Vì sao Văn Hậu phải trải qua cuộc hội chẩn chấn thương chưa từng có tiền lệ?

Hiếu Lương |

Đoàn Văn Hậu là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được hội chẩn chấn thương ngay tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với sự góp mặt của nhiều bác sĩ, chuyên gia.

Chấn thương của Văn Hậu phức tạp hơn dự kiến

Tháng 9/2020, Đoàn Văn Hậu được xác định bị rách sụn chêm ngoài đầu gối phải. Thời điểm ấy anh tập luyện ở Hà Nội FC sau khi trở về từ SC Heerenveen. Chấn thương này được xem là hệ quả dồn tụ của những vết đau khiến Văn Hậu phải nghỉ thi đấu vào tháng 9/2019 và tháng 3/2020.

Do rách sụn chêm ngoài, Văn Hậu ban đầu được sử dụng phương pháp điều trị bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, anh chính thức lên bàn mổ. Văn Hậu vào TP.HCM làm phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm. Đến tháng 1/2021, Văn Hậu lên Trung tâm PVF để tập hồi phục.

Sau 2 tháng tập, Văn Hậu được kiểm tra lại chấn thương và đối mặt với việc có thể phải làm một phẫu thuật khác nhằm chữa trị dứt điểm, có thể là cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc hội chẩn 5 bên vào chiều 5/3 với chấn thương của Đoàn Văn Hậu.

Vì sao Văn Hậu phải trải qua cuộc hội chẩn chấn thương chưa từng có tiền lệ? - Ảnh 1.

Bác sĩ Choi Ju-young (trái) cùng các bác sĩ, chuyên gia kiểm tra chấn thương của Văn Hậu tại VFF chiều 5/3 (Ảnh: Hà Nội FC)

Cuộc hội chẩn có lãnh đạo VFF, lãnh đạo Hà Nội FC và đại diện 5 bên có chuyên môn y học thể thao.

5 bên gồm đại diện ban Y học VFF (1), phòng Khoa học và Y học thể thao Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (2), các bác sĩ đội tuyển Việt Nam (3), bộ phận Y tế Trung tâm PVF (4) và nhóm chuyên gia, bác sĩ về y học thể thao, cơ xương khớp và chấn thương chỉnh hỉnh của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức (5).

Đầu tiên, các bên nghe cán bộ y tế Hà Nội và chuyên gia vật lý trị liệu Trung tâm PVF trình bày tình trạng hiện tại và tiến độ hồi phục của Văn Hậu.

Tiếp đến, tất cả được xem kết quả chụp cộng hưởng từ MRI mới nhất của Văn Hậu để khám lâm sàng và đánh giá mức độ chấn thương.

Sau khi đưa ra các ý kiến, cả 5 bên đều thống nhất Văn Hậu không cần làm thêm phẫu thuật. Hậu vệ sinh năm 1999 tiếp tục tập hồi phục, làm theo phác đồ điều trị đang thực hiện tại Trung tâm PVF. Trong thời gian này, Văn Hậu sẽ được làm các bài kiểm tra chỉ số cơ lực, biên độ vận động,… để các bác sĩ, chuyên gia theo dõi tốc độ hồi phục.

Cuộc hội chẩn với số lượng các bên tham gia được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Điều ấy chỉ ra chấn thương ở đầu gối phải của Văn Hậu dường như phức tạp hơn dự kiến. Sự vào cuộc của nhiều chuyên gia, bác sĩ như một cách để xác định chính xác hướng hồi phục cho Văn Hậu, tránh rủi ro sau này.

Theo VFF và Hà Nội FC, Văn Hậu đang ở giữa giai đoạn tập hồi phục. Giai đoạn cuối theo phác đồ điều trị rơi vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay. Đến thời điểm ấy, một cuộc hội chẩn nữa sẽ được tổ chức để kiểm tra, đánh giá kết quả và có hướng đi tiếp theo để Văn Hậu hồi phục hoàn toàn.

Hiện tại, Văn Hậu chưa thể vận động mạnh, tập với bóng. Trung bình một cầu thủ cần từ 4-6 tháng để hồi phục hoàn toàn chấn thương sụn chêm sau phẫu thuật, chưa kể thời gian lấy lại cảm giác với trái bóng. Việc Văn Hậu trở lại thi đấu là trước tháng 6/2021 được đánh giá rất khó xảy ra.

Vì sao Văn Hậu phải trải qua cuộc hội chẩn chấn thương chưa từng có tiền lệ? - Ảnh 2.

Văn Hậu khả năng cao lỡ giai đoạn 1 V.League 2021 và vòng loại thứ hai World Cup 2022 (Ảnh: Hà Nội FC)

Sự nghiệp của Văn Hậu chững lại sau chuyến xuất ngoại

Văn Hậu được khẳng định là tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam. Ở tuổi 22, anh đã có đầy đủ các danh hiệu tập thể mà một cầu thủ Việt Nam có thể nghĩ tới. Tuy nhiên, hành trình phát triển đang chững lại.

Tính riêng ở cấp CLB, Văn Hậu mới có 135 phút thi đấu chính thức bao gồm 1 phút cho SC Heerenveen ở Cúp quốc gia Hà Lan và 134 phút cho Hà Nội FC ở V.League 2021.

Cuộc xuất ngoại của Văn Hậu đem lại không ít khó khăn. Anh được thi đấu quá ít, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến lần đầu tiên ra nước ngoài không đạt được giá trị như mong đợi. Đến khi trở lại Hà Nội, chấn thương lại khiến Văn Hậu mất một khoảng thời gian.

Kể từ sau SEA Games 2019, Văn Hậu không có quãng thời gian thi đấu đúng nghĩa để lấy lại cảm giác. Chấn thương ập tới khiến sự trở lại sắp tới cũng được dự báo nhiều khó khăn.

Chấn thương cũng được xem như hệ quả của việc Văn Hậu phải cày ải liên tục cho các cấp đội tuyển quốc gia lẫn Hà Nội FC trong giai đoạn 2017 – 2019. Dù sở hữu yếu tố thể chất đặc biệt hơn người, cơ thể Văn Hậu vẫn không thể duy trì được sự ổn định.

Vì sao Văn Hậu phải trải qua cuộc hội chẩn chấn thương chưa từng có tiền lệ? - Ảnh 3.

Không có Văn Hậu, tuyển Việt Nam đối mặt với thách thức trong việc tìm người ngăn cản những cầu thủ tấn công mạnh mẽ, kỹ thuật như Sumareh (phải) của Malaysia hay Ali Mabkhout (UAE) (Ảnh: Tiến Tuấn)

Cuộc hội chẩn chấn thương vào chiều 5/3 cũng là một cách để HLV Park Hang-seo, HLV Chu Đình Nghiêm xác định được kế hoạch sử dụng Văn Hậu trong tương lai.

Vắng Văn Hậu, cánh trái của Hà Nội FC trong năm 2020 yếu đi ngay kể cả khi Lê Văn Xuân có màn trình diễn ấn tượng. Còn với đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo mất đi một cầu thủ "săn Tây", một giải pháp ghi bàn trong các tình huống cố định.

Sau những gì đã trải qua với Văn Hậu, việc sử dụng cầu thủ Việt Nam cần được cân nhắc kỹ về tần suất hoạt động. Hàng loạt những ca đứt dây chằng, chấn thương của những cầu thủ lứa 1995 – 1999 cho thấy thể chất của người Việt vẫn con những hạn chế dù đã có rất nhiều biến chuyển tích cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại