Tại Việt Nam, sau 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT vẫn tỏ ra “lúng túng” trong việc coi Uber, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm hay đơn vị kinh doanh vận tải. Trước phán quyết của CJEU, liệu cơ quan quản lý của Việt Nam có sớm tìm ra định hướng?
Ngay sau khi có thông tin về phán quyết của Toà án Công lý Hội đồng châu Âu, ngày 25-12, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản gửi lên Bộ GTVT kiến nghị về việc thí điểm đối với loại hình này.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, với hàng loạt tồn tại sau hai năm thí điểm như, số lượng các phương tiện gia tăng nhanh chóng gây ảnh hưởng đến quy hoạch vận tải; việc nhận diện đối với các phương tiện thí điểm quy định chưa rõ ràng, gây ra nhiều khó khăn cho công tác hướng dẫn và tiều tiết giao thông tại các địa phương; hay hầu hết các đơn vị vận tải là các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thời gian vừa qua đã thực hiện chưa tốt các quy định về quản lý phương tiện, quản lý con người, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, nghĩa vụ bảo hiểm với người lao động.
“Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT ra chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm dừng ngay việc cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia chương trình thí điểm theo Quyết định 23/QĐ-BGTVT”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT ban hành quy định về việc nhận diện đối với các phương tiện tham gia thí điểm. Cụ thể, các phương tiện thí điểm phải được sơn, dán, biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải với kích thước tối thiểu 20cmx30cm trên hai cánh cửa xe.
Trên nóc xe phải gắn hộp đèn ghi rõ tên của doanh nghiệp vận tải. Kích thước hộp đèn tối thiếu là dài 55cm x cao 21cm, trong thời gian từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau hộp đèn phải được bật sáng khi trên xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.
Cùng đó, các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký với Sở GTVT nơi cấp phù hiệu để thực hiện việc cấp, dán tem cho phương tiện tham thí điểm.
Để nâng cao công tác quản lý về chất lượng dịch vụ, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước cũng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Bộ GTVT ban hành quy định chỉ các đơn vị vận tải là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới được tham gia thực hiện thí điểm.
Trước đề xuất của Hiệp hội, cũng như phán quyết của Toà án Công lý Hội đồng châu Âu, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nêu quan điểm: Phán quyết của tòa án nêu rõ: Một dịch vụ cung cấp bởi Uber kết nối giữa các cá nhân với những lái xe không chuyên phải được bao hàm trong các dịch vụ trong lĩnh vực vận tải.
Uber cung cấp dịch vụ cho các lái xe không chuyên nên phải tuân thủ dịch vụ kinh doanh vận tải. Nếu không tuân thủ sẽ không được cung cấp dịch vụ đó lên các lái xe không chuyên. Điều này hoàn toàn tương đồng với các quy định với Uber hiện nay ở Việt Nam.
Ngay tại Đề án thí điểm theo Quyết định 24, Bộ GTVT quy định rõ các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ được cung cấp dịch vụ đó cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải, lái xe có bằng cấp phù hợp, xe phải đăng ký, đăng kiểm, gắn phù hiệu.
Ông Ngọc cũng cho rằng, Uber không nên là một đơn vị kinh doanh vận tải, hay nói cách khác không nên bắt buộc họ là một đơn vị kinh doanh vận tải. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ Việt Nam, vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người và hàng hóa.
Như vậy, muốn vận tải đường bộ phải có xe và lái xe theo tiêu chuẩn. Uber chỉ có phần mềm. Phần mềm này không thể dịch chuyển một người từ điểm A đến điểm B. Nếu coi Uber là đơn vị kinh doanh vận tải thì không đúng với bản chất của họ.
Còn ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh: Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Phán quyết của Tòa án châu Âu sẽ là cơ sở tham khảo rất tốt để không chỉ giải quyết vấn đề Uber hay Grab với taxi truyền thống, mà giải quyết cả đối với cả vận tải đường dài như xe hợp đồng Limousine đang nở rộ hiện nay.
Chúng ta có thể có một công cụ quản lý như Uber, Grab khi có đầy đủ khái niệm về bản chất kỹ thuật của ứng dụng này, đồng thời có thể đưa vào Luật GTĐB và các luật khác để tạo hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ thông tin, tài chính, thuế.
“Tại Việt Nam cũng có thể cần có phiên tòa tương tự vì nó thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong quá trình thực hành pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Khi không tự hòa giải được, mọi tranh chấp trong xã hội được giải quyết ở tòa án là chuyện hết sức văn minh, chúng ta cũng nên đồng thuận với cách tiếp cận này để giải quyết mâu thuẫn”, ông Hùng nói.
Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ dự định kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị tham gia đề án thí điểm kéo dài hoạt động cho đến sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo lại việc thí điểm một lần nữa. Trong báo cáo phải nêu rõ chính kiến, đề xuất giải pháp về số lượng xe thí điểm ở địa bàn, dừng lại hay tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử để Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng.