NHỮNG CHIẾC XE ĐẦU TIÊN
Kể từ khi chiếc "ô tô" 3 bánh đầu tiên do Benz Patent Motor Car sáng chế vào năm 1885 tới nay, nền công nghiệp ô tô đã "xướng" qua nhiều nốt trầm bổng trong suốt 136 năm phát triển của mình.
Nền công nghiệp ấy bắt đầu với mẫu xe hai chỗ ngồi trang bị động cơ xăng xy-lanh đơn bốn thì với 0,75 mã lực, kinh qua giai đoạn thế chiến với việc chuyển đổi sản xuất sang vũ khí và khí tài quân sự, đi tới phát triển những mẫu siêu xe, xe sang nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của con người.
Tới nay, ngành công nghiệp ô tô đang tiếp tục chuyển mình với sự phát triển của những dòng ô tô thân thiện với môi trường, đó là những chiếc xe lai điện, rồi thuần điện, và cả những chiếc sử dụng năng lượng Hydro, tiêu biểu là chiếc Toyota Mirai.
Toyota Mirai là một trong những chiếc xe hiếm hoi sử dụng năng lượng Hydro
Nói như vậy để thấy rằng tới ngày nay, nền công nghiệp ô tô đã thay đổi rất nhiều và phát triển rất mạnh so với thời kỳ ban đầu. Công nghệ áp dụng trên những chiếc xe ngày sau luôn "phủ định" cái đã có trước đó, và luôn trở nên tốt hơn.
Chiếc xe ngày nay đã phức tạp hơn xưa rất nhiều. Số chi tiết trung bình trên một chiếc xe bình thường ước tính là khoảng 30.000 chi tiết.
Tuy nhiên, nếu chỉ muốn nói tới "bộ xương" cấu thành nên một chiếc ô tô, có lẽ chúng ta sẽ nói tới 3 bộ phận: Khung gầm, Động cơ và Thân vỏ.
Khung gầm theo dạng Body-on-frame hay còn gọi là sát-xi rời của Toyota 4Runner. Ảnh: Justrolledintotheshop / Reddit
Giải thích một cách đơn giản, khung gầm có thể ví như bộ xương chịu lực chính cho toàn thân xe; động cơ là nơi sinh công, giúp chiếc xe có thể di chuyển; phần thân vỏ không chỉ là "thể diện", nó còn bảo vệ hành khách và cũng đóng góp vào mức độ thoải mái khi sử dụng.
Hai thế hệ của Porsche 911. Ảnh: Car and Driver
Với bất kỳ ngành công nghiệp nào, đơn vị sản xuất nào, sản phẩm sau phải luôn là phiên bản tốt hơn. Các "bô lão" trong ngành công nghiệp ô tô cũng tương tự.
Quay lại chiếc xe đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô, chiếc "vehicle powered by a gas engine" (tạm dịch "xe động cơ xăng"). Khi này, cả thế giới vẫn sử dụng chủ yếu xe ngựa kéo hoặc xe lửa động cơ hơi nước cho quãng đường di chuyển xa, việc phát triển một chiếc xe sử dụng động cơ khiến nhiều người lo ngại về độ bền của chiếc xe.
Cận cảnh chiếc "xe hơi" đầu tiên trên thế giới chạy bằng động cơ xăng. Ảnh: Autap5
Sau đó, gia đình Benz đã cải tiến chiếc xe và sử dụng cho một chuyến đi dài tới 180km. Khi này, thế giới mới tin tưởng sử dụng. Cứ như vậy theo thời gian, Mercedes phát triển và làm chủ công nghệ, chế tạo ra những mẫu xe với khung gầm vững chắc và an toàn, động cơ phức tạp nhưng mạnh hơn và đáng tin cậy hơn, hệ truyền động êm ái và mượt mà, thân vỏ cứng chắc và an toàn.
Tới nay, chúng ta đang có những chiếc Mercedes-Maybach sang trọng, hay sắp tới là những mẫu xe điện mà sắp tới có thể Mercedes sẽ phân phối tại Việt Nam.
Mercedes 6/25/40 là một trong những mẫu xe đầu tiên áp dụng hệ thống siêu nạp Supercharger. Ảnh: Mercedes
Nhưng đó là câu chuyện của Mercedes khi họ phát triển từ thuở ban đầu, họ có thừa thời gian để theo kịp và tự chủ công nghệ. Họ thậm chí còn đi đầu trong nhiều cải tiến, ví dụ như hệ thống siêu nạp (còn gọi là supercharger) từ năm 1921, hệ thống treo 4 bánh độc lập năm 1931, chìa khóa thông minh năm 1998…
NHỮNG CHIẾC XE ĐẾN SAU
"Xe đến sau" thế hệ đầu tiên kể trên, trên thế giới nhiều vô kể - không cần bàn thêm.
Riêng tại Việt Nam, trước VinFast, đã xuất hiện một doanh nghiệp xe Việt đầy hoài bão cho không chỉ bản thân mà cho cả ngành xe, cho thương hiệu "Made in Vietnam", đó là Vinaxuki hay còn được gọi là Xuân Kiên. Người chủ của doanh nghiệp là ông Bùi Ngọc Huyên – một kỹ sư ô tô tài ba, người mà từ hồi còn trẻ đã luôn đau đáu một giấc mơ chế tạo một chiếc xe ô tô cho người Việt Nam.
50 tuổi, đang giữ chức vụ Vụ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải, ông nộp đơn xin nghỉ và thành lập Vinaxuki. Ông luôn giữ quan điểm cố gắng hết sức có thể để đạt tối đa tỉ lệ nội địa hóa, ấy tức là tự sản xuất nhiều nhất có thể các thành phần của xe.
Chân dung ông Bùi Ngọc Huyên – chủ tịch của Vinaxuki
Quan điểm của ông đã đúng với những chiếc xe tải mang dòng chữ Vinaxuki. Người ta thường nói: xe tải giá 100 triệu thì xe của Vinaxuki chỉ có 80 triệu. Vì thế, xe của ông bán đắt như tôm tươi.
Cụ thể, trong khi dòng xe ba cầu đang chiếm số lượng lớn, ông cho sản xuất dòng xe tải nặng 4 cầu với tỷ lệ nội địa hóa 27%, giá bán khoảng 900 triệu, lời khoảng 100 triệu mỗi chiếc. Những chiếc xe nhập khẩu tương tự có giá lên tới 1,3 tới 1,4 tỷ đồng.
Tên tuổi của Vinaxuki nổi như mây trời. Hyundai Hàn Quốc một thời còn sẵn sàng bỏ 1400 tỷ đồng để mua 49% cổ phần của Vinaxuki, nhưng chính sách và luật khi ấy chưa hoàn thiện. Thương vụ đành bỏ ngỏ.
Thành công với những chiếc xe tải, kỹ sư Huyên bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình vào khoảng năm 2010: Sản xuất một chiếc xe con giá rẻ và bền cho người dân Việt Nam.
Ông Bùi Ngọc Huyên bên cạnh mô hình mẫu xe con của Vinaxuki. Ảnh: VietDaily
Với tài năng và tâm đức của mình, ông đi tới các nhà máy của các hãng lớn trên thế giới để học hỏi, trong đó có Volkswagen của Đức. Để tránh phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, ông cử cán bộ, kỹ sư sang các nước học, mời chuyên gia nước ngoài về nước để truyền dạy kinh nghiệm. Tất cả vì một mục tiêu: một chiếc xe chất lượng và "thuần Việt".
Tuy nhiên, các bước đi trên là từ góc nhìn một người kỹ sư. Dường như ông đã quên nhìn vào thực tế của nền kinh tế khi đó.
Trong quan điểm của ông, phần thân vỏ là quan trọng nhất. Dẫn câu trả lời trên báo chí của ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng của Bộ Công Thương thời đó: Vinaxuki đã chế tạo tới 4000 tấn khuôn mẫu, chỉ để phục vụ sản xuất một chiếc xe ô tô 4, 5 chỗ giá rẻ.
Chiếc xe con đầy tự hào của vị chủ tịch Vinaxuki đang ngồi trong
Một điều đáng mừng là phiên bản chưa hoàn thiện chiếc xe con của Vinaxuki đã từng xuất hiện tại Triển lãm Giảng Võ vào năm 2014, sau nhiều năm phát triển mẫu xe này, với tỉ lệ nội địa hóa được công bố lên tới 58%. Mức giá cũng rất dễ chịu với phiên bản cao nhất là 346 triệu đồng.
Thực tế, từ năm 2010 khi Vinaxuki bắt đầu làm, nền kinh tế đã manh nha dấu hiệu suy thoái, và khi vẫn còn nhiều hạng mục dang dở với chiếc xe đầy tâm huyết, khủng hoảng kinh tế thực sự ập tới Việt Nam. Ngân hàng không cho Vinaxuki vay để sản xuất nữa.
Xe tải lúc đó vẫn có nhiều đơn hàng và bán vẫn có lãi, nhưng vì không có vốn sản xuất, Vinaxuki của người kỹ sư này không thể sản xuất, phải bán bớt máy móc, cầm cố tài sản và cứ như thế trầm dần.
Năm 2015, đau đớn, Vinaxuki giải thể.
Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hóa
Vinaxuki thường được lấy ra để làm bài học cho các doanh nghiệp sau này. Có thể thấy rằng vào thời điểm không đúng, Vinaxuki lại đầu tư quá nhiều. Tổng hòa những yếu tố này đã quật ngã tài năng và tâm đức của kỹ sư tài năng Bùi Ngọc Huyên.
Ông Phạm Anh Tuấn, nay là Phó Cục trưởng tại Bộ Công Thương, trả lời báo chí năm 2016 rằng : "Ngày xưa Vinaxuki làm xe tải ở nhà máy Thanh Hoá rất tốt nhưng ông Huyên không tỉnh táo".
Sau Vinaxuki, còn có Trường Hải. Nhưng cách làm của Trường Hải hoàn toàn khác và được đánh giá là tầm nhìn hợp thời đại hơn. Cách họ làm là lấy xe tải và xe khách làm điểm tựa kinh tế, thay vì sản xuất toàn bộ một chiếc xe như cách của Vinaxuki thì Trường Hải chỉ cố gắng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Ông Phạm Anh Tuấn còn cho rằng nếu Vinaxuki kiên trì với hướng lắp ráp xe tải thì lúc đó đã có hàng nghìn tỷ đồng.
LỐI ĐI CỦA VINFAST
Hai năm sau thời điểm "tan vỡ" của Vinaxuki, tháng 6 năm 2017 VinFast được thành lập.
Tham vọng của VinFast không dừng lại tại Việt Nam. Sản phẩm của họ phải đạt tiêu chuẩn toàn cầu, có chất lượng cao. Để làm được những gì mà ngày nay chúng ta gọi là "kỳ tích", VinFast đã chọn cho mình một lối đi riêng đặc biệt.
Thay vì phát triển một chiếc xe từ những thứ đơn sơ nhất và đuổi theo nền công nghiệp đã phát triển gần 150 năm, VinFast "lựa chọn" cho mình "bộ khung xương" và "da thịt" từ các tên tuổi nổi tiếng thế giới: BMW, Magna Steyr, Pininfarina, ZF, Bosch...
Cụ thể hơn một chút, chúng ta hãy cùng nhìn về 3 bộ phận quan trọng nhất cấu thành nên một chiếc ô tô như đã nhắc ở trên: Khung gầm, Động cơ và Thân vỏ.
Khung gầm cả hai chiếc VinFast Lux A 2.0 và VinFast Lux SA 2.0 đều tới từ thương hiệu xe sang BMW, lần lượt là từ loại F10 của BMW 5 Series và loại F15 trên chiếc BMW X5. Động cơ trên cả 2 chiếc đều có nền tảng cơ bản từ động cơ danh tiếng N20 của BMW với giải thưởng động cơ tốt nhất, nhưng tất nhiên đều đã được tinh chỉnh lại phù hợp với điều kiện và nhu cầu sử dụng thực tế của người Việt. Thân vỏ do chính VinFast tự sản xuất dưới giám sát của công nghệ Schuler – Đức.
Buổi lễ bàn giao những chiếc xe VinFast đầu tiên tới khách hàng. Ảnh: VinFast
Kết quả là trong hai năm kể từ ngày thành lập, VinFast đã có những chiếc xe đầu tiên giao tới tay khách hàng. Tại buổi lễ, khách hàng được tham gia trực tiếp vào các khâu kiểm tra xe, được tự tay lắp lên chiếc xe của mình logo của VinFast.
Giây phút chiếc logo được đặt vào vị trí từ chủ nhân của mình cho thấy đường hướng "đi tắt đón đầu" của VinFast đã đúng.
Với cách làm này, VinFast không chỉ rút ngắn được thời gian, nó còn giúp cắt gọn được chi phí đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác với các thương hiệu toàn cầu lớn còn giúp nâng chất lượng tổng thể của sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới.
Đoàn xe VinFast trong hành trình chinh phục Hà Giang
CÂU HỎI QUAN TRỌNG
Câu hỏi đó được một số độc giả của chúng tôi đưa ra (khi đọc chùm bài xe "made in Vietnam" - Từ 0 đến Mỹ) là: Với nhiều thành phần "ngoại quốc" trên xe, VinFast thực chất đang lắp ráp hay sản xuất xe?
Trước tiên, VinFast đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất xe, ký kết hợp đồng với Pininfarina và hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển xe.
Luật sở hữu trí tuệ quốc tế khẳng định rằng các sản phẩm do một công ty sáng tạo ra, tự thiết kế và không giống với các sản phẩm đã có, nếu trùng hoặc giống thì phải được chủ sở hữu đồng ý, nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm. Đạt các yêu cầu này thì sản phẩm sẽ được công nhận là sáng kiến của công ty đó.
Như vậy, về mặt luật pháp thì sản phẩm VinFast hoàn toàn hợp lệ khi sản xuất, không xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ công ty hay cá nhân nào.
Thân máy tại xưởng sản xuất động cơ VinFast
Tiếp theo, VinFast có trực tiếp sản xuất chiếc xe. Với khối động cơ, VinFast hiện đang sản xuất 3 cấu kiện chính, đó là đầu, thân và trục khuỷu. Ngoài ra, VinFast cũng có khả năng gia công xy-lanh, thân máy và lắp ráp động cơ.
VinFast hiện có khoảng 1200 rô-bốt của ABB – Thụy Sỹ - tham gia sản xuất thân vỏ. Giống như vậy, khung gầm của chiếc xe VinFast cũng được sản xuất tại nhà máy của VinFast.
Bảng phân tích của Altera Solutions
Bên cạnh đó, theo phân tích của hãng tư vấn độc lập Altera Solutions, năng lực tự làm của VinFast cũng không hề kém cạnh các nhà sản xuất khác trên thế giới, thậm chí còn vượt một số cái tên quen thuộc trên thế giới.
Trên thực tế, VinFast không phải đơn vị sản xuất duy nhất đi theo con đường này. Trước VinFast, Hyundai cũng đã từng làm như vậy.
Hyundai của Hàn Quốc ngày nay đã nổi tiếng trên thế giới với nhiều sản phẩm được người dùng ghi nhận. Đó là Hyundai Accent, Hyundai Elantra, Hyundai Palisade… Trước khi được như vậy, Hyundai cũng đã sản xuất chiếc xe đầu tiên dựa rất nhiều vào các hãng nước ngoài.
Hyundai Tucson là "ông vua doanh số" của hãng xe Hàn Quốc tại Mỹ năm 2020. Ảnh: Car and Driver
Trước khi tự sản xuất chiếc xe mang thương hiệu Hyundai, hãng xe này đã có những hợp đồng sản xuất xe cho Ford với mẫu đầu tiên là Ford Cortina năm 1967. Phải gần một thập kỷ sau, chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Hyundai mới xuất hiện.
Đó là mẫu Hyundai Pony xuất hiện vào năm 1976, và cũng là mẫu xe đầu tiên được sản xuất đại trà của Hàn Quốc.
Chiếc Hyundai Pony này sử dụng thiết kế thân xe khung liền (còn gọi là sát-xi liền, hay unibody) giống với chiếc Morris Marina mà đội ngũ sản xuất của Hyundai mua về để nghiên cứu dưới sự điều phối của George Turnbull, cựu kỹ sư ô tô của British Leyland. Hệ thống treo của chiếc Hyundai Pony này cũng rất giống với chiếc Ford Cortina mà Hyundai từng sản xuất: Hệ thống treo trước dạng McPherson, phía sau sử dụng nhíp.
Phần giới thiệu ngắn về chiếc Hyundai Pony, "297.903 chiếc đã được sản xuất trong giai đoạn từ 1975 đến 1982"
Bên cạnh đó, chiếc Hyundai Pony mang trên mình khối động cơ Mitsubishi 1.2L hoặc 1.4L. Một điều thú vị là Hyundai cũng đã tìm tới Italdesign – nhà thiết kế xe nổi tiếng tại Ý – để có bản thiết kế chiếc xe.
Một số ý kiến cho rằng Hyundai lựa chọn sử dụng thiết kế của nhà thiết kế nổi tiếng để đưa tên tuổi chiếc xe lên tầm cao hơn.
TẠM KẾT
Như vậy, có thể thấy rằng việc sản xuất một chiếc ô tô ngày nay không nhất thiết cứ phải đi lên từ đầu, đuổi theo ngành công nghiệp đã có nhiều năm phát triển với nhiều tiến bộ vượt bậc. VinFast không phải đơn vị duy nhất lựa chọn cách làm này - và hẳn nhiên xe VinFast là ô tô 'made in Vietnam' thực thụ.
Cái mà chúng ta đã thấy hiện nay đó là sự thành công của những chiếc xe VinFast Fadil, VinFast Lux A 2.0 và VinFast Lux SA 2.0: cả về thị trường lẫn cảm tình của người sử dụng.
VinFast đã đúng với hướng đi hợp lý với bối cảnh chung trên toàn thế giới; đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp VinFast thành công và lớn mạnh như hiện nay.
VinFast VF e36 – SUV 7 chỗ hãng E sẽ "xuất ngoại". Ảnh: VinFast
Khép lại vấn đề về con đường VinFast đã lựa chọn, thách thức mà VinFast sắp đương đầu mang tên xe điện. VinFast đã thành công bước đầu với chiếc VinFast VF e34 khi có 4000 đơn đặt hàng trong 12 giờ tại Việt Nam. Thử thách còn chờ phía trước - những thử thách rất lớn!
Chúng ta hãy kỳ vọng và cùng chờ xem!