Kiều hối cao được cho là một trong những nguyên nhân khiến tiền ảo trở nên phổ biến tại Việt Nam, cũng như Philippines, Nigeria...
Theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista năm 2020, Nigeria là quốc gia có độ phổ biến tiền ảo lớn nhất thế giới với 32% người được hỏi cho biết đã từng sử dụng hoặc sở hữu tiền ảo.
Sự phụ thuộc vào kiều hối và sự phổ biến của hình thức thanh toán ngang hàng qua di động là những động lực thúc đẩy việc sử dụng tiền điện tử tại Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Cứ 3 người Nigeria được hỏi thì có 1 người cho biết họ từng sử dụng tiền ảo.
Theo Bitcoin.com, chi phí chuyển tiền xuyên biên giới theo hình thức truyền thống cao khiến nhiều người dân nước này tìm tới các sàn tiền ảo nội địa để chuyển và nhận tiền từ gia đình, người thân ở nước ngoài. Người Nigeria cũng thường cài phần mềm thanh toán tiền ảo vào điện thoại.
Đứng thứ hai và thứ ba về mức độ phổ biến tiền ảo lần lượt là Việt Nam và Philippines. Kiều hối cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy việc sử dụng tiền ảo tại hai quốc gia Đông Nam Á.
Theo bitcoin.com, Ngân hàng Trung ương Philippines đã cấp phép cho một số sàn tiền ảo để vận hành như "các công ty giao dịch kiều hối" tại quốc gia này. Chính phủ Philippines cũng cùng với ngân hàng Unionbank ra mắt ứng dụng chuỗi khối (blockchain) có tên bonds.ph để phân phối trái phiếu chính phủ. Blockchain là công nghệ đứng sau Bitcoin - tiền ảo lớn nhất thị trường hiện nay. Unionbank cũng triển khai lắp đặt một máy ATM Bitcoin tại thành phố Makati - trung tâm tài chính của Philippines. Những động thái này cho thấy tiền ảo đang dần bước vào hệ thống tài chính chính thống tại quốc gia Đông Nam Á.
Bên cạnh châu Phi và Đông Nam Á, Mỹ Latin cũng là khu vực mà tiền ảo khá phổ biến. Peru đứng đầu khu vực này với 16% người tham gia khảo sát cho biết họ từng dùng hoặc sở hữu tiền ảo, theo sau là Brazil, Colombia, Argentina, Mexico và Chile. Thụy Sĩ và Hy Lạp là hai quốc gia có độ phổ biến tiền ảo cao nhất tại châu Âu với cùng tỷ lệ 11%. Xét theo khu vực, châu Âu là khu vực có mức độ chấp nhận tiền ảo thấp.
Nhật Bản và Đan Mạch là hai quốc gia có tỷ lệ người được hỏi cho biết từng dùng hoặc sở hữu tiền ảo thấp nhất thế giới với 4%.
Khảo sát của Statista được thực hiện tại 74 quốc gia trên thế giới với 1.000 - 1.400 người tham gia tại mỗi nước.
Thời gian gần đây, các loại tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư, kể cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. "Cơn sốt" tiền ảo trở nên nóng hơn bao giờ hết khi đồng Bitcoin - tiền ảo lớn nhất thị trường - liên tiếp lập kỷ lục về giá và gần đây nhất tiến sát mốc 50.000 USD, gấp 2,5 lần so với mức kỷ lục gần 20.000 USD thiết lập vào cuối năm 2017.