PwC mới đây đã đưa ra báo cáo về "Việt Nam dưới góc nhìn PwC", tổng kết khảo sát với các CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế tham gia APEC về nhận định thị trường và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, 36% các CEO đã tự tin hơn so với năm ngoái về khả năng tăng biên lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong nước, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2017 và 2018, cao hơn mức 6% của năm 2016.
Dưới góc nhìn dài hạn, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,1% hàng năm. Dự đoán này dựa trên tiềm năng của Việt Nam với nền tảng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nguồn lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh, mang đến các giải pháp đa dạng và khả thi hơn so với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang có những định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng.
Cũng chính vì vậy, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, vượt qua các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan vào năm 2030 và Australia vào năm 2040.
Các báo cáo của PwC cũng cho biết, Việt Nam có tiềm năng cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị, vượt qua Thái Lan và Philippines trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao trong vòng 5 năm từ 2015. Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử, số lượng công ty phần mềm và công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 14.000 công ty chuyên về công nghệ thông tin.
Hơn một nửa CEO tại Việt Nam (55%) đang tiến hành tự động hóa một số chức năng trong doanh nghiệp, trong khi 43% đang tìm kiếm những nhân viên có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới. Động thái này cho thấy các doanh nghiệp đang đặt nền móng cho lực lượng lao động trong tương lai với khả năng phân tích nhạy bén hơn, thông minh hơn, và ít tập trung hơn vào các công việc giản đơn.
Các CEO Việt Nam tin rằng có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp nhân lực trong khu vực APEC thích ứng với thời đại tự động hoá và tái cân bằng công việc. Kết quả khảo sát cho thấy các CEO Việt Nam và APEC cho rằng tăng cường đầu tư vào đào tạo liên tục là biện pháp hiệu quả nhất, nhanh nhất để rèn luyện lực lượng lao động công nghệ cao. Tiếp theo đó là tăng đầu tư của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục.
Việt Nam hiện đang có cấu trúc dân số vàng với 45% dân số dưới 30 tuổi. Chi tiêu cho giáo dục chiếm trung bình 5-6% GDP, cao hơn so với mức trung bình ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình và thấp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển kỹ năng là một trong các lĩnh vực "chiến lược mũi nhọn."
Vì vậy, PwC tin rằng việc duy trì cải cách kinh tế, cùng với việc tăng cường năng lực của các thể chế và đặc biệt là giáo dục và phát triển kỹ năng sẽ rất cần thiết để Việt Nam có thể hiện thực hóa tiềm năng kinh tế.