Việt Nam đã đủ sức đóng tàu chiến hiện đại

Nguyễn Hoàn |

“Chúng ta hoàn toàn có thể đóng được những tàu chiến to và hiện đại. Vấn đề là chúng ta phải có thiết kế tốt”.

Hoàn toàn có khả năng

Mới đây, chia sẻ với báo chí, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà – Phó Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, 4 tàu tên lửa Molniya mà Tổng công ty Ba Son bàn giao cho Quân chủng Hải quân sau một thời gian đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả và 2 tàu đợt này nghiệm thu đều đạt kết quả tốt.

Qua hợp đồng và dự án chuyển giao công nghệ này, có thể khẳng định, công ty Ba Son đã làm chủ công nghệ đóng tàu tên lửa tấn công nhanh và đây là nền tảng để đơn vị này có thể tiếp tục đóng các lớp tàu chiến đấu to và hiện đại hơn nữa, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Trước thông tin trên, chiều 21/10, trao đổi với Đất Việt, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam khẳng định, với tiềm năng hiện có, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đóng được những tàu chiến đấu to và hiện đại.

Theo kỹ sư Bình, các tàu bảo vệ chủ quyền, tàu chiến, tàu khu trục kích thước không to như các tàu hàng không mẫu hạm. Hơn nữa không chỉ nhà máy Ba Son mà 1 số nhà máy đóng tàu khác như: Sông Thu, nhà máy 189 Hải Phòng, nhà máy Hồng Hà đều có đủ năng lực để đóng tàu chiến phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

“Theo tôi không có gì khó khăn cả. Chúng ta hoàn toàn có thể đóng được những tàu chiến to và hiện đại. Vấn đề là chúng ta phải có thiết kế tốt. Từ trước đến này, chúng ta thường mua của nước ngoài rồi về thiết kế công nghệ để đóng tại nhà máy”, kỹ sư Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, kỹ sư Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tin tưởng rằng, với những thành quả mà Ba Son đạt được trong thời gian qua như đóng tàu chở tên lửa, tàu chuyển quân, vận tải quân sự, 2 tàu Molnyia cũng như sở hữu kỹ thuật cao thì việc đóng thêm các tàu chiến đấu hiện đại không quá khó khăn.

“Một số cơ sở đóng tàu trong nước như sông Cấm, nhà máy đóng tàu Hạ Long, Damen - Sông Cấm, Công ty đóng tàu Sông Thu đã đóng những con tàu cảnh sát biển, con tàu kiểm ngư, con tàu tuần tra và xuất đi các nước, thậm chí cả châu Âu, tới Bắc Đại Tây Dương.

Thế giới đã công nhận việc này nên tôi cho rằng việc đóng tàu chiến hiện đại không quá khó khăn.

Thực tế tàu chiến dù giá trị rất lớn, trị giá hàng trăm triệu USD nhưng kích thước cơ động, linh hoạt, nhỏ gọn”, ông Hùng dẫn chứng.

Theo ông Hùng, nhiều nước việc đóng tàu quân sự vẫn giao cho các nhà máy dân sự đóng nhưng phần trang bị vũ khí, khí tài thì được dắt về cơ sở quốc phòng thực hiện việc đó. Còn nếu trong nhà máy đóng tàu dân sự thì có một phân xưởng riêng và do quân đội đảm nhiệm việc đó.

“Đã đi trên biển thì tàu quân sự hay dân sự đều chung một quy phạm, chịu được sức sóng, sức gió. Duy chỉ vật liệu đóng tàu chiến thì thép dày hơn thôi”, ông Hùng khẳng định.

Yếu tố con người quan trọng nhất

Với kinh nghiệm nhiều năm về đóng tàu và hàng hải, kỹ sư Đỗ Thái Bình cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay đối với Việt Nam trong việc triển khai kế hoạch đóng tàu chiến đó là con người.

Vị chuyên gia phân tích: “Hiện nay máy móc, thiết bị cần thiết chúng ta đều có thể mua được. Nhưng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất ở đây là con người. Hiện nay thiết kế của chúng ta còn yếu. Chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ dựa vào những thiết kế của nước ngoài rồi đi sao chép lại và tổ chức thiết kế tại nhà máy thôi.

Chúng ta chưa nhìn thấy những kỹ sư trưởng, tổng công trình sư. Đội ngũ này còn rất thiếu và chưa được vinh danh ở Việt Nam”.

Theo kỹ sư Đỗ Thái Bình, để làm chủ công nghệ đóng tàu chiến, chúng ta cần phải chú trọng đào tạo kỹ sư lành nghề từ lớp trẻ. Đội ngũ này phải trải qua quá trình học tập , rèn luyện, thậm chí là thực hành ở nước ngoài để có khả năng làm chủ công nghệ cũng như tham gia vào quá trình thiết kế ngay từ khâu ban đầu.

“Thiết kế hiện nay có nhiều giai đoạn như: thiết kế cơ bản, thiết kế lý thuyết, thiết kế đăng kiểm và cuối cùng thiết kế thi công. Chúng ta đang ở giai đoạn thiết kế thi công sau cùng. Giai đoạn đó cũng quan trọng nhưng chiếm khoảng 30% của giai đoạn thiết kế.

Thực tế, thiết kế ban đầu có ý nghĩa rất lớn. Từ đó chúng ta mới nhìn tổng quan được về đội tàu, mới có thể thiết kế con tàu theo ý muốn. Tôi cho rằng chúng ta phải phấn đấu làm được cả giai đoạn đầu. Muốn thế thì các nhà thiết kế phải được rèn luyện, được học hành tử tế, sau đó được thử thách qua các công việc khác nhau để có được sự chủ động”, ông Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, kỹ sư Hoàng Hùng khẳng định, công nghiệp đóng tàu là công nghiệp tổng hợp, trong đó có nhiều ngành phụ trợ. Mỗi ngành phụ trợ đều có bề dày kinh nghiệm và đặc biệt không nước nào làm từ đầu đến cuối cả.

“Máy tàu, máy phát, vũ khí hàng hải, cần cẩu… tất cả đều có các hãng làm. Rất ít nước tự làm từ đầu đến cuối mà phần lớn nhập về và nhà máy đóng tàu giáp tất cả các thứ đó lại.

Nếu các nhà máy đóng tàu của Việt Nam được giao và trang bị thêm nữa thì chắc chắn những con tàu có nhiệm vụ, tính năng phức tạp hơn chúng ta hoàn toàn có thể làm được”, ông Hùng khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại