1. Ở môn bóng đá nam, Việt Nam dẫu đang nổi lên như ứng viên nặng ký bậc nhất cho ngôi vô địch thì mối đe dọa từ phía Thái Lan cũng không vì thế mà bị xem nhẹ.
Ngược lại, sự tung hô của dư luận, từ HLV trưởng của Timor Leste, từ chính báo giới Thái Lan dành cho U22 Việt Nam có thể thổi bùng lên quyết tâm và lòng tự trọng bên trong các cầu thủ dưới quyền Worawut Srimanka.
Thái Lan, trong mọi hoàn cảnh, vẫn là Thái Lan - nhà vô địch gần như tuyệt đối của môn bóng đá nam SEA Games. Khả năng để U22 Việt Nam đánh bại đối thủ khó chịu nhất của mình có lẽ cũng không chạm mức 50%.
Ở môn bóng đá nữ, các cô gái do HLV Mai Đức Chung dẫn dắt cũng đặt mục tiêu giành vàng. So với các đồng nghiệp nam, cơ hội của đội nữ Việt Nam được đánh giá là nhỉnh hơn.
Nhưng đừng quên, đội nữ của chúng ta đã thua nữ Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 2013 (SEA Games 2015 không có bóng đá nữ). Ngoài Thái, Myanmar cũng là đối thủ đáng gờm khác mà đội nữ Việt Nam không thể không dè chừng.
Chuyển sang môn Futsal, ưu thế của Thái Lan so với Việt Nam càng rõ rệt. Đội Futsal nam Thái Lan từ lâu đã ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại của khu vực. Việt Nam dẫu có nhiều tiến bộ trong thời gian qua thì vẫn phải bái Futsal nam Thái là sư phụ.
Nếu Futsal Việt Nam tiến hành thành công cuộc lật đổ trước Thái Lan, đó chỉ có thể là câu chuyện của phái nữ. Theo các nhà chuyên môn trong nước, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan ở nội dung Futsal nữ vẫn còn nhưng đã được rút ngắn đáng kể.
Tổng kết lại, nếu lạc quan thì có thể chờ đợi Việt Nam thắng Thái Lan trên 3 mặt trận. Còn nếu mọi chuyện diễn ra đúng như những người thực tế đã tiên liệu, bóng đá Việt Nam sẽ một lần nữa thua tuyệt đối trước làng cầu xứ chùa vàng.
2. Vậy phải làm thế nào để Việt Nam tránh được nguy cơ bị Thái Lan vượt mặt trong cả 4 môn thi? Ngoài sự nỗ lực hết mình, chúng ta phải cần đến cả vận may. Nhưng như vậy có lẽ là chưa đủ. Để chắc chắn có được một ngày đứng trên Thái Lan ở tất cả các hạng mục bóng đá, Việt Nam cần có một chiến lược đào tạo và phát triển nhân tài bài bản hơn, hợp lý hơn.
Chứ nếu cứ duy trì cách làm như hiện nay, hy vọng thắng Thái chỉ có thể biến thành hiện thực bằng cách dùng mẹo như Tỗn Tẫn từng áp dụng trong môn đua ngựa vào thời xa xưa.
Việt Nam phải chú trọng phát triển bóng đá trẻ và chờ đợi vượt được Thái Lan trong tương lai sắp tới còn tại SEA Games này mọi chuyện rất khó, thậm chí nếu có cũng chỉ là nhất thời! (Ảnh: D.A).
Để giúp Điền Kỵ với một đàn ngựa chạy chậm hơn giành được chiến thắng trước Tề Vương, Tôn Tẫn bố trí "hạ mã" của Điền Kỵ đấu "thượng mã" của Tề Vương, rồi sau đó cho "thượng mã" đấu "trung mã" và "trung mã" đấu "hạ mã".
Nếu thượng đấu thượng, trung đấu trung và hạ đấu hạ như thông lệ, Điền Kỵ thua chắc 0-3. Nhưng với trò đảo vị trí kể trên, Điền Kỵ đã giành thắng lợi 2-1.
Tương tự, Việt Nam có thể thắng Thái Lan 3-1 nếu bố trí đội U22 của Hữu Thắng đấu đội Futsal nam Thái trên sân to ngoài trời, đội Futsal nam Việt Nam đấu Futsal nữ Thái trên sân nhỏ trong nhà, đội Futsal nữ Việt Nam đấu đội nữ Thái cũng trong nhà và cuối cùng "nhường" lại bằng cách cho đội nữ Việt Nam đấu đội U22 Thái trên loại sân mà đội bạn thích.
Mọi người hẳn sẽ bảo "sáng kiến" trên là thứ nhảm nhí. Cơ mà từ trước đến nay, SEA Games cũng có lắm trò hề đấy thôi. Giải đấu năm nay cũng không phải ngoại lệ khi chủ nhà Malaysia liên tục có những trò "đánh tráo" trơ trẽn nhằm giúp "đoàn Mã" thống trị BXH huy chương.
Ngoài chuyện chia bảng và xếp lịch môn bóng đá nam như tất cả đều biết, Malaysia còn bố trí một tài xế... không thạo đường để đưa đội U22 Indonesia đến sân thi đấu. Nước chủ nhà cũng ngăn các CĐV Myanmar vào sân với lý do hết chỗ dù khán đài vẫn trống hoác.
Trước đó, Malaysia đã bị các nước chỉ trích gay gắt khi thẳng tay loại bỏ 8 môn thi đấu trong nội dung Olympic khỏi SEA Games 29. Và khi ngày hội bắt đầu, chắc chắn đó cũng là lúc sự ưu ái của trọng tài dành cho các VĐV chủ nhà được đặt lên bàn cân.
Đua với "đoàn Mã", "đoàn người" liệu có hy vọng gì?