Video đòn diệt tăng cực hiếm của Grad

Kiên Bùi |

Hệ thống pháo phản lực BM-21 Grad vừa có đòn đánh cực hiếm khi diệt thành công cỗ tăng Ukraine bằng loại đạn không điều khiển.

Hình ảnh về vụ tấn công được hãng thông tấn RIA công bố hôm 4/3 cho thấy cú tấn công chính xác đến khó tin của BM-21 Grad vào phần nóc của xe tăng Ukraine đang di chuyển nhanh. Đòn đánh làm chiếc xe nổ tung và bốc cháy.

"Sau khi UAV trinh sát phát hiện đội hình xe tăng Ukraine đang di chuyển gần thành phố Avdiivka, tỉnh tỉnh Donetsk, tọa độ nhanh chóng được chuyển cho đơn vị pháo BM-21 Grad thuộc Lữ đoàn Slavic số 1 để triển khai chiến đấu. Tổ hợp Grad đã phóng đạn không điều khiển có sức công phá mạnh để phá hủy xe tăng.

Việc dùng loại đạn như vậy để đánh chính xác mục tiêu đang di chuyển là rất khó và hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên kíp chiến đấu của chính tôi với Grad đã làm được điều hiếm có. Sau khi trúng đạn, xe tăng Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn", RIA dẫn lời người điều khiển UAV có biệt hiệu Droban cho biết.

Đánh giá về đòn tấn công chính xác của pháo binh Nga vào đơn vị xe tăng Ukraine, chuyên trang quân sự 19Fortyfive của Mỹ cho rằng, đây là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị pháo binh với UAV trinh sát của Nga trên chiến trường.

Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã phát triển một tổ hợp trinh sát-hỏa lực, nơi các thiết bị giám sát bằng UAV, đặc biệt là UAV giám sát Orlan-10 có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác và kịp thời, được hỗ trợ nhờ công nghệ định hướng hỏa lực kỹ thuật số.

Chẳng hạn, khi có sự hỗ trợ của UAV, pháo binh Nga có thể điều chỉnh hỏa lực trong thời gian thực để bắn trúng mục tiêu đang di chuyển bằng cả những loại đạn không điều khiển như vụ tấn công của BM-21 Grad vào xe tăng Ukraine hôm 4/3.

Cùng với lợi thế do phối hợp với UAV, pháo binh Nga còn phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng loại đạn pháo để tăng hiệu quả chiến đấu. Ví dụ, trong khi Nga dùng lựu pháo để tấn công các mục tiêu đơn lẻ rời rạc thì hệ thống pháo phản lực bắn loạt thường được sử dụng để ngăn cản sự di chuyển của lực lượng Ukraine.

Trong các đòn phản pháo nhằm vào pháo binh cũng như những người vận hành UAV của Ukraine, Nga sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U và pháo có tầm bắn xa như pháo kéo 2A65 Msta và 2A36 Giatsint, 2S19, 2S5 và pháo tự hành 2S7M Malka 203mm.

Một số nguồn tin Ukraine còn cho biết, các đơn vị pháo binh của Nga thường được đặt ở khoảng cách bằng 1/3 tầm bắn tối đa của từng hệ thống từ chiến tuyến để giảm thiểu nguy cơ bị đối phương tấn công.

Các đơn vị của Nga còn sử dụng chiến thuật mồi nhử, triển khai các khẩu pháo giả là những khẩu pháo gần như đã hư hỏng hoặc bị phá hủy nhằm làm chệch hướng tấn công của Ukraine.

Cùng với đó là sự áp đảo về pháo binh của Nga với Ukraine. Theo báo Mỹ, trung bình các khẩu lựu pháo của Nga sử dụng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi con số này ở phía Ukraine là 6.000 quả đạn pháo. Mặc dù vậy, phía Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt đạn pháo.

"Hiệu quả hoạt động nói chung không nổi bật của lực lượng mặt đất Nga ngày càng được bù đắp bằng việc tận dụng các trận địa pháo phóng loạt để tạo điều kiện cho một cuộc tiến quân chậm và có phương pháp.

Các cuộc bắn phá liên tục đã khiến cư dân địa phương dần dần di dời và san bằng các khu định cư và cơ sở hạ tầng đang được bảo vệ tốt, buộc quân đội Ukraine từ bỏ lãnh thổ sau khi bị tàn phá", chuyên trang quân sự Mỹ viết.

Xe tăng Ukraine bị đạn của BM-21 Grad đánh trúng.

Những cuộc pháo kích ồ ạt của Nga dần dần đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi các thành phố quan trọng, đồng thời khiến lực lượng Ukraine không thể tập trung lực lượng kịp thời để phản công hiệu quả như hồi cuối năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

UAV

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại