Vị trí duy nhất trong nội đô lịch sử Hà Nội được phép xây tháp chọc trời 50 tầng

Theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, đa phần các vị trí chỉ được phép xây dựng không quá 39 tầng, có 2 khu vực được xây tối đa tới 45 tầng và 50 tầng.

TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định về việc Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.

Theo đó, khu vực này được kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch kiến trúc, lần đầu tiên các chỉ tiêu liên quan đến không gian đô thị, quy định về chiều cao chi tiết tại các khu vực được ban hành.

Theo Quy chế này, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được xác định có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Khu vực nội đô lịch sử có phía Đông Bắc giáp các đường Nguyễn Khoái, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ (đường đê sông Hồng đoạn từ nút giao cầu Vĩnh Tuy đến nút giao cầu Nhật Tân);

Phía Nam giáp với các đường: Trường Chinh, Đại La, Minh Khai; phía Tây và Tây Nam giáp các đường: Láng, Bưởi, Đường vành đai 2 (đoạn Hoàng Quốc Việt đến nút giao cầu Nhật Tân).

Vị trí duy nhất trong nội đô lịch sử Hà Nội được phép xây tháp chọc trời 50 tầng - Ảnh 1.

Trong đó, điểm đáng lưu ý của Quy chế này đó là việc xác định chiều cao các công trình cao tầng ở các vị trí, khu vực khá chi tiết.

Quy chế này xác định chiều cao công trình tối đa dựa vào vị trí các trục đường hướng tâm và tuyến phố chính, tuyến vành đai, các khu vực điểm nhấn, khu vực tái thiết đô thị:

-Tuyến hướng tâm: Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao, Láng Hạ, Giảng Võ, Giải Phóng, Lê Duẩn, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng.

-Tuyến phố chính gồm một số phố như Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Hào Nam, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Kim Ngưu, Chùa Bộc, Lò Đúc, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đội Cấn.

-Vành đai gồm vành đai 1 từ La Thành đến Trần Khát Chân (đoạn Ô Đông Mác); Vành đai 2 từ nút giao cầu Nhật Tân –Bưởi –Láng-Trường Chinh-Minh Khai và đường ven sông Hồng (An Dương Vương đến Nguyễn Khoái).

Quy chế cho thấy, hầu hết các tuyến phố này được phép xây dựng các tòa cao ốc dao động từ 13 tầng đến 27 tầng. Một số điểm hạn chế chiều cao như đầu đường Lê Duẩn tối đa 9 tầng, phố Hào Nam, Thái Hà, Chùa Bộc tối đa 13 tầng.

Một số điểm nhấn được phép xây dựng cao tối đa tới 39 tầng (tương đương 140m) gồm phía Tây đường Nguyễn Khoái (đoạn từ nút giao đường Minh Khai tới nút giao đường Vĩnh Tuy); Và một số vị trí nút giao của đường vành đai 2 –Hoàng Hoa Thám-Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy-La Thành-Bưởi-Láng, Nguyễn Chí Thanh-Láng, Tây Sơn-Láng Trường Chinh-Đại La

Đặc biệt, khu nội đô lịch sử chỉ có duy nhất 2 vị trí được xây dựng quá 39 tầng, đó là Khu vực triển lãm Giảng Võ cao tối đa 50 tầng (tương đương 180m) và Khu vực ô đất 29 Liễu Giai cao tối đa 45 tầng (tương đương 162m).

Các trường hợp khác với quy định này, ngoài vị trí và vượt quá quy mô cho phép sẽ do UBND Tp Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

UBND Tp. Hà Nội quy định, khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình: 1. Khu Trung tâm chính trị Ba Đình; 2. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; 3. Khu phố cổ; 4. Khu phố cũ; 5. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận; 6. Khu vực Hồ Tây và phụ cận; 7. Khu vực hạn chế phát triển.

Khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng trong khu vực này phải đáp ứng các quy định về kiểm soát chức năng xây dựng công trình, kiểm soát dân số, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị trên cơ sở các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị khu vực do cấp có thẩm quyền ban hành, các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định trong các văn bản quản lý khác có liên quan.

Khu đất xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo có kích thước, diện tích đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; khả năng tiếp cận về giao thông và đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Các khu vực thực hiện dự án phải có nghiên cứu về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của đoạn tuyến phố đảm bảo việc khớp nối với khu vực làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định…

Quy chế cũng quy định rõ chức năng, trách nhiệm của các sở, ngành của TP trong việc quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 14/4/2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại