Phong GS, PGS ở VN, chuyện "tạp chí ăn cướp" và kinh nghiệm từ Mỹ

Tiến sĩ Terry F. Buss/Tất Đạt - Hồng Anh dịch/Thúy Đào hiệu đính |

Một điều chắc chắn là việc phong cấp và bổ nhiệm GS, PGS không dựa trên công trình nghiên cứu hay thành tựu của họ sẽ là "đá tảng buộc chân" các trường đại học Việt Nam.

Năm 2017 có 85 ứng viên được công nhận GS, 1.141 ứng viên được công nhận PGS (tăng 1,7 lần so với năm 2016). Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều vị GS và PGS hầu như không hề tham gia giảng dạy, nghiên cứu hay thực hiện các nghĩa vụ liên quan.

Nếu thực trạng này còn lặp lại nhiều lần, thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nặng nề trên con đường kiến tạo hệ thống giáo dục đại học đạt đẳng cấp thế giới. Tại sao lại như vậy?

Nếu những giảng viên được phong cấp GS, PGS, được hưởng những quyền lợi như vào biên chế chính thức, mức lương cao và các khoản phúc lợi khác mà không đóng góp cho ngành, thì việc đó sẽ gây ra những ảnh hưởng sau đây:

• Đóng góp rất ít vào công việc giảng dạy, nghiên cứu và thực hiện các nghĩa vụ liên quan.

• Chiếm giữ các vị trí khiến các giảng viên trẻ tiềm năng không có cơ hội thăng tiến.

• Làm thất thoát các nguồn lực khan hiếm và cần thiết.

• Ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của các trường đại học Việt Nam.

Liệu Việt Nam có thể áp dụng mô hình của các trường đại học điển hình ở Mỹ để nền giáo dục nước nhà đạt đến đẳng cấp thế giới hay không? Câu trả lời là có, nhưng Việt Nam cần thận trọng.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 2.

Nhìn chung, về mặt lý thuyết, mô hình các trường đại học Mỹ được coi như hình mẫu của một trong số các phương pháp tiếp cận tốt nhất trên thế giới hiện nay, và Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đại học Mỹ đều áp dụng những thực hành tốt nhất trong việc phong cấp và xét biên chế cho GS và PGS. 

Trái lại, những trường đại học có chất lượng cao nhất ở Mỹ lại phải thường xuyên đối mặt với áp lực hạ thấp tiêu chuẩn của họ.

Trước hết, các trường đại học Việt Nam có thể tham khảo cách thức hoạt động của các trường đại học Mỹ; sau đó áp dụng những thực hành tốt nhất của Mỹ, đồng thời sửa đổi và cải thiện những thiếu sót của họ. Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần tìm ra hướng đi riêng để phát triển và hoàn thiện. 

Một điều chắc chắn là việc phong cấp và bổ nhiệm GS, PGS không dựa trên công trình nghiên cứu hay thành tựu của họ sẽ là "đá tảng buộc chân" các trường đại học Việt Nam.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 3.

Quy trình phong cấp và xét biên chế cho GS, PGS tại Mỹ được thực hiện như sau:

Cần hiểu rõ rằng ở các nước Âu, Mỹ, Giáo sư không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một vị trí giảng dạy.

Một giảng viên đại học Mỹ thông thường sẽ làm "Giáo sư chưa được biên chế" (Assistant Professor) trong vòng 5 năm để tích lũy kinh nghiệm. Hồ sơ tổng hợp kinh nghiệm trong 5 năm này sẽ được sử dụng làm cơ sở để hội đồng phong cấp và xét biên chế danh hiệu PGS hay GS, và xét mức lương cao hơn.

