Vì sao Trung Quốc không muốn liên minh quân sự với Nga để thách thức Mỹ?

Minh Thu |

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc hiện không có kế hoạch thúc đẩy liên minh quân sự với Nga.

Hạm đội tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận quân sự với Nga hồi năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Hạm đội tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận quân sự với Nga hồi năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Đây là tuyên bố được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm 1/3, sau khi xuất hiện thông tin nghi ngờ Bắc Kinh – Moscow có thể phát triển một mặt trận hợp nhất để chống lại NATO.

“Các mối quan hệ quân sự Nga – Trung là lực lượng hỗ trợ quan trọng cho sự hợp tác chiến lược giữa 2 nước”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

“Hai bên tuân thủ quy tắc không liên kết, không đối đầu và không tấn công vào các nước thứ 3, điều hoàn toàn khác so với mối quan hệ liên minh quân sự giữa một vài quốc gia”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh.

Trước đây, hồi tháng 10/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ra tuyên bố Moscow sẽ không “loại trừ” khả năng liên minh quân sự với Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga đưa ra tuyên bố như trên kể từ khi hiệp ước giữa 2 nước bị sụp đổ trong thập niên 60. Điều này còn làm dấy lên thông tin Nga có thể sẽ thành lập mối quan hệ liên minh quân sự với Trung Quốc để đối phó với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã rõ ràng rằng, mong muốn của Bắc Kinh là ngăn chặn căng thẳng với Washington gia tăng và trở thành “chiến tranh nóng”, cũng như tránh để châu Âu nghi ngờ Nga – Trung sắp thiết lập quan hệ đồng minh quân sự.

Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, ông Ni Lexiong cho hay, ngay cả chuyện đề xuất thành lập liên minh quân sự với Nga cũng là “điều cấm kỵ” với Trung Quốc.

“Ngày nay, chỉ có những nước có ý định phát động chiến tranh mới thông báo kế hoạch thành lập liên minh quân sự. Nếu làm như vậy, bạn tự đẩy mình vào góc tường, cắt đứt cơ hội đối thoại. Đó không phải là điều Trung Quốc muốn”, ông Ni nói.

Ông Cheng Yijun, chuyên gia nghiên cứu các mối quan hệ Nga – Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đồng tình với ông Ni cho rằng, liên minh quân sự là tàn dư từ thời chiến tranh lạnh và nó không đáng để Trung Quốc tham gia.

“NATO được xây dựng để chống lại Liên Xô cũ, chứ không phải Trung Quốc. Tổ chức này chưa làm chuyện gì gây ảnh hưởng tới các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, ông Cheng cho biết.

Cũng theo ông Chen, sự xuất hiện của liên minh quân sự Nga – Trung sẽ kéo Bắc Kinh vào các tranh chấp giữa Nga và châu Âu, nơi Trung Quốc không có lợi ích.

Ông Ni nhấn mạnh thêm, Nga – Trung có nhiều lợi ích chung, nhưng lịch sử đã cho Trung Quốc thấy Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nếu tham gia liên minh quân sự.

“Hiện tại, quan hệ Nga – Trung đang ở dạng liên minh bán quân sự. Điều đó có nghĩa hai nước là đồng minh của nhau, nhưng không ràng buộc nhau bằng bất cứ trách nhiệm quân sự nào. Điều này tương tự như mối quan hệ của 'Bộ Tứ Kim Cương' gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ”, ông Ni nói.

Trong những năm gần đây, Bộ Tứ Kim Cương được ví như một “NATO thu nhỏ” nhằm tăng khả năng đối phó trước việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thậm chí, hôm 22/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp để Bộ Tứ Kim Cương tập trung đối phó với nhiều thách thức ở Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm với Bộ Tứ. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm với các đồng minh và đối tác ở châu Âu. Đó chính là những gì chúng tôi đang làm với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tiếp cận Trung Quốc từ thế mạnh”, ông Price nói.

Trong khi đó, một chuyên gia quân sự giấu tên ở Bắc Kinh cho biết, “Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều gọi nhau là ‘bạn tốt’. Ông Tập từng liên lạc cá nhân với ông Putin, nhưng ông Tập cũng có những mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Tập không muốn phải lựa chọn giữa 2 người”.

Ông Cheng thì nhận định, liên minh quân sự là khái niệm đã lỗi thời bởi tất cả quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng và giá trị của việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia.

“Vẫn tồn tại những xung đột và bất đồng giữa lợi ích của các nước. Nhưng thành lập liên minh quân sự có nghĩa là bạn thích dùng vũ lực để giải quyết vấn đề và đây là lựa chọn tồi tệ nhất”, ông Cheng kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại