Viện sĩ TQ tiết lộ bí mật thuật Phong thủy để quy hoạch "công trình thế kỷ" của ông Tập

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Khi thông tin này được công bố, có ý kiến cho rằng một việc được coi là “kế sách ngàn năm” của TQ mà lại dùng phương pháp tâm linh cổ xưa để lựa chọn địa điểm là không nghiêm túc.

Tờ Tân Kinh cho hay, trong cuộc “Hội thảo Bách nhân thành phố Trung Quốc 2017” tổ chức ngày 6/6/2017 tại Bắc Kinh, Viện sĩ Từ Khoang Địch, Tổng công trình sư lựa chọn và thiết kế Khu kinh tế mới Hùng An đã giới thiệu về quá trình từ đầu năm 2014, ông được Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ tin tưởng cùng đi khảo sát và tìm kiếm địa điểm xây dựng một Khu kinh tế mới nằm giữa Bắc Kinh, Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc.

Sau nhiều lần khảo sát nhiều khu vực khác nhau, cuối cùng, Hùng An thuộc tỉnh Hà Bắc được chọn làm Khu kinh tế mới. Khu kinh tế này gồm 3 huyện ở phía đông tỉnh Hà Bắc là Huyện Hùng, Huyện Dung Thành, Huyện An Tân và Vùng phụ cận, tổng diện tích thiết kế 2.000 Km2.

Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ hiện là Trưởng ban quy hoạch. Ban quy hoạch gồm 6 đơn vị thiết kế quy hoạch hàng đầu của Trung Quốc hợp thành với hơn 30 chuyên gia đầu ngành.

Theo Tân Kinh, điều làm các đại biểu tham dự Hội thảo ngạc nhiên là Viện sĩ Từ Khoang Địch, một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc, giành nhiều giải thưởng quốc gia về nghiên cứu khoa học và được nước Anh công nhân là “Viện sĩ danh dự Viện công trình Hoàng gia Anh”, tiết lộ Ban quy hoạch đã thông qua Phong Thủy, một môn huyền thuật truyền thống của Trung Quốc, để lựa chọn địa điểm cho Khu kinh tế mới.

Viện sĩ TQ tiết lộ bí mật thuật Phong thủy để quy hoạch công trình thế kỷ của ông Tập - Ảnh 1.

Ông Từ Khoang Địch (đội mũ, đeo kính) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó thủ tướng Trương Cao Lệ khảo sát khu vực quy hoạch Khu kinh tế Hùng An, ngày 23/2/2017 (Ảnh: Xinhua)

Phong thủy trong chọn địa điểm khu kinh tế mới

Viện sĩ Từ Khoang Địch cho biết ông dùng Phương pháp “Sơn xuyên định vị” của Phong thủy mà các thầy địa lý cổ xưa của Trung Quốc vẫn sử dụng.

Giải thích về phương diện triết học của phương pháp này, ông Từ nói: "Phương pháp 'Sơn xuyên định vị' là tư tưởng triết học bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc về định vị theo trục để phục vụ cho việc xây dựng các công trình kiến trúc thành phố, xây dựng các cung điện, nhà ở và các lăng tẩm."

Theo ông, có hai cơ sở về trục địa lý sơn thủy của văn hóa phong thủy Trung Quốc để lựa chọn địa điểm cho Khu kinh tế mới Hùng An. Trục thứ nhất gọi là "Trục nhân dân", trục thứ hai gọi là "Trục thiên niên" (Trục nghìn năm).

Về “Trục nhân dân”, Viện sĩ Từ Khoang Địch giải thích tại đây có Bạch Dương Điện - hồ lớn rộng 366 Km2, nằm giữa các huyện An Tân, Hùng huyện, Thương châu, Nhiệm Khâu, hội tụ nước của 9 dòng sông, hình thành hơn 3.700 lạch, mương, nối liền với 146 hồ lớn nhỏ trong khu vực.

Trong hồ Bạch Dương Điện có nhiều đảo nhỏ và xung quanh có tới 36 thôn, xã. Đây là khởi nguồn của nước từ núi chảy ra. Tính từ phía tây của hồ, khởi đầu là Quảng trường nhân dân, tiếp đó kéo tới giữa là “Bia phục hưng dân tộc Trung Hoa Hùng An”, sang phía đông là Thành cổ Huyện Hùng.

Bởi vậy, dọc theo chiều đông–tây của trục này đều là "dân", nên cũng gọi là "Trục nhân dân".

Về "Trục thiên niên", ông Từ phát biểu: "Trước tiên tại Khu vực này phía trước có Chùa Đàm Giá, phía sau có kinh thành Bắc Kinh. Thành Bắc Kinh có cách đây khoảng 3.000 năm, nhưng Chùa Đàm Giá có trước thành Bắc Kinh tới 500 năm. Từ Chùa Đàm Giá kéo xuống phía nam theo chiều nam–bắc của 'Trục thiên niên', thì 'Khu kinh tế mới Hùng An' nằm chính giữa trên trục."

Hơn nữa, Khu kinh tế mới chính là điểm giao nhau giữa hai trục chính. Điều có ý nghĩa lớn về phong thủy là Trục nam–bắc của kinh thành Bắc Kinh lại chen vào giữa, chia đều cự ly đông–tây.

Chùa Đàm Giá trên "Trục thiên niên" với Trung tâm Thông Châu (quận cận nội thành thủ đô Bắc Kinh) lại đối xứng nhau. Vì vậy Thông Châu và Hùng An tạo thành hai cánh bằng nhau của Thủ đô Bắc Kinh mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “nhất thể lưỡng dực” (một thể hai cánh).

Viện sĩ TQ tiết lộ bí mật thuật Phong thủy để quy hoạch công trình thế kỷ của ông Tập - Ảnh 2.

Bắc Kinh, Thiên Tân và Hùng An tạo thành 3 đỉnh của một tam giác đều (Ảnh: Chinanews)

Ông Từ Khoang Địch nói nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy Hùng An nằm ở bên trái phía dưới, thành phố Thiên Tân nắm ở bên phải phía dưới, phía trên là Sân bay quốc tế Bắc Kinh, tạo thành 3 đỉnh của một hình tam giác đều.

Trong tương lai ba đỉnh của tam giác này là ba sân bay quốc tế lớn, đồng thời xây dựng 4 đường sắt trên cao tới Hùng An. Tàu chạy trên đường sắt trên cao từ Hùng An tới Bắc Kinh chỉ mất 41 phút. Về mặt giao thông, cấp nước, đường điện, ống dẫn khí ga, hệ thống phòng hộ tai nạn, tàu điện ngầm, nhà ga… đều đặt ngầm dưới đất.

Hệ thống kiến trúc thông minh sẽ lắp ráp các “tường biết hô hấp”, biến khí CO2 thành ô-xy, như vậy sẽ không cần tới cửa sổ hay hệ thống thoát khí như xây dựng trước đây. Trên đường phố sẽ trồng cây xanh và tạo điều kiện mát mẻ cho dân chúng đi lại. Việc cấp nước sẽ lấy từ mười mấy hồ chứa nước lớn trên Thái Hành Sơn. Bởi vậy, Hùng An còn được gọi là là "khu kinh tế mới sinh thái".

Viện sĩ Từ Khoang Địch nói điểm đột phá mới trong xây dựng Hùng An so với các Đặc khu kinh tế và Khu kinh tế trước đây là xóa bỏ ranh giới thành thị và nông thôn, không có hộ khẩu thành thị hay hộ khẩu nông thôn. Cả hai khu vực đều thực hiện xây dựng hiện đại hóa như nhau.

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo báo Tân Kinh, Phương pháp dùng Phong thủy để chọn địa điểm do Viện sĩ Từ Khoang Địch trình bày có ý kiến bất nhất.

Viện sĩ TQ tiết lộ bí mật thuật Phong thủy để quy hoạch công trình thế kỷ của ông Tập - Ảnh 3.

Một số cho rằng Khu kinh tế Hùng An là “đại sự quốc gia”, là “kế sách ngàn năm” lại dùng phương pháp tâm linh cổ xưa để lựa chọn địa điểm là không nghiêm túc, không mang tính khoa học, nhất là trong điều kiện hiện nay, thế giới và Trung Quốc có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để xác định những yếu tố môi sinh cho việc lựa chọn. Vì vậy, sự lựa chọn này được cho là không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Từ cho rằng đây không phải là mê tín, tâm linh mà cũng là một khoa học. Phong thủy là một góc văn hóa truyền thống của Trung Quốc.

Trong quá khứ khi không có trang thiết bị hiện đại, người ta vẫn lựa chọn được những địa điểm phù hợp cho xây cất các cung điện, kinh thành và lăng tẩm. Điều này cho thấy đây cũng là một căn cứ khoa học truyền thống của Trung Quốc.

Viện sĩ Từ Khoang Địch sinh năm 1937, quê ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1954 ông theo học Đại học công nghiệp gang thép Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp ông ở lại trường giảng dạy. Năm 1963 về làm giảng viên Trường Đại học công nghiệp Thượng Hải, từng là Phó Giáo sư, Giáo sư và giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Khoa luyện kim và phó Giám đốc của trường.

Ông rất được cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ trọng dụng. Năm 1989, ông được Chu Dung Cơ, khi đó là Thị trưởng Thượng Hải đưa về làm Giám đốc Sở giáo dục, tiếp đó làm Chủ nhiệm Ban kinh tế kế hoạch. Từ năm 1995 – 2001 làm Thị trưởng Thượng Hải và có công xây dựng Khu kinh tế mở cửa Phố Đông nổi tiếng thập niên 1990.

Năm 1995 ông được bầu làm Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc.

Năm 2001 ông làm Bí thư đảng ủy, Giám đốc Học viện công trình Trung Quốc. Hiện là Trưởng ban tư vấn phát triển Hùng An.

Ông Từ là Ủy viên dự khuyết trung ương ĐCSTQ Khóa 14, Ủy viên trung ương Khóa 15, Khóa 16. Từ năm 2003 – 2008 ông là Phó Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc Khóa 10.

Ông có hơn 50 luận văn và 6 tác phẩm khoa học về luyện kim và 6 lần được giải thưởng khoa học cấp quốc gia. Ông là Viện sĩ danh dự của “Viện công trình Hoàng gia Anh”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại