Năm 2012, rất ít người nghĩ một tiến sĩ , từng học tập và giảng dạy nhiều năm tại Pháp (môn Toán ứng dụng) như Phạm Đức Toàn lại chọn Viettel – một công ty Nhà nước 100% mà còn là công ty quân đội làm nơi “khởi nghiệp” khi trở về Việt Nam. Thế nhưng, với Toàn thì lựa chọn đó và “logic và không có gì đặc biệt”.
“Thứ nhất, bạn cần căn cứ vào đề nghị nhận được là gì. Thứ hai, môi trường làm việc mong muốn ở đó ra sao”, vị Tiến sĩ Toán giải thích ngắn gọn. Thực tế, vị trí đầu tiên của Toàn tại Viettel là nghiên cứu viên nhưng công việc không giống so với nơi khác bởi “nghiên cứu ở đây không để xong đề án hay mẫu thử mà phải ra sản phẩm cuối cùng, ứng dụng được trong thực tế”.
Máy bay không người lái (UAV) là sản phẩm quan trọng đầu tiên mà Toàn cùng các đồng nghiệp tại Viettel nghiên cứu và phát triển thành công. Tiếp đó, Toàn cùng các đồng nghiệp của mình còn thành công với một số sản phẩm quân sự đặc biệt quan trọng khác. Giờ đây, Tiến sĩ này đang giữ vị trí Phó Viện trưởng Viện hàng không vũ trụ Viettel.
Toàn là một trong số nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài quyết định trở về nước và gia nhập Viettel vì ở đây có nhiều dự án giúp họ phát triển sự nghiệp. Một chuyên gia cao cấp về cơ khí hàng không, từng làm việc cho NASA, Airbus… cũng trở về, gia nhập Viettel và đang rất thành công tại đây. Không ít người trong số họ không muốn xuất hiện trên báo, một phần vì đặc thù công việc là những dự án đặc biệt, một phần cũng vì… ngại.
Một lãnh đạo của Viettel từng làm việc nhiều năm ở các tập đoàn lớn nước ngoài chia sẻ: "Tôi về Viettel vì ngoài điều kiện tốt về tài chính, tôi có thể thoả mãn khát vọng được tham gia vào những dự án lớn, cống hiến có ý nghĩa thực sự cho đất nước. Nếu làm việc ở nước ngoài thì không bao giờ có được điều này".
Bên cạnh công nghệ cao, việc sản xuất thiết bị, hệ thống điều hành viễn thông thì thế giới chỉ còn tồn tại không quá 5 nhà cung cấp nhưng giờ Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G đang nghiên cứu 5G và sản xuất thành công hệ thống tính cước theo thời gian thực có dung lượng lớn nhất thế giới (OCS)…
Đối với các chuyên gia công nghệ cả trong và ngoài nước, được tham gia và thậm chí còn giao quyền chủ trì thực hiện những dự án sản xuất như vậy là một giấc mơ lớn. Đây chính là sức hút cực mạnh với những nhân tài từ nước ngoài trở về.
Việc đặt ra các mục tiêu cực khó và trao quyền thực hiện không chỉ áp dụng với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất (mảng mới của Viettel) mà trong tất cả các lĩnh vực của tập đoàn này. Luôn chọn những việc khó không ai làm được và quyết tâm thực hiện bằng được là văn hoá nổi bật trong môi trường làm việc tại Viettel.
Làm việc tại hội sở chính, giữ vị trí rất cao tại Viettel Telecom (công ty lớn nhất của Tập đoàn Viettel) và đang phụ trách mảng công nghệ, một lãnh đạo của Viettel nhận lệnh điều chuyển vào TPHCM. “Dù đã quen với việc thay đổi nhưng lần đó nằm ở nhà khách 1 tuần mà tôi vẫn chưa thích nghi kịp. Nhưng rồi mọi việc cũng ổn”, ông này nhớ lại lần thay đổi công việc khó khăn của mình tại đây.
Làm việc tại Viettel đã 15 năm, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, điều vị lãnh đạo này thích nhất chính là những thử thách lớn và liên tục. Ông này tiết lộ: “Mỗi lần thay đổi như vậy mình phải học nhiều thứ thật nhanh, nhờ đó cũng tiến bộ cũng rất nhanh”.
