img

Sáng 3/11, VinFast khai trương nhà máy xe điện thông minh trong tổ hợp nhà máy đặt tại Hải Phòng, đồng thời ra mắt 2 phiên bản của sản phẩm đầu tiên Klara. Đây là thành quả sau hơn 1 năm VinFast công bố dự án sản xuất ô tô, xe máy điện mà nhiều người lúc đó còn nghi ngờ về sự thành bại.

VinFast Klara sẽ có 2 phiên bản, dự kiến mở bán chính thức vào ngày 17/11 tới đây. Hãng xe Việt định vị khách hàng ở độ tuổi trẻ, sống ở thành thị, có nhu cầu đi lại thường xuyên trong phố và thích bắt kịp những xu hướng công nghệ mới. VinFast đặt tham vọng sản xuất 250.000 xe máy điện/năm trong giai đoạn 1, tăng lên 500.000 xe trong giai đoạn 2 và có thể mở rộng tới 1 triệu xe máy điện/năm.

Bên cạnh đó, đến hết 2019, VinFast còn cho ra mắt thêm 4 mẫu xe máy điện thông minh, phủ khắp các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến siêu cao cấp nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng, bên cạnh 3 mẫu xe điện tập trung cho nhóm khách hàng học sinh sinh viên. Như vậy, chỉ hơn 1 năm tới, dải sản phẩm xe máy điện của VinFast đã lên con số 8.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.
VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 2.

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam có 3 nguồn phân phối phổ biến, đại lý nhập khẩu tư nhân, thương hiệu nước ngoài phân phối và doanh nghiệp Việt liên kết với các đối tác nước ngoài để lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, số lượng xe máy điện bán ra tại Việt Nam đa phần là nhập khẩu nguyên chiếc hoặc sử dụng linh kiện từ Trung Quốc. Trong khi đó, tự thiết kế, kết hợp với các đối tác cung ứng hàng đầu thế giới, cho đến sản xuất ra thành phẩm như VinFast là lần đầu tiên.

"Đây là phân khúc tiềm năng, nhưng vấn đề trước giờ là chưa có ai làm bài bản. Sản phẩm đầu tiên rất hứa hẹn, nhưng còn chuyện định hướng của VinFast như nào cũng là một dấu hỏi. Bởi trước đây Việt Nam không phải không có xe máy điện, nhưng nó chưa hình thành một phân khúc rõ rệt, nhiều người vẫn nhầm lẫn nó với xe đạp điện", ông Hoàng Hà, người từng giữ vị trí Giám đốc truyền thông của một hãng xe máy Nhật Bản cho hay.

Thực tế, VinFast Klara có nhiều ưu điểm so với xe máy điện thông thường, nhất là việc sử dụng công nghệ đến từ các công ty danh tiếng như Bosch (Đức) hay Panasonic (Nhật Bản),... VinFast hướng Klara đến những người có nhu cầu thực sự về một mẫu xe điện thông minh để sử dụng hàng ngày. Trái ngược lại với thực trạng xe máy điện đang bị coi là một phương tiện tạm thời trước khi người tiêu dùng mua xe máy động cơ xăng.

Trong buổi lễ ra mắt, VinFast nhắc đi nhắc lại nhiều lần về cụm từ “xe máy điện thông minh” khi nói về Klara. Khả dĩ là vì, bên cạnh những lợi ích mặc định của xe máy điện, chữ “thông minh” thể hiện qua một số tính năng nâng cao, như kết nối internet 3G, định vị GPS, khóa và mở khóa xe từ xa, đồng bộ thông tin quãng đường, thông số lái xe qua smartphone, tìm trạm sạc, trạm thuê pin, trạm dịch vụ, báo tình huống khẩn cấp qua các số điện thoại đặt trước,...

Dẫu vậy, xe máy điện vẫn có những hạn chế cố hữu khi sử dụng tại Việt Nam, đó là khí hậu thường xuyên mưa ẩm và tình trạng ngập lụt ở các đô thị lớn, chưa kể đến việc hạ tầng giao thông chưa có trạm sạc ở nơi công cộng.

VinFast giải bài toán này bằng cách kết hợp với các đối tác, trong đó có PV Oil, nhằm thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và trạm thuê pin trên toàn quốc đến năm 2020, theo ba mô hình: trạm sạc thường, trạm thuê pin và trạm sạc nhanh. Hệ thống trạm sạc, cho thuê pin của VinFast sẽ có mặt ở các vị trí như bãi đỗ xe, các cửa hàng tiện ích VinMart+, hầm các chung cư, cổng trường học, ký túc xá trường học,... giúp việc sạc điện xe dễ dàng hơn bao giờ hết.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 5.

“Thiết lập các trạm sạc là điều chưa một hãng xe điện nào tại Việt Nam làm trước đây”, một chuyên gia đề nghị giấu tên cho hay. “Đây là một động thái cho thấy sự nghiêm túc về tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe máy điện của VinFast”.

Đồng tình với quan điểm này, anh Hoàng Hà cho rằng việc đầu tư trạm sạc là điều cần phải làm. Rất nhiều nước trên thế giới cũng quan ngại về trạm sạc giống như ở Việt Nam, và khi VinFast làm được những gì công bố sẽ tạo ra sự yên tâm cho khách hàng. Ngay bản thân hãng xe điện danh tiếng Tesla cũng phải đổ rất nhiều tiền cho các trạm sạc điện để phục vụ hệ thống các xe mà họ tham vọng chiếm lĩnh thị phần từ tay xe dùng nhiên liệu truyền thống.

Còn về yếu tố khí hậu thường xuyên mưa lớn và tình trạng ngập lụt ở các đô thị, nhà sản xuất chứng minh bằng màn lội nước 50 cm và ngâm trong nước 30 phút trong khuôn viên nhà máy trước giới truyền thông. VinFast Klara đạt tiêu chuẩn chống nước IP57. Mẫu xe này đã trải qua 29 lần thử nghiệm với tổng cộng 4.000 giờ đồng hồ.

Xe điện VinFast

Anh Lê Anh, huấn luyện viên của BMW toàn cầu, đánh giá cao khả năng lội nước 50 cm và ngâm trong 30 phút của VinFast Klara, vì từ trước đến nay khi nhắc đến xe điện, người tiêu dùng thường sợ việc di chuyển trong điều kiện ngập lụt sẽ làm ảnh hưởng đến pin, như hỏng hóc hay chí ít là giảm tuổi thọ của pin.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 8.
VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 9.

Có nhiều công nghệ hiện đại, trạm sạc rộng khắp trong tương lai, nhưng Klara cần nhiều yếu tố để thành công, mà đầu tiên là giá bán. Đây sẽ là một bài toán mà VinFast cần tìm lời giải, bởi giá bán Klara không có chuyện ngang tầm với xe điện đến từ Trung Quốc.

Khoảng giá mà người tiêu dùng Việt Nam dự đoán nhiều nhất sau buổi ra mắt là 25-30 triệu đồng, họ cho rằng con số đó là hợp lý, cũng có một số trường hợp cho biết vẫn sẵn sàng mua Klara nếu giá bán nằm trong khoảng 30-40 triệu đồng. Nhiều khả năng, VinFast Klara sẽ cạnh tranh trực tiếp với những mẫu xe sử dụng động cơ xăng truyền thống.

Với tham vọng của VinFast, việc thay thế được xe máy xăng trong đối với những người thường xuyên di chuyển trong đô thị là hoàn toàn khả thi bởi chi phí sử dụng thấp hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, bên cạnh việc VinFast đã giải quyết những bất tiện tồn động ở xe điện bấy lâu nay.

Ông Hoàng Hà phân tích: "Thực ra thị trường Việt Nam chỉ quen với xe tay ga, còn xe điện mà có thể cạnh tranh được với xe tay ga phải cần một chiến lược cụ thể. Trước nay, thị trường xe máy chia làm 3 loại chính, xe số, xe tay ga và xe phân khối lớn. Đối thủ của Klara sẽ là xe tay ga - sân chơi của Honda, Yamaha và Piaggio - mà trong tiềm thức khách hàng, loại phương tiện này gắn liền với động cơ đốt trong".

