Navigos Group nhận định bức tranh thị trường Việt Nam năm 2022 có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động có xu hướng tăng, trong đó, lao động đang có những thay đổi về nhu cầu và kỳ vọng đối với công việc.
Thông tin trong báo cáo của Navigos dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 4,170 ứng viên tham gia khảo sát. Báo cáo của Navigos cũng đưa ra bảng lương chi tiết của của người lao động tại nhiều vị trí trong các ngành công nghệ thông tin & viễn thông tại Việt Nam.
Theo báo cáo, tiền lương được xác định dựa theo phòng ban, cấp bậc và nơi làm việc của người lao động. Mức lương của người lao động được chia ra theo mức tối thiểu và tối đa và được phân theo 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo này, có thể thấy, không có nhiều sự khác biệt về mức lương tối đa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với mức lương tối thiểu, các vị trí tại Hồ Chí Minh có xu hướng cao hơn tại Hà Nội.
Vị trí có mức lương cao nhất thuộc về Tổng giám đốc trong Ban Giám đốc, mức lương tối đa có thể nhận lên đến 20.000 USD/tháng.
Nguồn: Navigos (Đơn vị: USD/Tháng)
Một số vị trí khác có mức lương cao hầu hết đều là Trưởng phòng, Giám đốc/Trưởng bộ phận. Các vị trí quản lý có mức lương cao thuộc về phòng Phát triển phần mềm, Pháp lý, Phát triển sản phẩm.
Giám đốc/Trưởng bộ phận của phòng Phát triển sản phẩm có thể đạt mức lương 10.000 USD/tháng tại Hà Nội và 12.000 USD/tháng tại TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Navigos (Đơn vị: USD/Tháng)
Còn với phòng Pháp lý & Tuân thủ, vị trí Giám đốc/Trưởng bộ phận có thể có mức lương tối đa 6.500 USD/tháng tại cả 2 thành phố. Bên cạnh đó, vị trí Giám đốc/Trưởng bộ phận phòng Phát triển sản phẩm có thể đạt mức lương tối đa 5.000 USD/tháng tại Hà Nội và 6.000 USD/tháng tại TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Navigos (Đơn vị: USD/Tháng)
Báo cáo của Navigos nhận định, sau đại dịch Covid, thị trường lao động ngành Công nghệ thông tin (CNTT) đã có nhiều thay đổi và xuất hiện một số xu hướng nổi bật về mô hình làm việc, công nghệ và văn hóa doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh các công ty trong ngành CNTT cũng như phần lớn các ngành nghề khác đều chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, trong năm 2022, theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã trở nên linh hoạt hơn cùng nhiều mô hình làm việc phù hợp với kỳ vọng của người lao động cũng như đáp ứng được tốc độ phát triển của dự án hay cam kết với khách hàng.
Đi kèm với sự linh hoạt này là những trăn trở về việc đảm bảo hiệu suất lao động với các cơ chế quản lý từ xa hoặc giao việc thông qua các ứng dụng quản lý công nghệ. Một số công ty đề xuất mô hình làm việc linh hoạt với các nhân sự đã có ít nhất một năm làm việc tại văn phòng, thay vì áp dụng cơ chế này cho nhân viên mới.
Trong năm 2022, thị trường CNTT nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh ở các công nghệ mới như AI và Data. Các doanh nghiệp với dữ liệu khách hàng lớn như ngân hàng, viễn thông và bán lẻ tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do nguồn cung nhân lực trong nước còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút nhân sự người Việt có kinh nghiệm AI và Data ở nước ngoài về tham gia thị trường lao động với mức thù lao cạnh tranh.
Bên cạnh đó, số lượng tuyển dụng các vị trí Fullstack với thế mạnh về Back-end hoặc Front-end cũng tăng lên đáng kể. Khi yêu cầu tuyển dụng tăng lên đồng nghĩa với sự cạnh tranh để thu hút nhân sự tốt cũng tăng lên và các công ty được kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách linh hoạt để thu hút nhân tài.
Trước giai đoạn Covid-19, các yếu tố giữ chân người lao động nhất là văn hóa doanh nghiệp vốn chưa được các công ty CNTT đề cao tầm quan trọng. Tuy nhiên, trong năm 2022, đây được xem là điểm sáng trong sự hồi phục của thị trường lao động nói chung cũng như các công ty CNTT nói riêng.