Những ngày qua, sau câu chuyện bản quyền VCK World Cup 2018 thì bản quyền Asiad 2018 lại trở nên rất nóng. Phía đối tác Hàn Quốc được cho là đã đưa ra mức giá gần bằng nửa mức giá bản quyền World Cup cho VTV, nằm trong khoảng 5 - 7 triệu USD. Chính vì thế, VTV đã tuyên bố sẽ không mua bản quyền Asiad với giá cao và chờ đối phương giảm giá.
Nhiều người dự đoán rằng, chính độ "hot" của U23 Việt Nam đã khiến bản quyền Asian bị đẩy lên cao. Và có những nỗi lo rằng bản quyền AFF Cup, Asian Cup cuối năm 2018 và đầu năm 2019 rồi cũng sẽ bị tăng vọt. Nhận định về việc này, BLV Quang Tùng chia sẻ:
"Sự quan tâm của NHM Việt Nam dành cho U23 thể hiện sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm. Khi sự quan tâm tăng lên, việc bên phân phối tăng giá, ép giá là thực tế, là điều hoàn toàn bình thường.
Để tránh việc bị ép giá như thế này, có rất nhiều phương án. Việt Nam có thể tính phương án bỏ bản quyền một thời gian để cân đối giá. Hoặc để giải quyết tình hình trước mắt, chúng ta phải huy động các nguồn vốn, thậm chí xác định mua về để phục vụ và quảng bá hình ảnh VTV, tức chỉ cần hòa vốn hoặc chịu lỗ ít.
Việt Nam có thể không ký được bản quyền Asiad 2018.
Tuy nhiên, về lâu dài, quan trọng nhất là các bên muốn mua bản quyền ở Việt Nam cần có kế hoạch dài hạn. Ví dụ các giải Premier League, La Liga, Serie A cũng ta đã có thể tính toán được sự phát triển, sức hút... từ đó ký hợp đồng 3 năm.
Các giải đấu như World Cup, Asiad, Olympic có tính chu kì, khó tính toán hơn nhưng không phải là không thể. Chúng ta có thể nhìn vào từng môn thể thao, theo dõi sự phát triển của nó để tính toán.
Ví dụ bóng đá Việt Nam trước đây có lứa HAGL, rồi sau đó là lứa U20 Việt Nam dự VCK World Cup U20 thì sau đó sẽ có nhiều giải chơi tốt. Nếu chúng ta có thể chốt được bản quyền Asiad từ sau VCK U20 World Cup thì câu chuyện đã khác đi rất nhiều, rẻ hơn rất nhiều.
BTC các giải đấu lớn cũng muốn tự phân phối bản quyền, khi không bán được thì họ sẽ thông qua kênh này, kênh kia. Nếu chúng ta có thể mua được sát với BTC nhất thì sẽ có mức giá tốt nhất.
Vấn đề ở đây là các bên muốn mua bản quyền ở Việt Nam cần phải có sự tính toán, lên kế hoạch dài hạn và hợp lý. Tuy nhiên, phương án này hiện cũng có cũng khó khăn, vì nhiều bên thứ 3 cũng đang nhảy vào để "đầu cơ", hòng sau này ép giá.
Nên toàn diện nhất vẫn là các bên muốn mua bản quyền của Việt Nam cần phải mạnh hơn, làm giàu tiềm lực của chính mình, cũng như tạo ra sẵn một đầu ra để dù có phải mua với giá cao thì cũng có thể kinh doanh sinh lời".
Truyền hình Việt Nam sẽ cần lên kế hoạch dài hơi hơn cho bản quyền các giải đấu trong tương lai.
Theo BLV Quang Tùng, VCK World Cup 2018 là một sự kiện rất thành công của VTV, tuy nhiên Asiad thì lại khó khăn hơn nhiều nếu phải mua với giá cao.
"Nhận xét chính xác về lời lãi là rất khó và cần số liệu. Nhưng bản chất Asiad gần như chỉ thu hút ở môn bóng đá nam, là những trận đấu có giá trị quảng cáo cao. Tuy nhiên, số trận của U23 Việt Nam tại giải là không lớn, được 6 trận tức vào đến Bán kết là rất thành công nhưng vẫn quá ít.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu mức giá ở ngưỡng 2 – 3 triệu USD mà VTV không có nhà tài trợ lớn nào, chỉ trông chờ vào quảng cáo thì sẽ là rất khó khăn.
Tại World Cup, với việc được tài trợ lớn, giải đấu lại vô cùng hấp dẫn về chuyên môn thì đấy là một sự kiện thành công của VTV. Tuy nhiên, để nói về lời lãi chính xác thì chưa thể kết luận nếu thiếu dữ liệu".
Cuối cùng, trước quyết định không mua nếu giá cao của VTV, BLV Quang Tùng cho rằng anh ủng hộ ở góc độ là một NHM thể thao. Còn ở góc độ cùng là người làm nghề, anh cho biết mình sẽ không bình luận về quyết định của các đồng nghiệp.