Sự cần thiết phải đổi mới công tác đào tạo phi công quân sự
Trong đề dẫn của Hội thảo, Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh quân chủng khẳng định: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Quân đội, lực lượng Không quân đã được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại.
Tuy nhiên, một điều bất cập hiện nay là các đơn vị trong Quân chủng cũng như toàn quân được trang bị nhiều loại máy bay hiện đại trên thế giới thì trong biên chế, trang bị của Trường Sĩ quan Không quân - cái nôi đào tạo đội ngũ phi công quân sự phục vụ cho toàn quân, lại chỉ có hai loại Iak-52 và L-39 chưa tiệm cận được với máy bay thế hệ mới hiện có.
Vì vậy khi học viên phi công tốt nghiệp ra trường lại phải về đơn vị tiếp tục đào tạo, huấn luyện chuyển loại. Quy trình này gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực cho các đơn vị chiến đấu.
Máy bay huấn luyện L-39 của Trường Sĩ quan không quân
Sau khi Tư lệnh quân chủng nêu bất cập trên, có lẽ nhiều người nghĩ rằng trong tương lai gần, Trường Sĩ quan không quân sẽ được đầu tư mua sắm thêm máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới có thể mô phỏng gần đúng tính năng kỹ chiến thuật của các loại tiêm kích hiện đại đang có trong biên chế.
Thực tế thời gian qua cũng đã xuất hiện thông tin Việt Nam tỏ ý quan tâm đến dòng Yak-130 của Nga hay L-39NG do Cộng hòa Czech sản xuất. Theo diễn biến mới, liệu cánh cửa gia nhập biên chế Không quân Việt Nam có rộng mở hơn đối với hai chiếc máy bay huấn luyện cận âm tiên tiến này?
Nhưng thật bất ngờ, cuộc hội thảo lại cho biết sẽ đề nghị trên cho thành lập Trung tâm đào tạo phi công quân sự trên máy bay phản lực chiến đấu siêu âm tại Trường Sĩ quan không quân.
Hướng đi này nếu được triển khai sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, phi công quân sự khi tốt nghiệp có thể ngay lập tức tới các đơn vị chiến đấu để nhận nhiệm vụ, bỏ qua hay chí ít cũng rút ngắn được công đoạn tiếp tục đào tạo, huấn luyện chuyển loại.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Trung tâm đào tạo phi công quân sự Việt Nam sẽ được trang bị loại máy bay phản lực chiến đấu siêu âm nào?
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga
Tiêm kích siêu âm nào phù hợp để trang bị cho Trung tâm đào tạo phi công quân sự
Hiện tại Không quân Việt Nam đang vận hành 3 loại chiến đấu cơ là Su-22M, Su-27SK/UBK cùng Su-30MK2, trong đó Su-22/27 đã trải qua nhiều năm phục vụ, hạn sử dụng không còn nhiều.
Từ khi đề án thành lập Trung tâm được phê duyệt cho tới lúc đi vào hoạt động chắc sẽ phải trải qua một khoảng thời gian nhất định, cho nên có thể dự đoán rằng khóa học viên phi công quân sự mới sẽ được huấn luyện để lái Su-30MK2, hay thậm chí những loại tiên tiến hơn như Su-30SM, Su-35S.
Nhìn sang nước bạn, Không quân Nga đang sử dụng Su-27UB, Su-30M2 để đào tạo phi công lái tiêm kích đời cao hơn, nhưng đáng tiếc là dây chuyền sản xuất hai loại này đã đóng cửa nên chúng ta không thể mua mới.
Trong khi đó, nếu Việt Nam điều động Su-27UBK hay Su-30MK2 sang thì lại gây thiếu hụt lực lượng chiến đấu vốn đã chẳng dồi dào. Do vậy, nên chăng chúng ta hãy mạnh dạn đầu tư mua hẳn Su-30SM để trang bị cho Trung tâm đào tạo phi công quân sự?
Ngoài việc giúp học viên được thực hành trên một chiếc tiêm kích hàng đầu thế giới, đây có thể còn là bước đi đón đầu khi Ấn Độ sắp triển khai chương trình đào tạo phi công Su-30 cho Việt Nam trên chính những chiếc Su-30MKI của họ, dẫn đến nhận định chúng ta đang nghiêng về phương án lựa chọn Su-30SM.
Viễn cảnh trên quá hoàn hảo, phi công học lái Su-30SM tại Trung tâm rồi sau đó về ngay các trung đoàn được trang bị loại chiến đấu cơ này để phục vụ.
Nhưng dù cho có được trang bị loại tiêm kích siêu âm nào đi nữa, việc thành lập Trung tâm là bước đi rất đáng mong đợi. Hy vọng rằng từ đây sẽ cho "ra lò" nhiều phi công siêu hạng để bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc cũng như chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.