cương làm ngược lại: Thẳng băng, không khoan nhượng nếu thấy hành xử và quyết sách có vấn đề.

Đã có những vị lấy mác thanh tra của mình ra dọa để con mình được ưu ái hơn, đã bị thầy Văn Như Cương dạy cho nhiều bài học nhớ đời.

Cõng mẹ đi chơi và "mình thích thì mình làm thôi"

Sát đến ngày cuối cùng của cuộc đời, facebook Văn Như Cương vẫn còn vẹn nguyên hơi ấm của những dòng chữ hóm hỉnh, sâu cay, tâm huyết về giáo dục và thời cuộc. Những status đó vẫn được hàng ngàn like tán thưởng.

Vĩnh biệt Phó giáo sư thật, Tiến sĩ thật Văn Như Cương! - Ảnh 2.

Sáng nay, một thầy giáo trẻ đã từng là học trò của ông, nói với tôi rằng: "Thầy ra đi như thế cực kỳ thanh thản, và hạnh phúc. Một nhà giáo không chức tước mà có được ảnh hưởng xã hội và giành được tình yêu của nhiều người như Thầy, chắc chẳng còn mong gì hơn nữa".

3 năm trước, khi biết ông mắc ung thư, hàng ngàn học sinh Lương Thế Vinh và người khác, đã cầu cho ông vượt qua bệnh tật. Nhưng người được cầu nguyện ấy, lại luôn trở thành người truyền cảm hứng cho bao bệnh nhân khác vượt lên chính mình.

Thư, một bệnh nhân ung thư gan 2 năm, đã từng nhờ tôi lấy thuốc nơi thầy Văn Như Cương điều trị, sáng nay chat với tôi: "Thầy đi, nhưng bản lĩnh, sự hóm hỉnh của thầy cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, chắc chắn vẫn là động lực cho những người như bọn em, tiếp tục chiến đấu".

Năm PGS Văn Như Cương 60 tuổi, râu tóc cũng đã bạc, ông đã làm một việc mà thời hiện đại chả ai làm: Cõng mẹ già 94 tuổi đi chơi. Bài thơ ông làm sau đó, nhận được sự đồng cảm sâu sắc của bao người:

"Con sáu mươi cõng mẹ chín tư

Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư!

Thôi con đừng có lo cho mẹ.

Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ".

Cách đây 1 tháng, thầy giáo 80 tuổi Văn Như Cương đã gây sốt mạng khi đăng trên facebook của mình tấm ảnh mặc cả bộ đồ rằn ri của lính kèm hai câu thơ rất xì tin:

"Mình thích thì mình mặc thôi

Ai có rỗi hơi cứ việc cười"

Hạnh phúc nhất của một người lưng không thẳng như Lưu Gù, là sống ngay thẳng, sống thật.

Đến những giây phút cuối của cuộc đời, người thầy dạy toán bình dị Văn Như Cương vẫn dám sống và được sống trọn vẹn, tử tế với con người thật, cuộc sống thật của mình. Liệu còn hạnh phúc nào đáng giá hơn như thế?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại