Biện pháp đúng và hiệu quả kiểm soát tốt dịch bệnh
Đúng một tháng trước đây, ngày 6-3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) diễn ra vào tối muộn cùng ngày đã thông báo về ca bệnh mắc Covid-19 thứ 17.
Đây cũng chính là ca bệnh Covid-19 đầu tiên của nước ta sau 3 tuần không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào kể từ sau 16 ca bệnh đầu tiên xuất phát từ nhóm công nhân trở về từ thành phố tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Vào thời điểm này một tháng trước đây, dịch bệnh Covid-19 còn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa lên tầm đại dịch toàn cầu khi chỉ hoành hành tại tâm dịch Trung Quốc là chủ yếu.
Thế nhưng, chỉ trong vòng một tháng qua, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu, lan ra tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và hiện chỉ duy nhất Triều Tiên là chưa thấy có báo cáo ghi nhận ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.
Tính tới cuối giờ chiều ngày 6-4, đại dịch Covid-19 đã lây lan ra khắp thế giới với khoảng 1,3 triệu người mắc bệnh, hơn 70 nghìn người tử vong.
Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng của đại dịch, trong đó Tây Ban Nha có hơn 135 nghìn người mắc, hơn 13.000 người tử vong; Italia có hơn 129 nghìn người mắc, hơn 15.900 người tử vong; Đức hơn 100 nghìn người mắc, 1.580 người tử vong…
Tại Đông Nam Á, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh Covid-19, với tổng số ca mắc là hơn 13.000 người, số ca tử vong là hơn 420 người.
Cũng cách đây một tháng, số lượng ca nhiễm Covid-19 tại nước ta và Mỹ là tương đương nhau.
Tuy nhiên, tính tới cuối giờ chiều ngày 6-4, số ca bệnh Covid-19 ở Mỹ đã tăng dựng đứng lên hơn 340 nghìn trường hợp, trong đó hơn 9.600 người tử vong, và cứ mỗi ngày lại thêm hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh mới.
Trong khi đó tại Việt Nam, chúng ta trong 2 buổi sáng liên tiếp các ngày 5 và 6-4 không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 mới nào.
Tính đến 18h ngày 6-4, Việt Nam ghi nhận 245 trường hợp mắc Covid-19, hiện chưa có người tử vong; 94 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh (16 người giai đoạn 1; 78 người giai đoạn 2); 150 người đang được điều trị tại 21 cơ sở y tế, trong đó số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từ 1 lần trở lên là 52 người (bao gồm 23 ca âm tính từ 2 lần trở lên).
Hiện, Việt Nam có số ca mắc đứng thứ 98 trong số 210 các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận có trường hợp mắc Covid-19.
Phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 ghi nhận tại nước ta là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng.
Điều đó cho thấy các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam là đúng đắn và hiệu quả. Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách ly xã hội.
“Ngọn hải đăng” trong phòng chống đại dịch Covid-19
Cho dù cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại nước ta còn rất cam go, phức tạp và khó lường, song những gì mà chúng ta đã làm được cho tới hiện nay là nhờ hàng loạt biện pháp triển khai đồng bộ suốt thời gian qua, tùy theo cấp độ và diễn biến mới của dịch bệnh.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, còn là sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân nước ta, chấp nhận sự hy sinh các lợi ích kinh tế cũng như chấp nhận sự bất tiện trong cuộc sống thường nhật để cùng hướng tới mục tiêu cao nhất hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội, một biện pháp rất mạnh mẽ, song cũng rất đúng đắn và hiệu quả để phòng chống đại dịch Covid-19.
Cứ nhìn vào những con đường, tuyến phố, trung tâm thương mại… thường nhật trước đây vốn sầm uất và nhộn nhịp thế nào mà nay vắng vẻ trong những ngày cách ly xã hội này cũng có thể thấy cả đất nước và mỗi người dân chúng ta đã chấp nhận hy sinh thế nào nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất vào lúc này là đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng con người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 6-4 khi khẳng định “tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh” có nêu rõ để đạt được điều đó là vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng.
Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân ta với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch".
Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 6-4 cũng nhấn mạnh, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
Công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của dư luận quốc tế.
Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva (www.weforum.org) mới đây đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming nhan đề "Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống Covid-19 với nguồn lực hạn chế” đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế.
Tác giả cho rằng: Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Theo đó, Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình và giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế.
Nêu bật cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, tuần báo l’Obs của Pháp đánh giá cao các biện pháp chống dịch của nước ta, trong đó khẳng định: "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu" trong cuộc chiến này.
Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân.
Bài viết nhận định: Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một".