Ban Tổ chức cho biết, tình hình phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thiếu, chất lượng chưa cao và đây vẫn là một điểm nghẽn hạn chế sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, từ xuất phát điểm khá thấp, sau nhiều năm được chú ý, hệ thống kế cấu hạ tầng Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của WEF, Việt Nam đã lên vị trí thứ 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với 5 năm trước.
Theo đó, Việt Nam có đến 10/12 trụ cột được cải thiện về chỉ số so với trung bình và trung bình thấp. Đặc biệt về cơ sở hạ tầng, Việt Nam vẫn xếp hạng 79/137 nước được so sánh. Điều này cho thấy, rõ ràng dù được cải thiện song kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn yếu.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới và đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, rất khó khăn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Xu hướng hiện nay cho thấy, chi phí đầu tư, hiệu quả dự án đang thiếu sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dài hạn vào các dự án động lực, có quy mô chuỗi toàn cầu và tầm vóc cạnh tranh quốc tế và khu vực. Đây là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Vấn đề đầu tư đồng bộ và chất lượng yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng cũng được Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế quan tâm. Quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu lựa chọn phát triển cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng và cũng là một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Theo tính toán, quy hoạch về nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam thực hiện đến năm 2030 là khoảng 3 triệu tỷ đồng, chưa tính đến hạ tầng đường sắt cao tốc. Trong khi, nguồn lực cân đối từ ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là khoảng 150.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, vấn đề huy động nguồn lực ngoài Nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang là giải pháp được Chính phủ quan tâm trong giai đoạn tới.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Việt Nam đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của những nước thành công và chưa thành công trong thu hút nguồn lực phát triển hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời trao đổi, học hỏi tại những cuộc hội thảo quốc tế.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác với WEF về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” với 7 lĩnh vực hợp tác, trong đó có một nội dung quan trọng là “Tương lai của đầu tư dài hạn, kết cấu hạ tầng và phát triển”.
Tại Hội thảo các bên liên quan cũng đã đề cập đến các vấn đề hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF trong đó tập trung thảo luận vào các nội dung định hướng hợp tác trong Chương trình nghị sự năm 2017 và năm 2018, việc thành lập Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng (IWG), Nhóm thư ký và cơ chế hoạt động của Nhóm công tác, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực và thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững thông qua tài chính kết hợp, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP…