Điều khoản khiến các đơn vị “bỏ chạy”, chỉ “Út trọc” tham gia
Theo kết luận điều tra, sau khi Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương niêm yết thông tin, có 6 đơn vị quan tâm nghiên cứu hồ sờ tài sản đấu giá. Nhưng do quy định tại Quy chế bán đấu giá về điều kiện thanh toán 3 đợt trong vòng 10 tháng với số tiền 2.004,153 tỷ đồng (giá khởi điểm đấu giá quyền thu phí 5 năm); mức phạt trả chậm bằng 150% giá trị chậm nộp tính theo ngày; trường hợp thanh toán không đúng hạn quá 30 ngày tại lần thanh toán bất kỳ thì sẽ bị ra thông báo chấm dứt trước hạn hợp đồng… nên chỉ có 2 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”).
Đến ngày 4/11/2013, mặc dù không tố chức họp để đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An, tổ thường trực giúp việc của Hội đồng bán đấu giá vẫn lập biên bản họp thống nhất hai công ty này đủ điều kiện tham gia đấu giá trình Hội đồng.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá là ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT (hiện là bị can trong vụ án- PV) đã ký văn bản phê duyệt, thông báo hai công ty của “Út trọc” đủ điều kiện tham gia đấu giá mà không tổ chức họp đánh giá hồ sơ theo quy định.
Sau khi lãnh đạo bộ ra thông báo, Dương Tuấn Minh – Tổng giám đốc tổng công ty Cửu Long đã ký giấy mời Công ty Yên Khánh tham dự đấu giá (không mời Công ty Khánh An) mặc dù chưa biết đơn vị nào đã nộp khoản tiền đặt trước theo quy định. Điều này có nghĩa công ty tham gia đấu giá đã được “chốt” từ trước.
Mặc dù không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá tài sản Nhà nước, song buổi đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương vẫn được tổ chức và chỉ có duy nhất công ty Yên Khánh tham gia, rồi trúng thầu với giá 2.004,153 tỷ đồng, bằng giá khởi điểm…
Ông Đinh La Thăng thừa nhận gọi điện cho “Út trọc” và chỉ định dự án cho Yên Khánh
Trở lại thời điểm trước đấu giá, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyến giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương, ông Đinh La Thăng gọi điện cho Dương Tuấn Minh nhiều lần để giới thiệu và đề nghị Minh sắp xếp thời gian làm việc với “Út trọc”.
Theo lời khai của Dương Tuấn Minh, “Út trọc” đã đến phòng làm việc của Minh hai lần để trao đổi, đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tôc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương…
Vẫn theo lời khai của Dương Tuấn Minh, ông Đinh La Thăng không chỉ điện thoại “ốp” bị can này xếp lịch tiếp “Út trọc” mà còn mắng Minh vì ký văn bản báo cáo Công ty Yên Khánh chậm trễ nộp tiền thanh toán.
“Sau đó vài ngày, ông Đinh La Thăng đã gặp và măng Minh tại Trụ sở Bộ GTVT ở 80 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội và nói: Anh làm việc quan liêu lắm. 800 tỷ chứ không phải nhỏ. Nhà đâu tư người ta cũng có khó khăn nên đê họ từ từ đóng ” – kết luận điều tra nêu.
Theo bị can Dương Tuấn Minh lý giải, Tổng Công ty Cửu Long không đề nghị sớm chấm dứt trước hạn họp đồng là do Minh biết Đinh Ngọc Hệ có quan hệ thân thiết với Đinh La Thăng và đã bị Đinh La Thăng mắng vì yêu cầu thanh toán đúng theo hợp đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng thừa nhận gặp và quen biết với Đinh Ngọc Hệ tại Ninh Bình. Trong năm 2012 - 2013, ông Thăng có nhiều lần điện thoại liên hệ với Đinh Ngọc Hệ và Dương Tuấn Minh nhưng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu, chỉ đạo tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ được mua quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương.
Kết luận điều tra cũng xác định, trong quá trình thực hiện hợp đồng mua, bán quyền thu phí, Công ty Yên Khánh liên tục không thực hiện đúng cam kết hợp đồng về nộp tiền trúng đấu giá.
Sau đó, công ty Yên Khánh đã có văn bản đề nghị được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm thuộc cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương theo hình thức BOT kết hợp BT với khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng. Chi phí sẽ do công ty Yên Khánh khấu trừ vào tiền cần phải thanh toán theo hợp đồng trúng đấu giá thu phí (khấu trừ 474 tỷ đồng).
Bỏ qua các quy định của pháp luật, ông Đinh La Thăng đã bút phê “đồng ý, k/c anh Nguyễn Văn Thể giải quyết…”. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó đã ký các văn bản chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long và chủ trì kết luận nhiều cuộc họp để chỉ đạo lập thủ tục phê duyệt dự án, ký văn bản gửi Bộ Tài chính và Thủ tướng đề xuất chỉ định công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư…
Về nội dung trên, ông Đinh La Thăng thừa nhận việc bút phê “Đồng ý” trên đề nghị giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 02 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo- Chợ Đệm và phần chi phí do Công ty Yên Khánh đầu tư xây dựng 2 nút giao sẽ được khấu trừ vào số tiền Công ty Yên Khánh còn phải thanh toán theo hợp đồng 4746/CIPM- HĐ ký ngày 30/12/2013 là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên ông Thăng không thừa nhận đây là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Yên Khánh lấy lí do đề thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt trước hạn hợp đồng.
Đinh Ngọc Hệ đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước; Thông qua chức danh Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Hệ đã thành lập nhiêu công ty giao người thân, họ hàng đứng tên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để đủ tư cách tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết. Do đó, Hệ đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ đê đủ tư cách, năng lực; quan hệ với các tố chức tín dụng vay vốn, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh liên kết chiếm đoạt tài sản của nhà nước.." - trích kết luận điều tra.