Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 19/11, bình luận về khả năng Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan điểm của Việt Nam là, CPTPP là một hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới và mở, các nước đều có thể tham gia nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của hiệp định này, không chỉ là Trung Quốc mà tất cả các nước muốn tham gia.
Trước đó, trong cuộc họp báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, về khả năng tham gia CPTPP, Trung Quốc cho biết, Trung Quốc giữ thái độ cởi mở, chỉ cần các hiệp định giữ nguyên tắc của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu.
Tháng 11/2017, các nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Mỹ).
Hiệp định CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ các cam kết của Mỹ hoặc với Mỹ; 22 điểm tạm hoãn và một số sửa đổi trong các Thư song phương giữa các Bên của CPTPP.
Vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN mà Việt Nam là nước chủ nhà, 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc, tạo thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.