Vị lãnh đạo lấy ví dụ về một cán bộ Viettel trước là giám đốc huyện, được cử đi thị trường châu Phi và trở thành giám đốc tỉnh. Tại tỉnh đó, giám đốc là người Việt Nam duy nhất mà chỉ biết tiếng Anh; trong khi đó, người bản địa không nói được tiếng Anh. Vậy nhưng cán bộ này vẫn xoay xở, thích nghi tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
“Anh em có người còn phải thích nghi trong các điều kiện rất khó khăn chứ mình thay đổi thế ăn thua gì”, ông kể chuyện và cười rất tươi khi nói về những thay đổi tại Viettel.
Một lãnh đạo cấp cao của Công ty VNG (startup tỷ đô hiếm hoi tại Việt Nam) – vốn cũng có văn hoá “đón nhận thách thức” tương tự Viettel, nhận xét: “Chỉ có văn hoá công ty như Viettel mới có thể điều chuyển cán bộ từ vị trí này qua vị trí khác, từ nước này sang nước khác, tỉnh này sang tỉnh khác dễ dàng như vậy. Các công ty khác, kể cả tư nhân mà làm việc này thì cực khó, rất nhiều trường hợp không làm được”.
Ông này cho rằng, đây là một khả năng rất đặc biệt, giúp công ty có thể cử ngay người tốt nhất đến nơi cần mà không quá mất công, nhất là lãnh đạo cấp cao: “Đây là một vũ khí rất quan trọng, nhất là với việc tiến ra nước ngoài”.
Tuy nhiên, tại Viettel, việc thay đổi còn bao gồm cả việc xuống chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Trong chuyến tới làm việc tại Viettel gần đây, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận xét: “Ở Viettel, tôi thấy các chỉ tiêu đánh giá rất rõ ràng, minh bạch, không làm việc được là xuống, chứ không có chuyện lên được mà không xuống được”.
Đi cùng với văn hoá thay đổi, luân chuyển cán bộ nhanh, cơ hội thăng tiến cho những người trẻ ở Viettel cũng rất khó tin. Tại Viettel Telecom – công ty lớn nhất trong Tập đoàn Viettel, nhiều Phó Tổng giám đốc thuộc thế hệ 8x: Phạm Trung Kiên (1982), Hoàng Long (1984)…
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viện trưởng Viện Hàng không vũ trụ Viettel Vũ Tuấn Anh (1980), Phó Viện trưởng Viện Hàng không vũ trụ Viettel Phạm Đức Toàn (1983), Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Nguyễn Sơn Hải (1982)…
Với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (đơn vị mới tách ra từ Viettel Telecom), 80% lãnh đạo cao nhất là 8x: ông Phùng Văn Cường – Tổng giám đốc (1981); 3 Phó Tổng giám đốc khác là ông Ngô Vĩnh Quý (1983), Lê Thành Công (1983) và Nguyễn Ngọc Linh (1980).
Mặc dù được xếp vị trí thứ 3 trong số 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018 nhưng Viettel không phải là môi trường làm việc phù hợp với tất cả mọi người. Khát vọng lớn và văn hoá luôn chọn mục tiêu cực khó để thực hiện cũng đi kèm với áp lực lớn, thời gian làm việc kéo dài.
Một cán bộ cấp trưởng phòng của Viettel tâm sự: "Theo quy định thì cứ 5h30 hoặc 6h chiều là mọi người có thể ra về nhưng có mấy người về giờ đó đâu. Một đống việc còn tồn thì phải ngồi lại để giải quyết chứ làm sao về được. Mọi việc đều có deadline và đánh giá theo KPI cả, về nhà thì lại phải làm việc ở nhà".
Tại một công ty con của Viettel, nếu không phải đi công tác, Tổng giám đốc và các lãnh đạo chủ chốt thường cùng ăn sáng tại cơ quan để trao đổi công việc đầu ngày cho tiết kiệm thời gian…
Một lãnh đạo từng làm việc nhiều năm tại Viettel nhận xét: "Dù là môi trường làm việc có nhiều điều tuyệt vời nhưng Viettel không phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu ai muốn việc an nhàn, ít áp lực, không chịu được sự thay đổi liên tục thì không nên vào Viettel".
Ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chia sẻ, không chỉ ở Viettel mà tại rất nhiều công ty khác, thời gian ở cơ quan hay dành cho công việc sẽ luôn nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. “Nếu bạn đi làm, công việc chiếm phần lớn thời gian của bạn là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, nếu bạn muốn hạnh phúc, phải yêu việc mình làm. Còn nếu coi công việc chỉ để kiếm tiền thì khó hạnh phúc được”, ông Cường nhận xét.
Vị lãnh đạo từng được điều chuyển rất nhiều lần nói thêm: "Tôi coi Viettel là ngôi nhà thứ 2 của mình và luôn cố gắng tạo cho các nhân viên của mình cũng có một cảm giác như vậy". Ông Cường nằm trong số rất nhiều lãnh đạo tại Viettel luôn cố gắng thực hiện một giá trị cốt lõi của tập đoàn này: "Viettel là ngôi nhà chung"
Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Viettel cũng nhận thấy cần bổ sung thêm những chính sách hỗ trợ khác để tạo ra nhiều niềm vui hơn trong công việc của người lao động. Điều này đặc biệt quan trọng khi Viettel đang chuyển qua giai đoạn phát triển thứ 4 – còn nhiều thách thức hơn những giai đoạn trước.
Theo đó, kể từ năm 2018, tập đoàn thực hiện một chương trình có tên "Người Viettel hạnh phúc", gồm việc xây dựng và thực hiện rất nhiều biện pháp làm cho người lao động tại đây vui vẻ hơn với công việc mình làm, cũng như chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của họ. Và cũng giống như các chương trình khác, "Người Viettel hạnh phúc" cũng xây dựng những tiêu chí để có thể đo đếm, đánh giá được mức độ hạnh phúc tốt lên hay giảm đi…
Trong những năm gần đây, khi Viettel đã trở thành một tập đoàn hùng mạnh, nhân sự mới gia nhập rất nhiều và đi kèm với đó cũng là không ít người rời đi. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel nhận xét về chuyện đi hay ở tại tổ chức này: “Ở từng giai đoạn phát triển, lúc nào cũng có người ở người đi nhưng về cơ bản Viettel luôn thay đổi để tiến về phía trước và ‘phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc’ – những từ ngữ có thể sẽ rất xa lạ ở nhiều công ty khác. Cộng với nhiều nét văn hóa cũng đặc thù, có những người rất giỏi nhưng cũng không làm việc được lâu ở Viettel”.
Một số nhân tài về quản lý từng làm việc tại các tập đoàn nước ngoài lớn cũng được mời về, không ngại áp lực, không ngại gian khổ và hiểu triết lý của Viettel nhưng chỉ ở lại một thời gian ngắn. Trường hợp của ông Lê Trung Thành, nguyên Phó Chủ tịch Pepsico Việt Nam là một ví dụ. Ông Thành chỉ làm việc ở Viettel 1 năm.
Thế nhưng, với công ty này, ngay cả những người dù không còn làm việc, vẫn dành cho Viettel những tình cảm đặc biệt. Ông Lê Trung Thành tỏ ra tự hào khi kể lại lời nói của vị thuyền trưởng Viettel (thời điểm đó) khi chia tay trong một bài phỏng vấn: "Anh Hùng (ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) còn đùa: Tên của em giờ mãi mãi nằm trong sổ của Viettel rồi. Em có thể ghi trong sơ yếu lí lịch là đã đóng góp một năm cho đất nước".
Rồi ông Thành bổ sung thêm: "Sau một năm làm cho Viettel, tôi đã quan tâm nhiều hơn tới chuyện đóng góp cho cộng đồng bằng kinh nghiệm của mình". Ông Lê Trung Thành hiện là Cố vấn Cấp cao bộ phận Dịch vụ Tư vấn Chiến lược Công ty Ernst & Young Việt Nam.
Đỗ Phương Trang – một cựu nhân viên truyền thông đã rời Viettel nhưng vẫn rất yêu thương hiệu này. Trang tâm sự: “Mỗi khi nhìn thấy những biển, băng rôn có từ Viettel, mình luôn cảm thấy liên quan ở đấy, là một phần ở đấy, mình lo lắng cho nó, mình quan sát xem có vấn đề xảy ra không. Bây giờ mỗi khi nạp một cái thẻ điện thoại mình vẫn nhớ cảm giác từng là một phần của Viettel”.