Vì sao Vạn Thịnh Phát, Thaco Trường Hải, Trần Anh Group... bỗng ồ ạt đổ tiền vào bất động sản Long An?

Lan Nhi |

Với lợi thế nằm kế cận TP.HCM, sự hình thành Khu đô thị cảng quốc tế Long An và giao thông kết nối liên vùng được quan tâm đầu tư. Tỉnh Long An đang trở thành điểm ngắm mới của các các “đại gia” bất động sản như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Thaco Trường Hải...

Thời gian qua, thị trường bất động sản ở Long An đang trở thành điểm ngắm mới của các “đại gia” bất động sản.

Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia gốc Hoa Trương Mỹ Lan với tổng số 36 dự án với diện tích 2.086ha.

Trong đó có 13 dự án, diện tích 718ha đã ký hợp đồng kê biên, đang kiểm đếm đất và tài sản trên đất; 23 dự án, diện tích 1.367 ha đã tiếp nhận hồ sơ đất đai, giao nhận mốc ranh giải phóng mặt bằng và lập phương án tổng thể bồi thường.

Theo sau Vạn Thịnh Phát, tại Long An Trần Anh Group được đánh giá là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu và năng động với hàng loạt các dự án như Khu dân cư Mỹ Hạnh Hoàng Gia, Mỹ An, Mỹ Khang, Mỹ Thịnh, Mỹ Vượng, Bao Ngoc Residence, khu đô thị Bella Vista, khu nhà ở chuyên gia Vista Land, khu nhà ở kết hợp viện dưỡng lão Solar City, Tran Anh Riverside...

Tại thành phố Tân An, hàng loạt dự án lớn khác cũng đang được các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng.

Có thể kể đến như Tập đoàn Vingroup đang đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thương mại Vincom Center Tân An, bao gồm hai phân khu chức năng là trung tâm thương mại 3 tầng và một dãy phố thương mại cho thuê 3 tầng. Tổng kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 400 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn ô tô Trường Hải cũng đang đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ tại khu đô thị Trung tâm Hành chính, thành phố Tân An với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, quy mô 3 tầng, mật độ xây dựng 46,02% tại khu đất có diện tích hơn 20.000m2 đất.

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã chấp thuận việc Công ty CP Bến xe Long An không tiếp tục thuê diện tích đất khoảng 5.845m2 tại vị trí bến xe hiện hữu tại, di dời đến một vị trí khác để hoạt động. Thay vào đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sẽ thuê lại khu vực này để đầu tư xây dựng dự án trung tâm thương mại – dịch vụ.

Ngoài ra, cũng tại Long An Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cũng dự định sẽ thuê lại khu vực Bến xe Long An với diện tích khoảng 5.845m2 để đầu tư xây dựng dự án trung tâm thương mại – dịch vụ. Công ty TNHH MTV Hoàn Cầu Long An cũng vừa được chấp thuận chủ trương và địa điểm đầu tư dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Hoàn Cầu Long An.

Đánh giá về nguyên nhân Long An bỗng trở thành vùng đất lý tưởng cho các nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, hạ tầng giao thông và đô thị phát triển mạnh mẽ đang là động lực để thị trường bất động sản tăng trưởng bền vững trong tương lai gần".

 Vì sao Vạn Thịnh Phát, Thaco Trường Hải, Trần Anh Group... bỗng ồ ạt đổ tiền vào bất động sản Long An?  - Ảnh 1.

Các trục đường kết nối Long An - Sài Gòn đang dần hình thành.

Cụ thể, năm 2010, Cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng có vai trò rút ngắn khoảng cách và kết nối thông suốt TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL và cũng là tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực phía Nam và cũng là tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông lớn nhất cả nước.

Tiếp đó, đến năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai đã chính thức được khởi công.

Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TPHCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe nối thông với KCN Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12 – Tân Bình – Phú Nhuận – Quận 1 – Quận 4 – Quận 7 – Khu đô thị Cảng Hiệp Phước.

Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối thông quận 7 và Cần Giuộc – Long An, nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.

Chưa hết, hiện nay đường Vành Đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km cũng đang được triển khai.

Mặt cắt ngang đường giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5m; trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt nút giao tại nút giao Quốc lộ 1A. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 6.707 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, tuyến Bến Lức – Hiệp Phước sẽ giảm tải giao thông nội đô TP.HCM, kết nối liên hoàn toàn khu vực miền Nam và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa đi cảng Hiệp Phước, lưu thông ra Quốc tế qua đường biển.

Đặc biệt, trục Bến Lức – Hiệp Phước sẽ tạo ra một khu vực phát triển bất động sản năng động dọc theo trục tỉnh lộ 830, khu vực ngay gần giáp với cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Có thể nói, sự “thay da đổi thịt” của hạ tầng giao thông cùng nhiều tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1, cao tốc bến Lức Long Thành, tuyến Bến Lức – Hiệp Phước đã làm hàng loạt dự án quanh các tuyến đường huyết mạch thuộc khu Nam Sài Gòn đang ngày một nóng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại