[Video] Về Việt Nam, Như Quỳnh làm được điều đáng kinh ngạc

Long Phạm |

Như Quỳnh khiến khán giả ngạc nhiên khi làm được điều này ở live show tại Hà Nội vừa qua.

Ngày 26/1 vừa qua, Như Quỳnh đã tổ chức đêm live show riêng tại Hà Nội. Đây cũng là lần tái ngộ khán giả trong nước đầu tiên của nữ ca sĩ sau 25 năm xa cách.

Trong đêm live show, Như Quỳnh thể hiện các bài hit quen thuộc, tạo nên tên tuổi cho cô, như: Người tình mùa đông, Duyên phận, Hoa trinh nữ, Đường xưa lối cũ, Chờ người…

Nhiều khán giả cho rằng, việc Như Quỳnh cố gắng hát lại những bản Bolero kinh điển năm xưa trong tình trạng mất giọng sẽ khó tạo ra ấn tượng mới mẻ. Có người còn ác ý nói Như Quỳnh đang cố "ăn mày dĩ vãng".

[Video] Về Việt Nam, Như Quỳnh làm được điều đáng kinh ngạc  - Ảnh 1.

Quả thực, Như Quỳnh nhiều lúc hát hụt hơi, chênh phô và bị đuối do mất giọng. Cách hát và luyến láy của cô vẫn mùi mẫn, ngọt lịm và đậm chất Bolero như mọi khi.

Tuy nhiên, không như công chúng nghĩ, Như Quỳnh đã thực sự tạo ra những bất ngờ đặc biệt, mà chính bản thân cô cũng chưa từng làm khi còn ở nước ngoài.

Trước đây, Như Quỳnh thường sử dụng bạch thanh khi hát và cố gắng bỏ nhỏ, làm mềm câu hát. Đây là lối hát đặc trưng, giúp ca sĩ thể hiện bài hát ra chất Bolero hơn.

Nhưng nó cũng vô tình khiến giọng hát của Như Quỳnh bị đánh giá là mảnh, nhẹ và yếu, chỉ có thể tà tà như vậy chứ khó mà đột phá được.

Suốt thời gian đi hát, Như Quỳnh gần như không có cơ hội phô diễn giọng hát, âm vực của mình, vì thẩm mỹ của khán giả nghe Bolero không cho phép.

[Video] Về Việt Nam, Như Quỳnh làm được điều đáng kinh ngạc  - Ảnh 2.

Trong giai đoạn mất giọng, cô còn hát khá khó khăn, như có gì đó chặn lại trong cổ, khiến âm thanh không bật ra được một cách đầy đặn.

Vậy mà vừa về Việt Nam, Như Quỳnh đã lập tức "bung xõa" để mở rộng biên độ giọng hát của mình. Thay vì hát bạch thanh mãi, ở một số ca khúc, Như Quỳnh đã bắt đầu hát open throat hơn, mở cổ họng nhiều hơn.

Không những vậy, cô còn biết đẩy giọng ngực (chest voice) lên với cường độ mạnh hơn, thể tích âm thanh lớn hơn và tần số rung cũng cao hơn để tạo ra những note cao belting vô cùng ấn tượng.

Chẳng hạn, trong ca khúc Người tình mùa đông, Như Quỳnh hát âm đóng ở các chữ "bàn tay",  "chiều nay", "buồn xưa" trên G4, G#4, A4 hoàn toàn thuần chest, khá nổ và mạnh, kèm theo vibrato, chứ không phải bằng light voice hay falsetto như trước.

Thậm chí, ở chữ "bàn tay" gần cuối, Như Quỳnh còn bật lên xoang khá mạnh, tới mức gần như gằn giọng được.

Như Quỳnh hát Người tình mùa đông với bản phối mới và cách hát mới

Đáng kinh ngạc nhất là tới đoạn kết khúc ca khúc, ở các chữ "hỡi ôi, trái tim mùa đông", Như Quỳnh bỗng nhiên bật giọng, belt trên B4, A4 với lực đẩy mạnh và độ mở vòm rộng, kèm theo cả vibrato, giúp tạo nên luồng âm thanh dày, chắc chắn, nội lực, nghe khá hào sảng.

[Video] Về Việt Nam, Như Quỳnh làm được điều đáng kinh ngạc  - Ảnh 4.

Đa số khán giả khi nghe thấy Như Quỳnh hát đoạn cuối này đã tỏ ra khá bất ngờ. Hiếm khi cô chịu chơi hát hoàn toàn bằng giọng ngực (chest voice) như trong màn trình diễn này. 

Không ai nghĩ rằng, một ca sĩ Bolero như cô lại có thể belt giọng căng tới vậy, nghe có nét man mác giống Mỹ Linh, Hà Trần.

Tiếp đến, ở ca khúc Đường xưa lối cũ, Như Quỳnh lại tiếp tục phô diễn giọng hát của mình bằng giọng thật (tỷ lệ chest voice chiếm phần lớn) trên những note treo khá cao, thể hiện đúng chất một light lirico soprano như Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương.

[Video] Về Việt Nam, Như Quỳnh làm được điều đáng kinh ngạc  - Ảnh 5.

Cụ thể, trong đoạn mở đầu "có tiếng ca, tiếng ca…", Như Quỳnh treo trên A#4 khá sắc và bội âm lên cao.

Như Quỳnh hát Đường xưa lối cũ

Tuy nhiên, những đoạn belt cao này chỉ là nét chấm phá của Như Quỳnh, thể hiện sự đổi mới, hội nhập trong cách hát của cô mà thôi. Quan trọng hơn cả là Như Quỳnh hát vẫn rất ngọt ngào, mùi mẫn.

Cách Như Quỳnh chuyển giọng, luyến láy và bỏ nhỏ vẫn đúng đặc trưng thương hiệu của cô, rất tự sự và cảm xúc.

Như Quỳnh đang ở độ tuổi gần 50 và đã mất giọng, nên không thể đòi hỏi quá nhiều ở cô. Trong lần trở về Việt Nam này, Như Quỳnh đã cố gắng rất nhiều để hát live trọn vẹn live show suốt 4 tiếng đồng hồ. 

Không những vậy, cô còn dám thử thách bản thân để hát những lối mới, khó hơn và hay hơn. Đó là điều đáng trân trọng với khán giả.

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Kĩ thuật hát nhỏ giọng vừa phải.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Pianissimo: Vuốt nhỏ tiếng.
- Voice project: Phóng âm.
- Diminuendo: Hát nhỏ đột ngột.

- Belting: Cách hát cao trào bằng giọng thật hoặc giọng ngực (đối lập với cách hát bằng giả thanh)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại