Các phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đã lần lượt "đổ bộ" vào Việt Nam để tìm địa bàn chiến lược.
Dòng vốn FDI đã được nhìn nhận như là một trong những "trụ cột" tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Loạt "đại bàng" FDI tới Việt Nam tìm địa bàn chiến lược
Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp lớn. Mới đây, 205 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol sang Việt Nam trong chuyến công du 3 ngày.
Theo tờ Pulse News (Hàn Quốc), ông Yoon Suk-yeol đã đi cùng với phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, điều đó cho thấy Hàn Quốc rất coi trọng việc củng cố các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã có mặt trong chuyến đi này, bao gồm Chủ tịch điều hành Công ty Điện tử Samsung Jay Y. Lee, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Euisun Chung, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, và Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan.
Pulse News cho hay, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là đối tác ASEAN quan trọng của Hàn Quốc. Cả hai quốc gia đều đang đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại lên tới 150 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, được tổ chức vào chiều 23/6, một thông tin quan trọng đã được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, đó là các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.
“ Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, nhưng cũng có dự án cả tỷ USD. Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này” - ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu trong bữa tối với phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tại một khách sạn ở Hà Nội vào ngày 22/6/2023. Ảnh: Yonhap
Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót 666,52 triệu USD vào Việt Nam. Đây là số vốn đăng ký của 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn là đối tác đầu tư nước ngoài dẫn đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam, vượt qua cả Singapore với 9.666 dự án, có tổng vốn đăng ký 81,5 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tới Việt Nam từ trước đến nay. với những cái tên rất đáng chú ý như tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Boeing, SpaceX, Apple, Amazon, Meta, Netflix…
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius cho biết, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn. Những doanh nghiệp tham gia chuyến đi đã đề xuất ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, du lịch, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, ngân hàng...
Đoàn doanh nghiệp Mỹ trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính hôm 21/3. Ảnh: Bộ Tài chính
Vì sao Việt Nam trở thành 'thỏi nam châm' hút FDI?
Theo báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất thế giới vào năm 2020, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 16 tỷ USD ở thời điểm đó.
Trong khi đó, đánh giá về năm 2022, GS. Edmund Malesky của Đại học Duke (Mỹ), cho rằng Việt Nam đã kết thúc năm này với tư cách là "nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á", phần lớn nhờ khả năng thu hút FDI chuyển từ Trung Quốc sang.
Bước sang năm 2023, bất chấp các biến động của thế giới, tổng FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt gần 8,9 tỷ USD. Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Lý giải về sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng, Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao dù phải ứng phó với dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn. Ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tạo đà cho các doanh nghiệp lớn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, với hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do quốc tế đã được ký kết, bao gồm cả với Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, Chính phủ Việt Nam là một đối tác quan trọng trong cộng đồng thế giới. Khi chuyển sang Việt Nam, các công ty không chỉ được hưởng lợi từ việc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn sang các thị trường khác.
Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng là những yếu tố góp phần vào sự thu hút đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, lao động của Việt Nam tương đối rẻ và người lao động Việt Nam có kỷ luật và năng lực tốt.
Dự báo tăng trưởng vượt xa mức trung bình của thế giới
Cho đến nay, dòng vốn FDI đã được nhìn nhận như là một trong những "trụ cột" tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 27% vào năm 1995 nhưng đã tăng gấp gần 3 lần, lên tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (đạt 245,22 tỷ USD, bao gồm cả dầu thô) trong năm 2021.
Trong giai đoạn 2016-2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam, với nguồn vốn FDI, đã tăng trưởng bình quân 23,8%, đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử.
OECD dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Báo Chính phủ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2021 của Google Temasek đã tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài.
Mới đây, phát biểu khai mạc Hội nghị Đầu tư ASEAN do Maybank tổ chức tại Singapore, ông Khairussaleh Ramli, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Maybank khẳng định, kinh tế Việt Nam nằm trong nhóm được dự đoán tăng trưởng nhanh trong ASEAN , đồng thời vượt xa mức tăng GDP toàn cầu dự kiến chỉ ở mức 2%.
Trong khi đó, vào tháng 4 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2023 và ở mức tương tự trong năm 2024 nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Giới chuyên gia nhận định, để tạo ra sự khác biệt và tiếp tục giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần tạo được môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu của các tập đoàn, nhất là các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, thủ tục hành chính để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực trong việc mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.