"VinFast làm xe điện với kiểu dáng của xe tay ga nhằm tấn công vào phân khúc này, đương nhiên họ phải tạo ra được dấu ấn, phải cho thấy được giá trị sánh ngang với xe tay ga. Đến khi nào người tiêu dùng cân nhắc xe máy điện giống như một loại hình xe thứ 4, bên cạnh xe số, xe tay ga và xe phân khối lớn, thì VinFast sẽ nhanh hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường, còn không nằm ở đâu thì rất khó", ông Hà nói thêm.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 10.

"Sản phẩm chỉ chiếm 25% trong câu chuyện kinh doanh, còn lại là doanh nghiệp phải xác định bán vào đâu, giá cả, sản phẩm phù hợp với khách hàng nào, phân phối qua kênh và hệ thống nào, chiến lược truyền thông và marketing ra sao", ông Hà nhận định.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 11.

Nhưng không chỉ là câu chuyện kinh doanh, Klara là bước đi đầu tiên trong tham vọng 'xanh' hóa phương tiện giao thông tại Việt Nam của VinFast. Theo dữ liệu gần đây nhất của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), 91% số ngày trong 3 tháng đầu 2018, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của WHO chỉ ra rằng khoảng 90% số người trên thế giới đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của WHO và có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 12.

Trong khi tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho biết khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang đứng đầu ở các đô thị lớn, vượt qua các xí nghiệp sản xuất, sinh hoạt dân cư hay hoạt động xử lý rác thải.

Việt Nam hiện có hơn 45 triệu xe máy lưu hành, trong đó phần lớn là xe máy sử dụng nhiên liệu xăng đã tạo ra nguồn ô nhiễm đô thị rất lớn, và giải pháp trước mắt vẫn là chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Ở Đài Loan - quốc gia số 1 về xe máy trên thế giới - đã khuyến khích việc sử dụng xe máy điện, thay thế cho xe máy sử dụng nhiên liệu truyền thống từ rất lâu nhằm bảo vệ môi trường.

"Chuyển sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch như điện là xu hướng tất yếu tại Việt Nam, đó còn chưa kể tới các lợi ích về việc tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng loại xe này", anh Lê Anh, huấn luyện viên BMW toàn cầu cho hay.

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 13.

Và đây là cơ hội của VinFast. Để thực hiện tham vọng đó, doanh nghiệp này đang xây dựng hệ sinh thái toàn diện cho xe máy điện thông minh, bao gồm nhà máy, dải sản phẩm, hệ thống trạm sạc và trạm thuê pin, hệ thống điện toán đám mây cùng ứng dụng điện thoại và hệ thống đại lý uỷ quyền. Bên cạnh đó là việc VinFast sẽ có dải sản phẩm 8 mẫu xe máy điện đến hết 2019.

Không chỉ có xe hai bánh, trong năm tới, hãng xe Việt sẽ cho ra mắt thêm một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ. Lý giải cho việc vì sao lại 'điện hóa' xe máy trước ô tô, ông Hoàng Hà nhận định: "Đối với mảng ô tô, việc bắt đầu bằng động cơ đốt trong là hợp lý, để có thời gian phát triển ô tô sử dụng động cơ điện. Vì hướng đi hiện tại cho thấy xe điện mới là mục tiêu chính của VinFast".

VinFast Klara: Từ sản phẩm kinh doanh tới giấc mơ xanh phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 14.

Nhưng câu chuyện 'xanh' hóa phương tiện giao thông phải xuất phát từ 2 phía, doanh nghiệp và nhà nước. Ở trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã và đang có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và sản xuất phương tiện thân thiện với môi trường, thậm chí là trợ giá hay hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Còn tại Việt Nam, dù chưa có chính sách nào cụ thể, ông Hoàng Hà nhìn nhận việc VinFast tham gia phân khúc xe máy điện sẽ là một yếu tố để thúc đẩy ngành này. Nếu nhìn thấy cơ hội, nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, bên cạnh đó còn kéo theo các 'ông lớn' như Honda và Yamaha chen chân thị trường Việt Nam. Khi đó, người được lợi nhất chính là khách hàng Việt Nam.

Thế Anh
Team Media
Tom
05.11.18