Tín hiệu tốt nhưng thận trọng
Đường bay từ Hà Nội/TPHCM thẳng đến Mỹ luôn chứa đầy những lời cảnh báo rủi ro về hiệu quả kinh tế. Trước dịch Covid 19 xảy ra, luôn có 25 hãng bay tiềm lực mạnh khai thác đường bay này qua một điểm trung chuyển thứ ba với sự cạnh tranh quyết liệt. Hai hãng hàng không của Mỹ là Delta Air Lines và United Airlines trước đó cũng đã từng bay thẳng sau phải dừng và chuyển sang hình thức hợp tác liên doanh linh hoạt với Vietnam Airlines.
Chính Vietnam Airlines cũng tính toán chi tiết và dự báo, nếu bay thẳng đến Mỹ từ năm 2018-2019 thì hãng vẫn có thể lỗ hơn 30 triệu đô la mỗi năm, ít nhất trong vòng 5 năm. Đây là một số lỗ không hề nhỏ nếu thêm vào đó là khó khăn của đại dịch Covid-19 đã cướp đi của hãng lợi nhuận hàng chục ngàn tỉ đồng tích lũy trong nhiều năm qua.
Ngay từ thời điểm tháng 11/2021, khi chuyến bay thẳng thương mại chính thức đầu tiên của Vietnam Airlines đến Mỹ và dần mở ra đường bay ổn định 4 chuyến/tuần với lịch trình rõ ràng từ tháng 1/2022 (có điều chỉnh linh hoạt lịch bay tại một số thời điểm), Việt kiều và giới kinh doanh ở hai nước đã bắt đầu nhận thấy "có cơ trong nguy", nhất là việc hồi hương, thăm thân, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới sau đại dịch.
Kết quả cho thấy, trong giai đoạn gần đây, đường bay Mỹ ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường khi số lượt khách trên chặng từ Việt Nam đi đã tăng lên đáng kể. Điều này giúp Vietnam Airlines có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao cho nhiều khách hàng hơn trên hành trình bay vốn có mức độ cạnh tranh cao từ các hãng bay một điểm dừng.
9 tháng đầu năm nay, với 303 chuyến bay thẳng hai chiều được khai thác từ Hà Nội/TPHCM đến San Francisco (Mỹ), tỷ lệ lấp đầy chuyến từ 70%-81%, thậm chí có thời điểm đến 89% (đợt cao điểm tháng 8 vừa qua), Vietnam Airlines đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng trên đường bay đầy thách thức này.
Lãnh đạo hãng đặt ra các mục tiêu rất thận trọng. Ban đầu, tạm tính doanh thu và lợi nhuận chỉ so với chi phí biến đổi (là những khoản chi phí thay đổi tương ứng phụ thuộc/hoặc bị ảnh hưởng bởi khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà một doanh nghiệp sản xuất được). Khoản chi phí này là nhiên liệu, chi phí trả cho lao động trực tiếp, chi phí giao dịch hay phần trăm hoa hồng bán sản phẩm… Nói một cách khác là nếu Vietnam Airlines quản lý tốt các chi phí biến đổi ở mức tiết kiệm nhất và tăng sản lượng vận chuyển hành khách/hàng hóa cao nhất có thể, hãng thu được khoản lãi theo cách tính này.
Nhưng giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến các chi phí cho đường bay quốc tế, nhất là các đường bay dài mà thời gian bay lên đến hơn 30 giờ/cặp, chuyến khứ hồi như bay Mỹ cũng tăng theo. Hàng loạt các giải pháp về giảm chi phí nhiên liệu, tăng tải thương mại mở bán, tối đa hóa doanh thu… lúc nào cũng là một thách thức.
Tận dụng tối đa mọi cơ hội của thị trường
Ngay từ giai đoạn 2019, thị trường hàng không Việt- Mỹ ước đạt 1,4 triệu lượt hành khách, tăng trưởng trung bình 8%/năm (2017-2019). Những nỗ lực của Chính phủ hai nước về ngoại giao và thương mại như những nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường hàng không giữa hai nước phát triển, nhất là trong điều kiện Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam. Sau đại dịch, vận tải hàng không hiện cũng được xem như "giải pháp tối ưu" về thương mại xuyên lục địa sau khi vận tải biển, logistics qua đường biển gặp nhiều khó khăn và gia tăng chi phí nhiều lần.
Giai đoạn từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1/2023 là giai đoạn cao điểm của thị trường do kỳ nghỉ lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết âm lịch nên nhu cầu đi lại tăng đột biến. Vietnam Airlines đã nắm bắt được nhu cầu lớn và lên kế hoạch khai thác hợp lý để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia.
Hiện Vietnam Airlines vẫn là hãng tiên phong thực hiện đường bay thẳng thương mại không điểm dừng (non-stop) đều đặn 4 chuyến/tuần so với các hãng cũng được phía Mỹ cấp phép nhưng chưa thực hiện được chuyến nào.
Trong nước, Vietnam Airlines đồng thời được Cục hàng không Việt Nam cấp phép khai thác tầm bay mở rộng (EDTO) trên 180 phút cho tàu bay trang bị hai động cơ nhằm tăng hiệu quả khai thác, tăng thời gian bay liên tục đã giúp hãng rút ngắn thời gian bay thẳng Mỹ - Việt Nam xuống còn khoảng 16 giờ/chuyến, làm giảm thời gian di chuyển cho hành khách. Những yếu tố này làm gia tăng sự so sánh về thời gian, chi phí và tạo hiệu ứng cạnh tranh rõ rệt hơn với các hãng cùng bay trên trục.
Như vậy, những lo lắng về việc bay thẳng đến Mỹ đã có một lời "hóa giải" ban đầu từ hiệu quả khai thác của Vietnam Airlines.