Mới đây Ngân hàng Vietcombank đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Trong năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của Vietcombank đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Cụ thể, huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021. Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt.
Dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Tổng dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng; Tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (khoảng 465%).
Năm 2023, Vietcombank ngân hàng đặt mục tiêu như sau:
Liên quan lợi nhuận, ngân hàng chưa công bố con số cụ thể lợi nhuận trước thuế song cho biết tăng trưởng khoảng 39%. Với con số này, tính toán của chúng tôi cho thấy lợi nhuận khoảng 36.700 tỷ đòng. Nếu mục tiêu năm 2023 đạt được thì Vietcombank sẽ tiếp tục nâng kỷ lục mới về lợi nhuận lên trên 40 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Vietcombank cho biết sẽ tập trung thực hiện 6 đột phá, bao gồm: (i)Triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng.
(ii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số; Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile.
(iii) Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống Vietcombank.
(iv) Đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm. (v) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. (vi) Triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thực hiện 3 Trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh bao gồm: (i) Tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; Tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; Tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng. (ii) Phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ.
Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng. (iii) Cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank.