Tổng thống Mỹ Joe Biden thị sát Nhà máy sản xuất tên lửa Javelin (Ảnh: AP).
Cùng ngày, Hạ viện Mỹ cũng thông qua với tỷ lệ phiếu áp đảo khoản viện trợ gần 40 tỉ USD cho Ukraine, cao hơn mức 33 tỉ USD mà ông Biden đề xuất ban đầu. Số tiền này sẽ được sử dụng để viện trợ quân sự, nhân đạo, lương thực cho đến cuối tháng 9 năm nay.
Vào thời điểm mà Mỹ dự đoán Nga và Ukraine rơi vào một cuộc chiến kéo dài và đang chuẩn bị cho nó, người ta có thể xem xét nội dung bài phát biểu trong lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng của ông Putin ngày 9/5.
Trước buổi lễ, thế giới bên ngoài đã dự đoán ông Putin sẽ tuyên bố đã giành chiến thắng có tính giai đoạn, qua đó làm chậm lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đối với Ukraine, hoặc chính thức tuyên chiến với Ukraine, hoặc ít nhất là ban hành lệnh động viên để đưa thêm quân vào Ukraine nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ cuộc chiến.
Hai dự đoán này, dù là để giảm chiến sự hay tăng cường tấn công, cả hai đều có điểm chung là nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách sớm nhất. Tuy nhiên, cuối cùng ông Putin đã không tuyên bố chiến thắng cũng chẳng tăng thêm quân.
Điều này đồng nghĩa với việc để cuộc chiến tiếp diễn với sự tiến công chậm chạp của quân đội Nga và cuộc phản công cục bộ của quân đội Ukraine như hiện nay.
Mặc dù một số ý kiến ở phương Tây cho rằng với điều kiện trang bị và vật tư của Nga, họ khó có thể chiến đấu lâu dài, nhưng xét trên thực tế, thời khắc mang biểu tượng của Ngày Chiến thắng là "ngày bình thường", nên phán đoán cho rằng Nga đang chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài quả thực là rất hợp lý.
Ngày 10/5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines tuyên bố tại phiên điều trần tại Thượng viện rằng Mỹ đánh giá ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine. (AP)
Nếu khoản viện trợ 40 tỉ USD nói trên cho Ukraine được thông qua, cộng với việc Mỹ đã viện trợ 13,6 tỉ USD trước đó, tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine về danh nghĩa sẽ tương đương khoảng 80% tổng chi tiêu quân sự của Nga trong năm ngoái. Nếu Nga vẫn tiếp tục chiến tranh, liệu Mỹ có thể duy trì được đủ viện trợ cho Ukraine?
Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế Ukraine sẽ giảm tới 45% trong năm nay. Mặc dù nguồn thu từ thuế của chính phủ Ukraine phần lớn vẫn được duy trì (ngoài thuế hải quan chiếm 1/4 doanh thu bị mất), các doanh nghiệp và chính phủ vẫn tiếp tục trả lương, quy mô của sự suy giảm kinh tế này đã báo hiệu một dòng vốn nước ngoài và viện trợ nhân đạo, là điều không thể thiếu đóng một phần vai trò của chính phủ.
Vì vậy, mặc dù viện trợ nói trên cho Ukraine là cao, nhưng nó không thể so sánh trực tiếp với chi tiêu quân sự của Nga. Ngoài việc duy trì kế hoạch tài chính cơ bản của chính phủ Ukraine, để giúp Ukraine giành chiến thắng, điều quan trọng hơn là sự hỗ trợ về vũ khí và trang bị từ bên ngoài.
Theo thông tin được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 10/5, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cho đến nay là rất toàn diện, bao gồm: hơn 1.400 tên lửa phòng không Stinger, hơn 5.500 tên lửa chống tăng Javelin, hơn 14.000 hệ thống chống thiết giáp khác, hơn 800 "máy bay không người lái cảm tử", 90 lựu pháo cỡ 155mm cùng 500.000 quả đạn pháo, 16 trực thăng Mi-17, hàng trăm xe bọc thép, 200 xe bọc thép lội nước M113, hơn 7.000 vũ khí cỡ nhỏ, hơn 50 triệu viên đạn đạn nhọn, hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser, hệ thống máy bay không người lái Puma 3-AE, tàu phòng thủ bờ biển không người lái, 17 radar chống pháo, 4 radar chống súng cối, hai radar giám sát mìn, v.v.
Vấn đề là quy mô viện trợ lớn như thế sẽ duy trì được bao lâu?
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 5.500 tên lửa chống tăng Javelin.
Tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, vốn hoạt động tốt trong những ngày đầu của cuộc chiến, chiếm một phần quan trọng trong vũ khí tồn kho của quân đội Mỹ và rất khó để tăng nhanh việc sản xuất trong thời gian ngắn.
Theo phân tích của ông Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), 1/3 kho dự trữ tên lửa Javelin của Mỹ đã được chuyển giao cho quân đội Ukraine.
Trước đây, Mỹ chỉ mua khoảng 1.000 quả Javelin mỗi năm. Mặc dù năng lực sản xuất tối đa ở Mỹ có thể đạt 6.480 quả mỗi năm, nhưng sẽ mất hơn một năm để tăng lên mức này và thời hạn giao hàng kéo dài tới 32 tháng, có thể nói "nước xa không cứu được lửa gần".
Cho đến nay, số tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã chiếm 1/4 lượng hàng tồn kho của nước này.
Từ năm 2003, Quân đội Mỹ không đặt mua tên lửa Stinger và nhà máy của họ nhiều năm tồn tại chỉ vì yêu cầu một số lượng rất nhỏ từ khách mua ở nước ngoài (theo tin đồn là Đài Loan), còn Bộ Quốc phòng Mỹ thì từ lâu đã dự định nghiên cứu một loại tên lửa phòng không tầm ngắn khác.
Ông Cancian ước tính sẽ mất hơn hai năm để nâng cao năng lực sản xuất trở lại. Gregory Hayes, giám đốc điều hành của Raytheon, công ty sản xuất Stinger, cho biết loại tên lửa này cần được thiết kế lại vì một số bộ phận hiện không còn mua được trên thị trường.
Ngoài những hạn chế sản xuất hiện có, tình trạng thiếu lao động, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thậm chí các lệnh trừng phạt đối với chính Nga cũng đã hạn chế hoạt động sản xuất vũ khí của Mỹ.
Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia Mỹ (NDIA) chỉ ra rằng ngành này hiện phải đối mặt với hai vấn đề lớn, một là nguồn nhân lực ở Mỹ thiếu (không có đủ nhân viên chuyên môn), hai là các hạn chế về chuỗi cung ứng.
Theo số liệu của hiệp hội này, trong số 100 nhà thầu quốc phòng hàng đầu được liệt kê, thời gian từ mua linh kiện đến khi giao thành phẩm đã tăng từ 56 ngày vào năm 2019 lên 128 ngày vào năm 2020. Có thể thấy, vấn đề về chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo: mỗi quả tên lửa Javelin cần tới 250 con chip.
Đồng thời, 37% nguồn cung kim loại titan ở Mỹ hàng năm nhập từ Nga và Ukraine, và một số loại nguồn cung chính chiếm có hơn một nửa nhập từ Nga. Hiện tại, các công ty Nhật Bản có thể cung cấp titan chất lượng cao đã gần như đã dùng cạn kiệt năng lực sản xuất; trong khi ngành hàng không đang phục hồi, các công ty quân sự khác của Mỹ vẫn đang cạnh tranh với Boeing về nguồn cung titan từ bên ngoài nước Nga.
Việc cung cấp chip cũng có khả năng cản trở việc sản xuất. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vào tháng trước đã nói với Quốc hội rằng cho một hệ thống phóng Javelin phải cần hơn 250 con chip.
Trước đó, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ đã tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo của những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp quân sự để thảo luận về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời đưa ra "yêu cầu tư vấn" cho các công ty công nghiệp quân sự trên cả nước, với hy vọng họ sẽ cung cấp thông tin về các loại vũ khí mà Ukraine cần để sản xuất các sản phẩm mà họ có thể sản xuất.
Cho đến ngày 7/5 họ đã nhận được hơn 300 phản hồi. Qua đó có thể thấy, nhà chức trách Mỹ đang tích cực tìm cách đảm bảo nguồn cung vũ khí ổn định lâu dài cho Ukraine.
Conrad Crane, một nhà nghiên cứu lịch sử tại Army War College (Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Mỹ), gần đây đã viết một bài báo chỉ ra rằng các kế hoạch chiến tranh hiện có của Mỹ chỉ dự tính "các hoạt động quân sự tương đối nhanh chóng và ít thương vong", "các tài nguyên cho các cuộc xung đột dài và khốc liệt đã bị thu hẹp hoặc lãng quên".
Ông chỉ trích rằng các giả tưởng chiến tranh của mọi người thường dựa trên đánh bại nhanh chóng kẻ thù bằng vũ khí công nghệ cao như F-35, không được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài và cường độ cao - ông nêu ví dụ Mỹ đã tiêu thụ nhanh chóng các kho tên lửa dự trữ trong cuộc chiến chống ISIS là minh chứng cho sự thiếu sót này.
Hiện Mỹ không đáp ứng đủ nhu cầu của Ukraine về tên lửa phòng không Stinger.
Ngoài viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine, ông Biden không chỉ ký "Đạo luật cho thuê Quốc phòng" được cả hai viện Quốc hội thông qua và dựa trên luật của Thế chiến thứ hai, để chính phủ Mỹ có thể cung cấp vũ khí nhanh hơn cho Ukraine, mà còn sử dụng thuật ngữ "arsenal of democracy" (công xưởng vũ khí của nền dân chủ) mà Tổng thống Roosevelt Jr. đã sử dụng trong cuộc trò chuyện bên bếp lửa của ông vào tháng 12 năm 1940 để mô tả các mục tiêu của Mỹ.
Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ Hai, các nhà sản xuất tư nhân ở Hoa Kỳ đã tới tấp đầu tư vào sản xuất thời chiến mới đủ để cung cấp chi viện cho châu Âu. Ví dụ, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ chiếm 1/5 sản lượng vũ khí trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay liệu nước Mỹ có còn khả năng này không?
Đương nhiên, cuộc chiến Nga-Ukraine không thể sánh với Thế chiến thứ Hai. Nhưng những lo ngại về cung cấp vũ khí do cuộc chiến tranh này gây ra được cho là sẽ là một bài học cho các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Mỹ.