Sáng nay, 25/8, Bệnh viện Chơ Rẫy TP.HCM đã thực hiện buổi lễ Vinh danh người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công.
Ngoài việc vinh danh người hiến tạng đã có tấm lòng đối với cộng đồng, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy cũng đã cho biết hiện ở các nước đang phát triển, người dân đã có ý thức rất cao về sức khỏe cộng đồng. Ở những quốc gia đó, người đi hiến tạng, hiến xác chiếm hơn 90%.
Ở Việt Nam, tính đến nay số người bị suy tạng trên cả nước có nhu cầu ghép đã lên tới hơn 16 nghìn trường hợp, nhưng số người hiến tặng còn rất hạn chế.
Ca ghép thận thứ 500 ở BV Chợ Rẫy, bệnh nhân (áo trắng) hiện tại đang có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, ảnh PA.
Hiến tạng, thận để ngăn chặn tình trạng buôn bán tạng
Vì thiếu tạng nên hiện nay Việt Nam thường xuyên diễn ra những cuộc buôn bán tạng bất hợp pháp với chi phí rất cao. Bên cạnh đó việc lấy nội tạng "chui" sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bán. Việc buôn bán tạng cũng làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của người hiến tạng.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn kêu gọi cộng đồng đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời, bởi đây là việc làm có ý nghĩa nhân đạo và nhân văn sâu sắc, hiến tạng cứu người là quà tặng của sự sống.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: "Hiện tại người bị suy tạng, suy thận mạn ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Thế nhưng nguồn tạng đăng ký hiến tặng của nước ta đang còn rất hạn chế.
Tôi mong rằng, sẽ có nhiều người đến hiến tạng hơn nữa để bệnh nhân có thể tiếp tục sống một cuộc sống hạnh phúc chứ không phải là một kết thúc trong đau đớn".
Ngoài việc vui mừng, GS.BS Trần Ngọc Sinh còn mong muốn sẽ có nhiều người hiến tạng hơn nữa để những bệnh nhân cần thiết sẽ được cứu kịp thời, ảnh PA.
Ghép tạng nói chung hay ghép thận nói riêng được xem là phương pháp tối ưu nhất, mang lại hiệu quả cao về chuyên môn cũng như chất lượng sống của bệnh nhân bị suy tạng, suy thận.
Đối với người bị suy thận nặng, để duy trì sự sống, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo từ 2 đến 3 lần một tuần. Điều đó khiến họ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, bản thân sống chỉ để chờ cái chết.
"Thế nhưng nếu như được ghép tạng, thận bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường, có thể làm việc, lập gia đình, sinh con. Đến nay, đã có 50 trẻ được chào đời từ những bệnh nhân được ghép thận tại Chợ Rẫy", GS.BS Trần Ngọc Sinh – Phó Chủ tịch Hội ghép tạng VN cho biết.
Tại buổi lễ Vinh danh người hiến tạng, BV Chợ Rẫy cũng đã dành riêng một khu vực trang trọng để mời những người đã ký giấy hiến tạng và gia đình những người đã mất hiến xác, hiến tạng đến tham dự. Mỗi khách mời có một câu chuyện của riêng mình, đó là những câu chuyện hay, cảm động.
Bà Phụng (áo trắng, hàng ghế đầu) cùng chồng đồng ý hiến tặng, bà cùng những người ký giấy hiến tạng, hiến xác được mời đến tham dự, ảnh PA.
Như bà Nguyễn Minh Phụng (SN 1952), bà và chồng nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng nên cả hai vợ chồng đều quyết định hiến xác, hiến tạng cho người cần giúp đỡ. Hiện chồng bà đã bệnh mất nhưng vẫn kịp "gửi lại" hai giác mạc cho bệnh nhân khác.
Bà nói: "Tôi hạnh phúc vì chồng mình mất đi nhưng là một cái chết ý nghĩa. Tôi cũng đã thực hiện tâm nguyện cùng chồng cứu người khi mình chết. Tôi không ép các con của tôi phải làm điều đó, chúng đang nhận thức và hiểu rõ sự quan trọng của cơ thể.
Chúng có quyền quyết định của riêng mình, tất nhiên nếu chúng đi hiến tạng, tôi cũng sẽ rất ủng hộ vì có nhiều người đang cần sự giúp đỡ. Với tôi chết không phải là hết, chết là một sự bắt đầu".
Tưởng rằng đã hết nhưng hạnh phúc lại bắt đầu từ việc được ghép tạng
Với một người được hiến thận, họ có thể sống với quả thận đó đến hơn 10 năm, sự sống kéo dài có nghĩa là hạnh phúc được nhân lên gấp hàng vạn lần.
10 năm trước, một bệnh nhân nam bị suy thận ở miền Trung cứ ngỡ rằng cuộc đời mình sẽ đóng kín cửa với những mơ ước chưa dở dang. Thế nhưng được em trai mình tặng thận, thoát khỏi cảnh tử, bệnh nhân này không chỉ trở thành một ông bố hạnh phúc với hai đứa con bụ bẫm, mà anh cũng đã là một bác sĩ có tâm huyết với nghề.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1991, ngụ Dầu Tiếng, Bình Dương) là điển hình cho sự sống bắt đầu từ dấu chấm hết. Chị Hà được phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối từ đầu năm 2016 khiến cả gia đình gần như suy sụp.
Ông Tuấn đã tặng một quả thận cho con gái. Ông cho biết hiến thận xong sức khỏe cũng không suy giảm nhiều so với trước đây, ảnh PA.
Theo cha của chị Hà, ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1964) thì vì gia đình chỉ có hai người con, chị Hà lại là đứa con ngoan hiền, học giỏi nên ông rất thương yêu. Vừa nghe tin con gái mình bị suy thận, nhiều tháng trời ông khóc ròng, ăn ngủ không yên. Chị Hà cũng hoảng loạn tin thần, chỉ nghĩ đến cái chết.
Qua tìm hiểu, ông Tuấn định sẽ đưa chị Hà qua Singapore điều trị, thế nhưng khi được biết chi phí qua nước ngoài đến gần 2 tỷ đồng, ông đành câm lặng nhìn con đau đớn.
"Không thể để đứa con gái yêu thương của mình chết dần, tôi đi tìm hiểu khắp nơi từ bạn bè đến thông tin về ghép thận. Được bạn giới thiệu đến BV Chợ Rẫy tôi đã đến đây hỏi ý kiến bác sĩ. Sau khi làm các xét nghiệm, tôi có thể tặng một quả thận cho con gái mình.
Ban đầu tôi rất e dè, vì phẫu thuật cả cha lẫn con, thế nhưng tôi vẫn quyết định đánh đổi để giành mạng sống, sức khỏe cho con gái mình. Cuộc phẫu thuật đã được 2 năm, hiện con tôi có sức khỏe rất tốt mà chi phí chưa đến 100 triệu đồng. Tôi xin chân thành cảm ơn đến các bác sĩ tại đây", ông Tuấn vui mừng.
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết thêm trong tương lai, viện sẽ tiếp tục triển khai ghép thận bất tương hợp nhóm máu, ghép thận - tụy, ghép tim - phổi, ruột.
Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy cũng tích cực đào tạo y bác sĩ, phát triển cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất để đáp ứng nhu cầu ghép tạng, ghép thận cho người bệnh.