Việt Nam đổi tiêm kích Su-27 lấy Su-30 mới tinh!

Bình Nguyên |

Giữa những năm 1990, KQVN bắt đầu được trang bị Su-27. Nhẽ ra số lượng có thể lên tới hàng chục chiếc, nhưng vì nhiều lý do nên chỉ có hơn 10 chiếc. Sau đó là thời của Su-30.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1991, các loại vũ khí tiến công đường không hiện đại của Mỹ và phương Tây đã khiến cho Không quân Iraq "không ngóc đầu lên được", cho dù họ được trang bị một số lớn tiêm kích hiện đại như MiG-23, MiG-29, Mirage-F1...

Đồng thời, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, để có khả năng ứng phó trước các tình huống xung đột, lực lượng Không quân tiêm kích Việt Nam đã được ưu tiên trang bị máy bay tiêm kích Su-27 hiện đại.

Nhẽ ra số lượng có thể lên tới hàng chục chiếc, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 khiến kinh tế Việt Nam cũng lao đao, nên cuối cùng chỉ có hơn 10 chiếc Su-27 được đặt mua.

Điều bất ngờ là nhờ có một sự cố hàng không nghiêm trọng của phía Nga mà Việt Nam đã đổi 2 chiếc Su-27UB lấy 2 chiếc Su-30 mới tinh.


Máy bay Su-27 số hiệu 8527 là 1 trong 2 chiếc tiêm kích được mua bổ sung từ khoản bồi thường bảo hiểm. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Máy bay Su-27 số hiệu 8527 là 1 trong 2 chiếc tiêm kích được mua bổ sung từ khoản bồi thường bảo hiểm. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Vì sao đội hình Su-27 thiếu 2 chiếc số hiệu 8524 và 8525?

Đó chính là các máy bay tiêm kích huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27UB được Việt Nam đặt mua trong loạt 6 chiếc Su-27SK/UBK ký năm 1996, dự kiến giao hàng trong giai đoạn 1997-1998.

Các máy bay lần lượt được nhà sản xuất chế tạo, lắp ráp tổng thành, bay thử nghiệm thu để bàn giao cho phía Việt Nam.

Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ theo đúng tiến độ đã thống nhất giữa 2 bên thì đã xảy ra một sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 06/12/1997, chiếc máy bay vận tải quân sự An-124-100 Ruslan số hiệu RA-82005 của Hãng hàng không AeroFlot (Nga) trên đường chở 2 chiếc Su-27UB giao hàng tại Việt Nam đã gặp tai nạn tại Irkutsk, gần hồ Baikal, Nga.

Vụ tai nạn khủng khiếp không chỉ phá hủy toàn bộ chiếc máy bay vận tải khổng lồ cùng 2 chiếc Su-27UB số hiệu 8524 và 8525 mà còn khiến hơn 70 người thiệt mạng, hầu hết là những người ở dưới đất trong các chung cư nằm ngay trên đường cất cánh của nó.


Những gì còn lại của chiếc máy bay vận tải khổng lồ An-124 sau vụ tai nạn khủng khiếp.

Những gì còn lại của chiếc máy bay vận tải khổng lồ An-124 sau vụ tai nạn khủng khiếp.

Nguyên nhân tai nạn được xác định là hoàn toàn do lỗi của con người, bao gồm cả tổ bay lẫn thợ bảo đảm mặt đất.

Chiếc An-124 này vừa hoàn thành chặng bay giao 2 chiếc Su-27 khác cho Việt Nam vào ngày 01/12/1997, quay về Nga để tiếp tục chuyến bay tiếp theo vào ngày 06/12/1997.

Nó đã thực hiện chặng bay từ Irkutsk tới Vladivostok, nghỉ ngắn rồi bay thẳng xuống sân bay Cam Ranh (Việt Nam).

Có nguồn tin cho rằng, tại đây (Cam Ranh), chiếc An-124 được chính các đồng nghiệp Nga đang đóng quân tại căn cứ liên hợp ở hải ngoại nạp nhiên liệu "nhiệt đới".

Khi quay về Nga, cả tổ bay và kíp nạp nhiên liệu vì một lý do nào đó đều "quên" không tháo toàn bộ nhiên liệu còn lại ra khỏi máy bay mà lại bơm đầy nhiên liệu cho chuyến bay tiếp theo.

Chính số nhiên liệu "nhiệt đới" còn sót lại vốn không phù hợp với thời tiết lạnh giá ở Sibiri đã khiến các động cơ gặp vấn đề động khi máy bay tăng lực cất cánh.

Chỉ 3 giây sau khi rời khỏi đường băng số 14, động cơ số 3 của máy bay gặp sự cố đột ngột, nó vẫn leo lên với góc tấn lớn, tiếp theo là tới lượt các động cơ số 1 và 2.

Không thể bay tiếp chiếc máy bay vận tải khổng lồ với trên 200 tấn nhiên liệu lao trúng vào một khu chung cư, cách đầu mút đường băng khoảng hơn 1,5km, nằm trên đường bay của nó.

Đã có 23 người trên máy bay và 45 người dưới mặt đất vĩnh viễn ra đi trong vụ tai nạn khủng khiếp này.

Bảo hiểm chặt chẽ, Việt Nam đổi Su-27 lấy Su-30

Nhờ các điều khoản bảo hiểm chặt chẽ giữa 2 bên tuân thủ theo luật pháp quốc tế mà Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO), đại diện cho phía Việt Nam, đã đòi được khoản bồi thường trị giá 57 triệu USD.

Chính nhờ số tiền bảo hiểm này mà Việt Nam mua bổ sung 2 máy bay chỉ huy biên đội tiêm kích phòng không 2 chỗ ngồi Su-27PU, chính là phiên bản sau này được Sukhoi phát triển lên thành tiêm kích Su-30 danh tiếng.


Tiêm kích chỉ huy biên đội Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Nguyenphuong/Jetphotos.net.

Tiêm kích chỉ huy biên đội Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Nguyenphuong/Jetphotos.net.

Xét theo nghĩa nào đó thì chính 2 chiếc Su-27PU này hoàn toàn có thể được coi như những chiếc tiêm kích Su-30 đời đầu.

Tuy nhiên, cái được lớn nhất trong hợp đồng này chính là khoản bảo hiểm mà Việt Nam được bồi thường sau sự cố tai nạn hàng không khủng khiếp. Thế mới thấy, cả ta và bạn cho dù mới hội nhập dần dần với thế giới nhưng đều tuân thủ luật chơi chung.

Với các hợp đồng mua bán vũ khí, nhất là vũ khí trang bị hiện đại, đắt tiền thì bảo hiểm là một trong những yếu tố bắt buộc, bởi lẽ, dù không ai muốn, nhưng tai nạn, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhìn rộng ra thế giới, không ít lần các quốc gia lớn như Pháp, Nga phóng tên lửa mang theo rất nhiều vệ tinh đắt tiền lên quỹ đạo nhưng không thành công, mọi thứ bị phá hủy.

Nếu không có khoản bồi thường bảo hiểm, chắc chắn sẽ nhiều công ty, thậm chí quốc gia lao đao vì có thể mất trắng số tiền đều tư vào những vệ tinh đó.

Tất nhiên, nguy cơ rủi ro càng cao thì phí bảo hiểm cũng càng cao, nhưng không thể vì thế mà nhắm mắt bỏ qua được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại