Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mới đây, Mỹ đã gửi Công hàm đến LHQ phản đối các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc được nêu trong Công hàm số CML/14/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua nhiều quốc gia là thành viên của LHQ đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông.
Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên LHQ. Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần:
"Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Cộng đồng quốc tế cũng như LHQ coi trọng việc các quốc gia thành viên LHQ có quan điểm đề cao thúc đẩy và tuân thủ luật pháo quốc tế trong đó có UNCLOS, bà Hằng nói thêm.
Trước đó, ngày 3/6, trong Công hàm gửi đến LHQ, Mỹ bày tỏ quan điểm bác bỏ khái niệm "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng điều này vượt quá quyền được nêu trong Công ước Luật Biển và đã được Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết là không phù hợp với Công ước Luật Biển.
Công hàm nêu rõ, bằng cách tuyên bố chủ quyền với vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, Trung Quốc nhằm hạn chế quyền và tự do, trong đó có tự do hàng hải mà các nước được hưởng.
Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các yêu sách hàng hải của mình đối với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước; tuân thủ quyết định của Toà trọng tài năm 2016; và chấm dứt các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.
Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 30/3/2020, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này như đã được nêu trong nhiều văn bản của Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan.
Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
Ngày 10/4/2020, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.