Vietjet Air và những thương vụ tỷ đô

Pha Lê |

Hôm nay, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ).

Ngày hôm nay, 23/5/2016, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air là một cái tên doanh nghiệp được nhiều báo giới cũng như công chúng chú ý đặc biệt.

Bởi lẽ, Vietjet đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Obama.

Tại sự kiện ký kết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet cho hay: "Qua hợp đồng này, Vietjet sẽ góp phần tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đóng góp vào sự phát triển hội nhập của ngành hàng không Việt Nam".

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê năm 2015, kim ngạch thương mại Việt – Mỹ đạt 41,43 tỷ USD. Tính từ năm 1994, sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, kim ngạch hai chiều đã tăng tới 187 lần.

Nếu so sánh với năm 1993 – một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam thì thương mại tăng tới 668 lần.

Vietjet Air và những thương vụ tỷ đô - Ảnh 1.

Đại diện hãng hàng không Vietjet của Việt Nam ký văn kiện hợp tác có giá trị 11.3 tỷ USD với công ty Boeing của Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Vietjet gây "sốc" dư luận với thương vụ tỷ đô.

Trước đó, Ngày 25/9/2013, tại dinh thự Thủ tướng Pháp tại Paris, hãng hàng không Vietjet Air và nhà sản xuất máy bay Airbus đã ký Thoả thuận nguyên tắc (MOU) về đặt hàng tổng cộng 100 máy bay A320 các loại dành cho Vietjet Air.

Trong đó, Vietjet Air đặt mua 92 máy bay (gồm 42 chiếc A320neo, 14 chiếc A320ceo, 6 chiếc A321ceo cùng quyền mua 30 chiếc khác trong dòng máy bay A320) và thuê 8 chiếc.

Tính cả số máy bay thuê và các quyền lợi khác, tổng số tiền trong thương vụ này hãng hàng không Vietjet là 9,1 tỷ USD.

Mới đây nhất, trong Triển lãm Hàng không quốc tế Dubai Airshow 2015, Vietjet Air đã ký bản hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321 (21 chiếc A321neo và 9 chiếc A321ceo) thế hệ mới, với tổng giá trị công bố 3,6 tỷ USD với Airbus.

30 máy bay dự kiến sẽ được giao hàng từ cuối năm 2016 đến 2020, nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác của hãng đến các nước trong khu vực châu Á.

Với việc tăng cường thêm đội bay của mình, Vietjet đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng biến Vietjet thành hãng hàng không toàn cầu.

"Giống như Emirates – từ một hãng hàng không của quốc gia Trung Đông nhỏ bé hiện họ đã trở thành hãng hàng không toàn cầu.

Chúng tôi muốn VietJet trở thành Emirates của châu Á", bà Thảo nhấn mạnh trong một bài phỏng vấn đăng trên Bloomberg hồi tháng 2/2016 vừa qua.

Bà Phương Thảo chính là người mà cách đây không lâu được Bloomberg Billionaires gọi là "The first woman self-made billionaire of Vietnam" - Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam.

Trong phiên bản Forrbes tiếng Việt, số ra lần đầu tiên năm 2013, bà được giới thiệu:

"Ngoài công việc điều hành Sovico, doanh nghiệp hoạt động đa ngành ở 10 quốc gia, bà Phương Thảo còn giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank) và phó chủ tịch HĐQT hãng hàng không Việt Nam Vietjet Air".

Trong danh sách 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016, bà Thảo lại 1 lần nữa được vinh danh.

Theo Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những doanh nhân năng động nhất trong thế hệ doanh nhân khởi nghiệp ở Đông Âu.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại