Vietstar Air còn đang phải "xếp hàng" chờ được cấp giấy phép bay, cơ hội nào cho AirAsia cất cánh tại Việt Nam?

Hà My |

Vietstar Air hiện vẫn chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do sân bay Tân Sơn Nhất đã quá chật chội. Người đến sau như AirAsia liệu có xin được giấy phép này để kinh doanh ở Việt Nam hay không?

Sau 3 lần thất bại, Hãng hàng không giá rẻ AirAsia mới đây đã lần thứ 4 tuyên bố gia nhập thị trường hàng không Việt Nam bằng cách bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên. Thế nhưng, lần thứ 4 này của AirAsia dường như cũng không mấy suôn sẻ.

Chỉ trong ít ngày vừa qua, thị trường xôn xao với thông tin Vietnam Airlines và Jetstar Pacific ủng hộ xây dựng giá sàn vé máy bay nội địa. Động thái này được cho là nhắm vào sự bành trướng của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air và xa hơn chính là AirAsia.

Không những thế, ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar.

Theo đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp Giấy phép kinh doanh cho Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, Vietstar Air sẽ chưa thể có giấy phép kinh doanh do sân bay Tân Sơn Nhất đã quá chật chội. Điều này khiến nhiều người lo ngại cho AirAsia, liệu hãng hàng không này có xin được giấy phép hay không?

Theo thông tin từ AirAsia, hãng hàng không này sẽ vào Việt Nam thông qua CTCP hàng không Hải Âu. Đây là liên doanh giữa AirAsia, Công ty Gumin và ông Trần Trọng Kiên, trong đó phía AirAsia nắm 30% còn phía Gumin và ông Trần Trọng Kiên nắm 70% còn lại.

AirAsia cho biết, chính Hải Âu sẽ là đơn vị phải tìm mọi cách để có được giấy phép vận chuyển hàng không, và các giấy tờ cần thiết để liên doanh đi vào hoạt động.

Hiện nay, hoạt động bay chủ yếu của Hải Âu là sử dụng những chiếc thủy phi cơ để bay ngắm cảnh, tham quan các điểm du lịch và bay thuê chuyến theo yêu cầu riêng của khách hàng. Các hoạt động này sử dụng loại giấy phép riêng và nếu muốn vận chuyển hành khách, Hải Âu cũng phải xin giấy phép như Vietstar.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không.

Trong ngành nghề kinh doanh của Hải Âu hiện nay, ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải (mã 5229), chứ không phải Vận tải hành khách hàng không (mã 5110) như của các hãng Vietstar Air, Vietjet Air và Vietnam Airlines.

Trong trường hợp Hải Âu cấp lại giấy chứng nhận ĐKKD, Hải Âu vẫn sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự Vietstar Air, đó là nhà ga hành khách và bãi đỗ tàu bay. Một khi Vietstar Air chưa có giấy phép, có lẽ liên doanh AirAsia và Thiên Minh Group cũng sẽ phải xếp hàng chờ đợi.

Hãng hàng không Hải Âu hiện là công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng và sẽ được tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu hoạt động. AirAsia và Gumin sẽ tham gia trong đợt tăng vốn này. Với số vốn 1.000 tỷ đồng, Hải Âu sẽ được khai thác từ 11 đến 30 tàu bay nếu bay cả nội địa và quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại