Nhân sự kiện đặc biệt này, chúng tôi đã đề xuất phỏng vấn lãnh đạo chính phủ Campuchia để tìm hiểu về những đánh giá, ghi nhận của nước bạn đối với danh tướng Việt Nam Hoàng Thế Thiện. Chỉ sau hai ngày làm việc, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, bà Men Sam An đã xác nhận đồng ý trả lời phỏng vấn. Những kỷ niệm về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện với bà Men, với chính phủ và nhân dân Campuchia được nhắc lại như những thước phim tài liệu chân thực nhất. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuộc phỏng vấn độc quyền này.
Phóng viên: Rất cảm ơn bà về cuộc trò chuyện quý báu này. Và liệu chúng ta có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những gợi nhớ của bà về một người Việt Nam đặc biệt, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Liên quan đến cuộc phỏng vấn ngày hôm nay, thật sự ra cách đây hai hôm tôi được ngài Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh trao đổi rằng phía Việt Nam muốn phỏng vấn, cũng như ôn lại những kỷ niệm, những thành tích đóng góp của tướng Hoàng Thế Thiện trong thời gian quân đội Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot cũng như hồi sinh đất nước Campuchia. Tôi rất ủng hộ, vì đó cũng chính là những điều tôi vẫn luôn lưu giữ.
Tôi đã gắn bó với tướng Thiện đúng trong giai đoạn 1978 - 1982, thời kỳ Ngài ấy đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Cách mạng Campuchia trưởng thành và giành được những thắng lợi to lớn. Sau này khi tướng Thiện về nước, bản thân tôi không nhận được nhiều thông tin về Ngài ấy nữa. Gần đây tôi mới được biết tướng Hoàng Thế Thiện đã mất từ năm 1995. Đây thực sự là mất mát rất to lớn đối với đất nước chúng tôi. Bởi tướng Thiện là người bạn thân thiết của Campuchia, là người đã sát cánh bên cạnh chúng tôi, tôn trọng chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi kể cả trong vai trò là một tướng quân hay một trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam sau này.
Do đó, khi nhận được đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam về việc truy tặng Huân chương cho tướng Thiện, bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình lên Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen. Thủ tướng chúng tôi đã rất đồng tình và trình lên Quốc vương Norodom Sihamoni. Và như chúng ta đã thấy, được sự đồng ý của Quốc vương, ngày 10/1/2020, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất của Vương quốc Campuchia cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.
Tôi cũng xin nói thêm về Huân chương Hoàng gia Sahametrei. Đây là Huân chương Hữu nghị cao quý nhất của Vương quốc dành tặng người nước ngoài có đóng góp to lớn cho đất nước Campuchia.
Chúng ta cũng biết rằng, thời điểm này tướng Hoàng Thế Thiện đã mất rồi, chính vì vậy, đây là hình thức mang tính chất truy tặng. Nó vừa nhằm gợi nhắc lại những đóng góp của tướng Hoàng Thế Thiện đối với đất nước Campuchia trong thời điểm khó khăn; mặt khác cũng phần nào động viên, cảm ơn thân nhân gia đình tướng Hoàng Thế Thiện về những hy sinh, đóng góp của người chồng ấy, người cha ấy trong suốt cả một quãng đời.
Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng dù tướng Hoàng Thế Thiện đã mất, nhưng những tình cảm, hành động Ngài ấy đã cống hiến, chia sẻ cho Campuchia sẽ trường tồn trong trái tim của tất cả các lãnh đạo đất nước chúng tôi.
Phóng viên: Phó Thủ tướng vừa nói rằng tướng Hoàng Thế Thiện được Chính phủ Hoàng gia Campuchia coi là người bạn thân thiết. Bà còn nhớ những câu chuyện gì về người bạn thân thiết này?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Tôi muốn bạn và tôi cùng nhìn về quá khứ. Ngày 2/12/1978, trước sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã ra mắt và đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Campuchia. Lúc đó, cách mạng Campuchia xác định hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đất nước. Thứ nhất là phải chiến đấu ngăn chặn không để cho Pol Pot quay trở lại. Thứ hai là phải làm thế nào để người dân Campuchia không còn chết đói, ổn định cuộc sống và trở thành hậu phương vững mạnh của tiền tuyến. Trên thực tế, thời điểm đó chúng tôi đã kêu gọi cả thế giới hãy giúp đỡ nhân dân Campuchia. Nhưng chẳng có ai đáp lại lời người Campuchia cả, ngoài người bạn Việt Nam!
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ chuyên gia giúp bạn Campuchia lần thứ I. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Bí thư Đảng ủy chuyên gia toàn Campuchia đứng thứ 8 từ phải sang.
Các bạn đã là những người bạn chân tình, chí nghĩa từ hành động dang tay giúp đỡ ấy. Mà sự giúp đỡ của người bạn Việt Nam không chỉ dừng ở việc sẵn sàng hy sinh xương máu người Việt nơi chiến tuyến thông qua việc cử quân đội sang giúp Campuchia đánh đuổi Pol Pot đâu; các bạn còn giúp chúng tôi những điều mà chỉ người thân thiết, chân tình mới dành cho nhau. Đó là các bạn cùng chúng tôi xây dựng nên một tương lai Campuchia bền vững. Nghèo như các bạn ở năm 1978 vẫn sẵn sàng chia người, chia nhu yếu phẩm dành cho quân đội, cho nhân dân chúng tôi. Rồi lại giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi xây dựng lực lượng vũ trang ở tất cả mọi lĩnh vực từ Lục quân, Hải quân, Không quân… để chúng tôi phát triển được lực lượng tại thời điểm đó.
Thật sự mà nói, thời điểm đó Campuchia chúng tôi thiếu thốn rất tất cả mọi thứ từ vũ khí, đạn dược cho đến lực lượng... Sự đóng góp của Việt Nam là rất to lớn. Sự đóng góp ấy được thể hiện từ việc rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh thân mình, hy sinh tuổi thanh xuân; sự đóng góp ấy đến từ rất nhiều những tướng lĩnh sĩ quan chuyên nghiệp, những chuyên gia tài năng của các bạn. Trong đó tướng Hoàng Thế Thiện là một cá nhân kiệt xuất.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Bí thư Đảng ủy chuyên gia toàn Campuchia phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ chuyên gia giúp bạn Campuchia lần thứ I.
Suốt quá trình làm việc, dù ở vị trí cao cấp của mình, nhưng tướng Hoàng Thế Thiện không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì của Việt Nam sang Campuchia. Chính ông đã chọn giải pháp chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam một cách hài hòa để chúng tôi áp dụng vào tình hình thực tế của đất nước mình. Chỉ có bạn bè thì mới chia sẻ cho nhau như vậy.
Phóng viên: Tướng Hoàng Thế Thiện đã có những người bạn đặc biệt nào ở Campuchia thưa bà?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Trong quá trình làm việc ở Campuchia, tướng Hoàng Thế Thiện đã chứng kiến sự trưởng thành của bộ máy lãnh đạo đất nước chúng tôi. Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen tại thời điểm ấy đã cùng với nhiều lãnh đạo của Bộ Chính trị làm việc trực tiếp với tướng Hoàng Thế Thiện. Chính trong quá trình làm việc chung, họ đã hiểu biết nhau một cách sâu sắc. Họ cùng chung một mối quan tâm lớn là cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, ổn định cuộc sống của người Campuchia, cùng chung tay vì một Campuchia phát triển ổn định lâu dài.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tôi phụ trách thời điểm đó là đảm bảo hậu cần vững chắc cho các lực lượng vũ trang nhân dân Campuchia. Và qua làm việc, tiếp xúc với tướng Hoàng Thế Thiện, tôi biết Ngài ấy rất nhớ nhà, nhớ Việt Nam. Cho nên mỗi khi có cơ hội, tôi vẫn cho nấu bún Khmer - món bún truyền thống trong gia đình người Campuchia để mời. Riết rồi Ngài ấy rất thích, và còn mê luôn cả móm mắm bò hốc của Campuchia nữa.
Bên cạnh mối quan hệ bằng hữu giữa tướng Thiện với lãnh đạo cao cấp của Campuchia, hai nước chúng ta còn có rất nhiều tình bạn đẹp. Ông Pha, một người thư ký tận tụy của tướng Thiện, cũng là người có quãng thời gian dài lâu làm việc với chúng tôi. Tôi thường làm việc với ông Pha và ông Vũ Mão. Đó là vài trong số những người bạn Việt Nam còn sống mà tôi hết sức trân trọng. Tôi còn biết một tình bạn nữa rất ấn tượng của ông Pha. Ông ấy thường xuyên làm việc với Quốc vụ khanh của chúng tôi Chap Sotharith. Họ là những người bạn rất tâm đầu ý hợp vì cả hai đều rất thích món mắm bò hốc và cá khô của Campuchia. Riêng tôi lại rất nhớ một món ăn Việt Nam truyền thống, món phở. Mà phải là phở gà. Với tôi đó đã là những gắn bó không thể nào quên.
Phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ trong cuộc phỏng vấn với Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia. Ảnh: Thanh Tùng
Phóng viên: Bà có thể nói cụ thể về những thành tựu trong quá trình làm việc tại Campuchia của tướng Hoàng Thế Thiện không thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Trong giai đoạn từ 1978 - 1982, tướng Hoàng Thế Thiện đã có nhiều hoạt động rất tích cực, có dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước Campuchia. Kể về những công lao của Ngài ấy thì cả một cuốn hồi ký cũng chưa chắc đã đủ.
Tôi nhớ rằng lúc ấy, lãnh đạo của chúng tôi là Ủy ban Thường vụ của Campuchia tương đương với Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, do Thủ tướng Hun Sen là người đứng đầu đã làm việc rất nhiều, không kể ngày đêm với tướng Hoàng Thế Thiện. Chỉ riêng nội dung liên quan đến việc tiếp nhận người dân quay trở về quê cũ sau khi bị chế độ Pol Pot di tản trong thời chiến tranh trước đó cũng đã khiến hai người phải ngồi với nhau không biết bao nhiêu lần.
Thời điểm ấy, đời sống nhân dân Campuchia rất khó khăn, nhu yếu phẩm cơ bản để duy trì sự sống thôi như lương thực, quần áo, thuốc men… cũng vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi đã cùng bàn bạc để đề ra biện pháp di tản họ đi đâu, bố trí họ ở chỗ nào, hỗ trợ họ trồng cây gì nhanh cho thu hoạch nhất, bắt đầu nuôi lại con gì nhanh cho thịt nhất… tất cả những điều này đều có dấu ấn của tướng Hoàng Thế Thiện. Tất cả những vấn đề hệ trọng ấy, lãnh đạo chúng tôi lúc đó đều đã nhận được sự đóng góp ý kiến của tướng Hoàng Thế Thiện.
Đặc biệt, cá nhân thủ tướng Hun Sen là người làm việc trực tiếp với tướng Hoàng Thế Thiện luôn cho biết rằng, Ngài ấy là người đã hiểu thấu đáo tình trạng khó khăn kinh khủng của Campuchia lúc đó, từ đó mà quyết định báo cáo với Chính phủ Việt Nam nhanh chóng chuyển lương thực, thuốc chữa bệnh từ Việt Nam sang hỗ trợ. Mặc dù chúng tôi biết, thời điểm đó Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, nhưng những gì người dân Campuchia cần, cách mạng Campuchia cần thì Việt Nam chưa bao giờ từ chối.
Riêng với bản thân tôi, giai đoạn 1978 - 1982 đã đánh dấu những sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của mình. Bối cảnh chung của đất nước lúc đó đang có nhiều biến đổi nhanh chóng. Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và quân đội tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Campuchia đang dần lớn mạnh và sẵn sàng gánh vác sứ mệnh chung, phối hợp cùng quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Cho nên yêu cầu xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang cách mạng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Lãnh đạo lúc bấy giờ đã điều chuyển tôi từ quân y sang phụ trách công tác tổ chức lực lượng vũ trang. Đây là nhiệm vụ mới mẻ và đầy thử thách với tôi. Nhưng phải nói, thời điểm đó chính nhờ những lần làm việc, xin ý kiến tướng Hoàng Thế Thiện, tôi đã tự tin hơn rất nhiều.
Tôi ấn tượng cách mà Ngài ấy lắng nghe mình trò chuyện. Rồi từ đó, tướng Thiện đã gợi ý cho tôi những giải pháp thực sự phù hợp với điều kiện của Campuchia lúc đó. Tôi nói rằng, mục tiêu tiên quyết của chúng tôi là làm thế nào để vừa đảm bảo được sự phát triển hậu phương những vùng đã được giải phóng đồng thời vẫn phải cung cấp đầy đủ lực lượng vũ trang vững mạnh để chiến đấu với kẻ thù, ngăn chặn không để Pol Pot có cơ hội vùng dậy. Tướng Hoàng Thế Thiện chỉ gợi ý thế này: Sao không tuyển ngay những chiến sĩ có trình độ ở chiến trường đưa về hậu phương để đào tạo nguồn?
Trong bối cảnh bộn bề lúc ấy, chính xác là chúng tôi vừa cần phải đảm bảo một phần quân số tham gia chiến đấu, lại vừa phải biết chọn lựa những "nhân tố" đủ năng lực và phẩm chất cử đi học cao hơn, chuẩn bị cho một tương lai lâu dài và bền vững cho đất nước Campuchia, như tướng Thiện đã tiên liệu.
Ảnh trái: Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (phải) và đồng chí Ngô Điền - Phó ban B.68 Trung ương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia. Ảnh phải: Tướng Hoàng Thế Thiện và các chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.
Phóng viên: Và Campuchia đã có những chuyển biến như thế nào sau những gợi ý, những tiên liệu đó thưa bà?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Người thư ký của tướng Hoàng Thế Thiện là đại tá Trịnh Vinh Pha đã kể cho tôi nghe câu chuyện về ngày đầu Ngài ấy về Phnom Penh sau khi Pol Pot bị đánh đuổi. Lúc đó, tướng Thiện đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng một em bé khóc nức nở vạch tìm bầu sữa trên thi thể người mẹ.
Tối hôm đó, ông Pha mới biết tướng Thiện bị ám ảnh vì những đứa trẻ Campuchia, còn quá nhỏ đã phải chịu cảnh trái ngang. Ngài ấy thực sự không đành lòng.
Mà đúng là Campuchia ở thời điểm đó, những trường hợp trẻ em mất cha mất mẹ vì chế độ diệt chủng Pol Pot rất nhiều. Và tôi tin rằng tướng Hoàng Thế Thiện không chỉ giúp một trường hợp ông gặp đầu tiên ấy. Những bao gạo cứu đói, những loại cây trồng ngắn ngày, những chuyên gia nông nghiệp… của Việt Nam đã được tướng Hoàng Thế Thiện, với uy tín của mình, đề xuất với lãnh đạo Việt Nam nhanh chóng gửi sang giúp Campuchia. Nhờ vậy, chỉ mấy tháng sau ngày đất nước chúng tôi được giải phóng, những cánh đồng chết đã phủ kín màu xanh của cây lúa; những phòng học xiêu vẹo bị tàn phá mới được dựng lại đã vang lên tiếng trẻ học bài; bệnh viện hoạt động trở lại; chợ búa bắt đầu có người mua kẻ bán.
Cùng với đó là nhờ Việt Nam, chúng tôi đã có ngân hàng, phát hành tiền mới; khôi phục giao thông, mở của được sân bay Pochentong, đường sắt nội địa và cảng Sihanoukville, cảng Phnom Penh…; khôi phục lại hoạt động của các nhà máy điện, xi măng, chế biến cao su, sản xuất nông nghiệp rồi cả ra biển đánh bắt thủy hải sản… Tất cả những lĩnh vực đó đều mang dấu ấn tầm vóc tư tưởng của tướng Hoàng Thế Thiện.
Và thực sự qua các phim ảnh, tài liệu mà chúng tôi đã công chiếu bạn có thể thấy được rất nhiều hình ảnh chúng tôi tái hiện lại về sự điêu tàn và sự thay da đổi thịt của Campuchia. Qua đây xin một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của tướng Hoàng Thế Thiện đối với những đứa trẻ sơ sinh, những đứa trẻ lớn lên khát sữa, thiếu gạo cũng như những người dân Campuchia chúng tôi trong thời điểm đó.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ chuyên gia giúp bạn Campuchia lần thứ I. Từ phải sang là các đồng chí: 1-Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Bí thư Đảng ủy chuyên gia toàn Campuchia, 2-Phạm Chung, 3-Nguyễn Văn Linh.
Phóng viên: Tướng Hoàng Thế Thiện mất đã 25 năm, và đây cũng là lần đầu tiên mà Chính phủ và Quốc vương Campuchia quyết định truy tặng Huân chương cao quý cho một người nước ngoài đã mất. Liệu quá trình hoàn thiện hồ sơ cho trường hợp đặc biệt như thế này có gì khó khăn gì không thưa bà?
Phó Thủ tướng Men Sam An: Trên thực tế thì không có gì phải gọi là khó khăn trong quá trình làm hồ sơ trình Thủ tướng và Quốc vương để truy tặng Huân chương này cả. Tôi nhớ rằng thời điểm mà Đại sứ quán Việt Nam gửi Công hàm về vấn đề này cho chúng tôi là tháng 5/2019. Ngay sau khi tiếp nhận thì các cơ quan hữu quan Campuchia đã tiến hành làm các thủ tục cần thiết. Tướng Thiện tuy đã mất 25 năm, nhưng hồ sơ đề nghị truy tặng cho ông chỉ cần 6 tháng là xong, bởi vì hồ sơ ấy luôn ở trong tim những người Campuchia đang sống!
Tất cả những viên chức Campuchia ngày hôm nay khi hoàn thiện hồ sơ của tướng Hoàng Thế Thiện, tự họ cũng thêm một lần nữa có cơ hội hiểu hơn những đóng góp của một người bạn Việt Nam trong buổi ban đầu đầy khó khăn của cách mạng Campuchia. Huân chương này truy tặng cho tướng Thiện ngoài việc khẳng định lại những công lao to lớn của Ngài ấy dành cho đất nước Campuchia, còn là cơ hội để người trẻ Campuchia nhìn vào mà hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Ngay trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước hàng năm, Samdech Techo thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Campuchia và Việt Nam cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa tầng lớp thanh niên của hai nước. Mối quan hệ này này cần qua lại, gần gũi lẫn nhau để hai bên từ phía Việt Nam đến Campuchia, từ phía Campuchia sang Việt Nam có thể thấu hiểu tâm tư tình cảm nhau hơn, sẵn sàng chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Để làm thế nào thế hệ trẻ sau này của hai nước nhìn thấy những tình bạn sắt son của thế hệ đi trước, của cha ông để lại mà trân trọng nhau. Được như vậy thì dù tướng Hoàng Thế Thiện không còn nữa, hay sau này chúng tôi không còn nữa, con cháu của chúng ta, những thế hệ tiếp theo sẽ vun đắp mối quan hệ bạn bè đoàn kết thân tình giữa hai đất nước bền chặt.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!