Những việc giảng viên Mỹ phải thực hiện bao gồm: hoạt động nghiên cứu – được đánh giá dựa trên các tiêu chí bao gồm: các ấn phẩm chuyên ngành đã được xuất bản, các khoản tài trợ và hợp đồng nghiên cứu đã ký kết được; chất lượng giảng dạy theo đánh giá của sinh viên, đóng góp vào việc xây dựng nội dung giảng dạy và kỷ luật, và đưa ra các sáng kiến đổi mới; cùng với đó là việc đóng góp vào hoạt động của khoa, trường, cộng đồng, quốc gia hoặc lĩnh vực chuyên môn. 

Những trường đại học có tiêu chuẩn khắt khe đều có hệ thống tính điểm cho các hoạt động nghiên cứu. Tổng điểm được sử dụng làm cơ sở để tăng lương, phong cấp và xét biên chế dài hạn.

Hồ sơ công việc tích lũy sau 5 năm của giảng viên sau đó sẽ được Hội đồng Khoa học tiến hành thẩm định. Những thành viên trong hội đồng bắt buộc phải có vị trí học thuật cao hơn giảng viên đang chờ xét duyệt. Việc xét duyệt phong cấp và xét biên chế được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. 

Sau bước này, lãnh đạo khoa, hoặc hội đồng nhà trường, hay ban giám đốc sẽ xem xét lại những đánh giá của hội đồng thẩm định, và họ sẽ quyết định phê duyệt hoặc bác bỏ đề xuất của hội đồng. Nhiều trường đại học Mỹ yêu cầu hồ sơ của ứng viên phải được khoảng 3 chuyên gia từ các trường đại học khác thẩm định độc lập. 

Sau đó, những đánh giá và đề xuất của họ sẽ được chuyển đến Hiệu trưởng, và Hiệu trưởng sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên đến Giám đốc Học thuật (Chief Academic Officer), hoặc người chịu trách nhiệm cấp cao nhất về học thuật của trường. 

Không giống như ở Việt Nam, chưa bao giờ chính quyền, dù ở cấp địa phương hay quốc gia, kể cả đối với các trường đại học công lập, có bất kì vai trò gì trong quy trình đánh giá để xét duyệt phong cấp và xét biên chế cho giảng viên.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 4.

Ở Mỹ, các giảng viên bắt buộc phải nộp đơn xét biên chế sau 5 năm làm việc. Nếu bị đánh giá không đạt, họ sẽ bị đào thải. 

Ở một số trường đại học hàng đầu tại Mỹ, người ta có thể nhận cùng lúc 3 người vào vị trí Giáo sư chưa được biên chế và chỉ có một người trong số đó sẽ được xét duyệt vào biên chế chính thức sau 5 năm. Sự cạnh tranh giữa các ứng viên có thể rất dữ dội.

Hầu hết các trường đại học hàng đầu đều đặc biệt chú ý đến kết quả kiểm định chất lượng và thứ hạng của trường. Kiểm định chất lượng là một quy trình mà các phòng ban, các khoa, trường trực thuộc, cao đẳng và đại học đều phải thực hiện để xác nhận rằng họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động khác. 

Tuỳ từng trường hợp, việc kiểm định chất lượng được các nhóm độc lập thực hiện để xác nhận một chương trình học, trường học hoặc bằng cấp đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình Kiểm định chất lượng cấp cao hơn được tiến hành cho toàn bộ các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ. 

Các tổ chức độc lập cũng tiến hành đánh giá các trường đại học, các khoa, trường trực thuộc và bằng cấp; sau đó lập bảng xếp hạng các trường này theo cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 5.

Các trường đại học thường được phân loại theo mục đích nghiên cứu, giảng dạy, hoặc cả nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi mục đích trên sẽ quyết định những yêu cầu chính cần có để phong cấp và xét biên chế cho giảng viên.

Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ bao gồm MIT, Stanford, Harvard, Berkeley và Carnegie Mellon. 

Các trường đại học nghiên cứu thường tuyển giảng viên là những người có khả năng gây quỹ hoặc tìm kiếm hợp đồng tài trợ để hỗ trợ nghiên cứu, nhằm phục vụ việc xuất bản các nghiên cứu này, hoặc ứng dụng và biến nghiên cứu đó thành sản phẩm, quy trình, bằng sáng chế có giá trị thương mại, hoặc có ích đối với các cơ quan chính phủ, hay có khả năng cải thiện xã hội (ví dụ như các tiến bộ trong y học, không khí sạch, cải thiện chất lượng trường học). 

Đối với một số trường, ngành khoa học cơ bản cũng được tài trợ để đóng góp kiến thức cần thiết cho hoạt động ứng dụng thực tiễn sau này.

Tại các trường đại học nghiên cứu, các giảng viên trích ra một phần tiền trong khoản tiền tài trợ hoặc trong gía trị hợp đồng của họ để đóng góp cho nhà trường coi như đó là khoản tiền trả cho số giờ lẽ ra họ phải dạy. Do đó, các nhà nghiên cứu càng giỏi thì càng ít tham gia giảng dạy.

Trong các trường đại học tập trung vào mục đích giảng dạy, thì việc giảng dạy chất lượng là mối quan tâm chính của họ. 

Khối lượng công việc dạy học của các giảng viên nặng hơn nhiều so với các trường đại học nghiên cứu. 

Một giảng viên có thể phải dạy đến 6 lớp mỗi năm học, trong khi đó một giáo sư nghiên cứu chỉ cần nhận 1 lớp, hoặc không dạy cũng được. Các giảng viên làm rất ít hoặc không làm nghiên cứu, và số lượng ấn phẩm khoa học chỉ cần đạt mức tối thiểu.

Tại các trường đại học "hỗn hợp" cả giảng dạy và nghiên cứu, thì giảng viên phải tự cân đối hai nhiệm vụ này. Cán cân có thể nghiêng hơn về phía giảng dạy hoặc nghiên cứu, tùy vào mỗi trường.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 6.

Tại các trường đại học nghiên cứu, việc xác định chất lượng giảng viên để phong cấp và xét biên chế rất đơn giản: chỉ cần đếm số lượng và thẩm định chất lượng các ấn phẩm khoa học, sách, bằng sáng chế, sản phẩm, cùng với số tiền mà giảng viên đó đã gây quỹ được, và số giải thưởng người đó đã nhận được. 

Người ta thường nói rằng trong các trường nghiên cứu, tiền bạc và số lượng ấn phẩm khoa học chính là số điểm: càng nhiều càng tốt.

Trong các trường đại học chỉ đơn thuần giảng dạy, các giảng viên được đánh giá chủ yếu dựa vào đánh giá khóa học của sinh viên, những đổi mới, sang tạo trong phương pháp giảng dạy, đóng góp vào các hoạt động tinh thần cho sinh viên, và các giải thưởng dành cho giáo viên. 

Điều quan trọng nhất là các giảng viên sẽ được đánh giá dựa trên kết quả của những sinh viên họ đã đào tạo.

Tại các trường đại học kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, giảng viên phải đóng góp ở cả hai lĩnh vực, nhưng ở mức độ thấp hơn so với các cơ sở chuyên nghiên cứu hoặc chuyên giảng dạy.

Ở Mỹ, các giảng viên theo ngạch nghiên cứu có thể khiến các giảng viên khác ghen tị, bởi họ được hưởng mức lương và các chế độ phúc lợi khác cao hơn, và có uy tín hơn các giảng viên chuyên giảng dạy và những giảng viên làm việc kém hiệu quả hơn họ. 

Vấn đề lớn ở Mỹ hiện nay là đảm bảo một quy trình phong cấp và xét biên chế dựa trên thành tích và khách quan, chứ không phải là một hệ thống để tăng lương, phong cấp và xét biên chế cho những người không xứng đáng. Thực tế là hiện nay một số trường đại học Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự như các trường đại học tại Việt Nam.

Một số trường đại học Mỹ, ví dụ như Đại học Carnegie Mellon, có một bộ tiêu chí để phong cấp và xét biên chế dành riêng cho các nhà nghiên cứu, và một bộ tiêu chí khác dành cho các giảng viên chuyên giảng dạy. 

Các nhà nghiên cứu phải có ấn phẩm khoa học được xuất bản và thu hút được các khoản tài trợ về cho nhà trường, còn giảng viên thì phải dạy tốt. 

Các nhà nghiên cứu có thể được phong cấp và xét biên chế chính thức, còn giảng viên thì có thể được phong cấp nhưng chỉ ký hợp đồng có thời hạn chứ không thuộc biên chế chính thức. Vì vậy họ không phải cạnh tranh với nhau.

Tuy vậy, nhưng hầu hết các trường đại học Mỹ đều lựa chọn giải pháp tuyển các giảng viên làm việc bán thời gian (giảng viên thỉnh giảng), hoặc các học viên đang theo học chương trình thạc sỹ hoặc nghiên cứu sinh. 

Những người này chấp nhận giảng dạy với mức lương thấp, không phụ cấp, và không có cơ hội vào biên chế. Cách làm này cho phép các nhà nghiên cứu có thời gian thực hiện những hoạt động của mình.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 7.

Hầu hết những người ngoài ngành cảm thấy ngỡ ngàng trước mức độ phức tạp trong việc đánh giá ấn phẩm khoa học để làm cơ sở cho việc phong cấp và xét biên chế. Nhiều trường đại học và trường nghiên cứu uy tín ở Mỹ đang cố gắng nâng cao chất lượng và số lượng nghiên cứu đã đưa ra tiêu chuẩn chất lượng cao hơn đối với các giảng viên. 

Nếu giảng viên đăng tải các bài nghiên cứu kém chất lượng hoặc có nhiều bài không đạt chuẩn, họ sẽ không được phong cấp và xét biên chế.

Về cơ bản, các trường đại học đều coi việc đóng góp tri thức là cơ sở cho quy trình phong cấp và xét biên chế.

Các trường đại học nghiên cứu thông thường và các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu đánh giá ấn phẩm khoa học của giảng viên dựa trên một số cơ sở dữ liệu, trong đó có: Thomas Reuters "Journal Citation Report" (tạm dịch: Báo cáo Trích dẫn Tạp chí khoa học); Clarivate Analytics "Science Citation Index" (tạm dịch: Danh mục Trích dẫn Khoa học); Công cụ đánh giá tạp chí Scopus "Citescore"; "Google Scholar Metrics" để đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 8.

Các cơ sở dữ liệu này xếp hạng chất lượng của nghiên cứu học thuật. các cơ sở dữ liệu tính toán "các yếu tố ảnh hưởng" – là số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học thông qua thống kê tần suất ấn phẩm được trích dẫn trong các nghiên cứu khác. 

Những tạp chí đăng tải nghiên cứu không được trích dẫn bởi các tạp chí khác được xem là có chất lượng thấp.

Những tạp chí được đánh giá cao nhất thường chỉ đăng tải những nghiên cứu đã được bình duyệt (peer review); tức là, bài viết đó đã được 3 hoặc 4 chuyên gia ẩn danh khác thẩm định và kiểm duyệt để quyết định bài viết đủ tiêu chuẩn xuất bản. 

Các tạp chí không có công đoạn bình duyệt thường không được đánh giá cao. 

Những tạp chí chất lượng cao chỉ đăng số lượng rất ít các bài báo khoa học, khoảng 40 tới 50 bài mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc tỉ lệ bài bị từ chối đăng lên tới 90%. 

Trong khi đó, những tạp chí chất lượng thấp có tỉ lệ chấp nhận lên tới 50% hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa hàng nghìn giảng viên tại đại học của Mỹ sẽ không bao giờ thấy bài viết của mình được đăng trên tạp chí chất lượng cao, và hệ quả là họ không được phong cấp hoặc xét biên chế.

Nhiều nhà nghiên cứu cố gắng "qua mặt" bằng việc trả tiền cho các tạp chí để để bài của họ được đăng tải. Những tạp chí như vậy được gọi là "tạp chí ăn cướp", bởi họ nhận tiền của người viết nhưng không tiến hành bình duyệt, không hiệu đính và không kiểm soát chất lượng. 

Các tạp chí có thứ hạng cao không bao giờ xuất bản vì tiền. 

Trang Beall và trang Thư mục Tạp chí Truy cập Mở (DOAJ) theo dõi và công bố công khai danh sách các tạp chí ăn cướp. Những bài viết đăng trên loại tạp chí này không được chính thức công nhận.

Ngoài các bài báo khoa học, các cuốn sách đã viết cũng được đánh giá để làm cơ sở cho việc phong cấp và xét biên chế. 

Các chuyên gia đánh giá dựa trên số lần cuốn sách được trích dẫn, uy tín của nhà xuất bản, và các bài đánh giá, phê bình sách. 

Các tập hợp bài viết được biên soạn sẽ được đánh giá thấp hơn so với sách, và các chương sách sẽ được đánh giá thấp hơn các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí danh tiếng. 

Việc viết sách giáo khoa không được đánh giá cao bởi về nguyên tắc, sách giáo khoa không giúp mang lại tri thức mới, sách giáo khoa được viết để kiếm tiền.

Thông thường, các ấn phẩm nhiều tác giả (đồng tác giả) không được đánh giá cao bằng các ấn phẩm do một người viết. Tác giả đầu tiên trong số đồng tác giả nhận được nhiều đánh giá tốt hơn những người còn lại.

Đăng tải ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế (ngoài lãnh thổ Mỹ), bằng một ngôn ngữ khác tiếng Anh, hoặc đăng trên các trang mạng, website cũng không được đánh giá cao. Các nghiên cứu tự đăng trên trang cá nhân, blog riêng hay viết báo đều không có giá trị công nhận. 

Tóm lại: chỉ cần 2 tới 3 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín là đủ để giúp nhà nghiên cứu được phong cấp và xét biên chế, trong khi đó 100 bài xuất bản trên ấn phẩm kém chất lượng cũng không có gía trị công nhận nào.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 9.

Để thực hiện được những nghiên cứu chất lượng cao tại các trường đại học nghiên cứu/giảng dạy, giảng viên phải gây quỹ từ các nguồn tài trợ và hợp đồng. 

Những khoản tiền này hỗ trợ tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa – những sản phẩm này sẽ được xem xét để phong cấp và xét duyệt biên chế; và một mặt khác không kém phần quan trọng là nếu không có vốn tài trợ, các giảng viên sẽ gặp phải trở ngại lớn trong việc thực hiện các nghiên cứu đủ tiêu chuẩn đăng tải trên các tạp chí danh tiếng. 

Ví dụ, những nhà nghiên cứu có uy tín sẽ có đủ kinh phí cho những nghiên cứu cần phỏng vấn hàng ngàn người; trong khi những nhà nghiên cứu không có ngân sách sẽ chỉ có thể thực hiện khảo sát nhóm sinh viên của mình.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 10.

Các giảng viên nghiên cứu được đánh giá thông qua không chỉ các đóng góp nghiên cứu mà còn qua việc mang về cho trường các khoản tiền dưới tên gọi "chi phí chung". 

Các trường đại học thường lấy một khoản gọi là "chi phí chung" tương đương 100% hoặc 200% số tiền tài trợ nghiên cứu. Vậy nên, nếu nhà nghiên cứu được hỗ trợ 1 triệu USD, trường đại học sẽ thu 1 triệu USD hoặc 2 triệu USD nữa từ các tổ chức tài trợ. 

Do đó, những nhà nghiên cứu có khả năng tìm kiếm tài trợ luôn là "con cưng" của các trường đại học!

Tại một số trường đại học, những giảng viên nghiên cứu cốt cán có thể làm mọi thứ họ muốn, nếu không họ sẽ "dọa" mang các khoản tài trợ này sang các cơ sở khác. Có thể lấy Viện Kĩ nghệ Phần mềm (SEI) tại Đại học Carnegie Mello (CMU) làm ví dụ. 

Từ năm 2011 đến 2015, SEI kiếm được 600 triệu USD từ các khoản hỗ trợ và hợp đồng với chính phủ và các tập đoàn trong khi khoản hỗ trợ nhận được từ CMU chỉ là con số không. Do đó, CMU không gây ảnh hưởng được gì đến ban lãnh đạo của SEI trong bất kỳ hoạt động gì của họ.

Những giảng viên mang về các nguồn tài trợ/đồng lớn đôi khi có thể tự đưa ra mức lương cho mình, tự xác lập các quyền lợi và thậm chí cả số giờ làm việc của mình.

Việc phong cấp và xét biên chế là phần thưởng cho việc mang lại các khoản tài trợ và các hợp đồng. Tuy nhiên, lại có thể nảy sinh nhiều vấn đề trong việc làm thế nào để đánh giá yếu tố "tiền bạc". 

Các khoản trợ cấp hay hợp đồng với quân đội không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, hay tương tự với các khoản tiền từ các tập toàn, các nhóm vận động, các công ty gây ô nhiễm môi trường, và tất cả các tổ chức mà trường đại học không coi trọng.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 11.

Nhiều nguồn ngân sách lớn của chính phủ được xem là đặc biệt uy tín trong việc đánh giá hiệu suất làm việc của giảng viên, đặc biệt là Quỹ Khoa học Quốc gia, Viện Y tế Quốc gia, và Cơ quan Phụ trách các Dự án nghiên cứu của Bộ Quốc phòng. 

Để nhận được tài trợ từ các tổ chức này, các giáo sư nghiên cứu phải được đánh giá để chứng minh phẩm chất/năng lực chuyên môn và các đề xuất xin vốn cuả họ phải được bình duyệt bởi các chuyên gia ẩn danh. 

Sau đó các đề xuất nghiên cứu được xếp hạng và chỉ những đề xuất tốt nhất mới nhận được tài trợ. Quy trình này đảm bảo công trình nghiên cứu tốt nhất sẽ được cấp vốn tài trợ.

Các công ty và quỹ cũng tài trợ cho dự án nghiên cứu. Trong trường hợp đơn vị tài tài trợ là các công ty, nguồn tài trợ được quyết định dựa trên cơ sở nhà nghiên cứu có khả năng tạo ra hoặc mang lại giá trị cho các nghiên cứu có giá trị thương mại. 

Các quỹ hỗ trợ tài chính cho các dự án để vì mục tiêu xã hội hoặc tạo ảnh hưởng công luận. Cả hai phạm trù nghiên cứu này đều không được được đánh giá cao tại nhiều trường đại học nghiên cứu/giảng dạy.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 12.

Hầu hết các chương trình, trường học, trường đại học đều trông đợi vào sự nhiệt tâm của giảng viên trong các hoạt động phụng sự. 

Các hoạt động này bao gồm việc tham gia các hội đồng, tuyển sinh, chung tay với cộng đồng, và tham gia làm thành viên các ủy ban quốc gia. Không hoạt động nào trong số này có thể sánh bằng các đóng góp nghiên cứu và giảng dạy, và tất nhiên sẽ không được xét tới trong việc phong cấp và xét biên chế. 

Lấy ví dụ như: Hiệu trưởng trường đại học của tôi tổ chức một cuộc họp với tất cả các giảng viên về một số vấn đề cấp thiết (mà tôi không nhớ là vấn đề gì). 

Khoảng vài trăm giảng viên có mặt. Câu đầu tiên hiệu trưởng nói với chúng tôi là: tại sao mọi người lại ở đây, không phải mọi người nên ngồi viết nghiên cứu sao? Khi phải lựa chọn giữa hai việc là nghiên cứu chuyên sâu và đi họp, những nhà nghiên cứu sẽ chọn phương án đầu tiên.

Tuy nhiên, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm này. Việc tham dự Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Tổng thống nên được đánh giá quan trọng không kém việc nghiên cứu.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 13.

Những trường đại học uy tín nhất ở Mỹ được lợi rất nhiều từ những giảng viên có nghiên cứu đoạt giải trong nước và quốc tế. 

Hình ảnh những người đoạt giải Nobel, giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) và Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA) thường được đăng tải trên website của trường đại học như một minh chứng về chất lượng của trường. 

Các trường đại học Mỹ thường tuyển những cá nhân đoạt giải để thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực mục tiêu mà trường có mong muốn xây dựng các trung tâm đầu ngành. 

Hiện đã có 375 người giành giải Nobel; 2.290 thành viên của NAS, bao gồm 490 cộng sự nước ngoài và 200 người giành giải Nobel; cùng 700 người đoạt giải của NAPA. Các trường đại học sẽ "ganh đua" nhau để có được những siêu sao này.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 14.

Tổng hợp thành tích hoạt động của các giảng viên sẽ tạo nên danh tiếng cho chương trình và các trường đại học. Danh tiếng này được xây dựng qua quá trình kiểm định chất lượng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. 

Khi thành tích của giảng viên thấp, trường sẽ không được công nhận Kiểm định chất lượng và thứ hạng của trường do đó sẽ thấp. Thành tích hoạt động, kiểm định chất lượng và thứ hạng là những yếu tố tương quan.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 15.

Cùng với việc đánh giá năng lực cá nhân giảng viên, các trường đại học cũng quan tâm tới việc liệu các chương trình của giảng viên có đạt chất lượng cao không nếu xét trên toàn diện. 

Một cách phổ biến để thực hiện việc này là thuê một tổ chức độc lập đánh giá hoạt động của chương trình dựa trên các tiêu chí chất lượng quốc tế trong đánh giá nghiên cứu và giảng dạy. 

Trong lĩnh vực hành chính công, có thể nhắc tới Mạng lưới các trường Chính sách công và Quản lý (NASPAA) và trong quản trị kinh doanh là Hiệp hội các trường Đại học Kinh doanh (AACSB).

Những tổ chức này đánh giá hoạt động, đóng góp và chất lượng của các trường và đưa ra báo cáo công khai về việc các trường có đạt đủ tiêu chuẩn hay không. Đến nay, mới chỉ có 197 trường tại Mỹ được NASPAA chứng nhận Kiểm định chất lượng.

Không phải trường nào cũng thực hiện Kiểm định chất lượng. Đại học Harvard là một trong số đó, nhưng không một ai cho rằng các chương trình của trường này kém chất lượng.

Phong GS, PGS ở VN, chuyện tạp chí ăn cướp và kinh nghiệm từ Mỹ - Ảnh 16.

Bên cạnh Kiểm định chất lượng, thì các chương trình, khoa, trường đại học còn được xếp hạng quốc tế theo tiêu chí chất lượng. 

Những đánh giá về nghiên cứu và giảng dạy đều được xét đến để tính xếp hạng. 

Các tổ chức xếp hạng bao gồm: Bảng xếp hạng Các trường đại học trên thế giới của Times (Times Higher Education Rankings); Bảng xếp hạng QS; Bảng xếp hạng các Trường đại học tốt nhất của Mỹ do tạp chí US News and World Report; Bảng xếp hạng Đại học Thế giới (Thượng Hải). 

Các trường đại học có thứ hạng cao sẽ công bố thứ hạng của họ trên website trường, và nhiều trường khác sẽ nỗ lực cải thiện thứ hạng bằng việc tăng cường nghiên cứu.

Phần 2 của bài viết – "Làm thế nào để cải thiện chất lượng của trường đại học ở Việt Nam" – sẽ sớm được đăng tải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại