Vì sao Trump gọi điện "bất thường" cho công tố viên bị sa thải do từ chối nghỉ việc?

Ngọc Anh |

Việc Trump cho nghỉ việc hàng loạt công tố viên liên bang mới đây được cho là không còn bình thường như thông lệ.

Cuộc gọi bất thường của Tổng thống

Nhà Trắng ngày 12/3 đã đưa ra lời giải thích cho cuộc điện thoại "bí ẩn" mà Tổng thống Donald Trump dành cho công tố viên Preet Bharara vào ngày 9/3 – một ngày trước khi Trump sa thải Bharara và cho nghỉ việc 45 công tố viên liên bang khác.

Theo đó, Tổng thống Mỹ chỉ định gọi điện để gửi những lời chúc tốt đẹp tới vị công tố bị đề nghị viết đơn nghỉ việc nhưng đã không làm theo yêu cầu.

"Tổng thống đã gọi điện cho ông Preet Bharara để cảm ơn ông vì thời gian phục vụ trong chính quyền và gửi lời chúc may mắn tới ông ấy, chứ không có gì bất lịch sự", Sarah Huckabee Sanders – nữ phát ngôn viên Nhà Trắng viết trong một email.

Trước đó, Nhà Trắng đã từ chối đưa ra bất cứ bình luận hoặc câu trả lời nào liên quan tới tính chất của cuộc điện thoại trên.

Sau khi đưa ra lời giải thích, bà Sanders từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo như vì sao trong quá trình chuyển giao Trump đã hứa sẽ giữ lại công tố viên Bharara (từ thời tổng thống Obama) nhưng sau đó lại sa thải; hay liệu Tổng thống có gọi điện cho các công tố viên khác để yêu cầu họ nghỉ việc không; hoặc vì sao Trump không gửi lời chúc của mình qua một trợ lý hoặc phương tiện khác,...

Về phần mình, trong tuyên bố gửi cho báo New York Times, Bharara cho biết ông hoài nghi về lời giải thích cho cuộc điện thoại này của Nhà Trắng, dù chính ông cũng không đưa ra lý do khác nào cho cuộc gọi đó.

Một vài nghị sĩ Dân chủ thì cho rằng, Tổng thống Trump đã sa thải gấp hàng loạt công tố viên, trong đó có Bharara, là nhằm ngăn cản các cuộc điều tra liên bang đang được tiến hành ở Phố Wall cũng như những nơi khác.

Cuộc điện thoại từ văn phòng Tổng thống ngày 9/3 làm Bharara quan ngại vì nó đi ngược lại với những quy tắc đạo đức hạn chế sự liên lạc giữa Nhà Trắng và các công tố viên. Vì vậy, Bharara đã không nhấc máy.

Người thực hiện cuộc gọi điện – một nữ trợ lý không xưng tên của Tổng thống Trump – đã để lại lời nhắn thoại, yêu cầu Bharara gọi lại cho Tổng thống.

Sau khi tham vấn với cấp phó của mình và xem xét lại các quy định, quy tắc, ghi nhớ về ứng xử, Bharara đi đến quyết định rằng sẽ là không khôn ngoan và không đúng thẩm quyền nếu một công tố viên đương nhiệm gọi điện cho Tổng thống đương nhiệm mà không biết chủ đề nói chuyện là gì.

Thay vào đó, Bharara đã gọi lên cấp trên, đó là văn phòng Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions. Ở đây, ông cũng được khuyên là không nên gọi điện trực tiếp cho Tổng thống.

Bharara thực tế cũng đã lịch sự gọi lại cho văn phòng tổng thống và thông báo về việc văn phòng ông Sessions khuyên không nên nói chuyện trực tiếp với Trump.

Vì sao Trump gọi điện bất thường cho công tố viên bị sa thải do từ chối nghỉ việc? - Ảnh 1.

Ông Trump bị tố là đang tìm cách thay thế các công tố viên có thể gây bất lợi cho mình (Ảnh: PJ Media)

Sự bất ổn của Bộ Tư pháp

Việc một tổng thống mới thay thế hàng loạt công tố viên thì không có gì bất bình thường. Tuy nhiên, việc yêu cầu 46 công tố viên nghỉ việc đột ngột vào ngày 10/3 vừa qua đã cho thấy sự bất ổn trong Bộ Tư pháp Mỹ.

Chỉ hai ngày trước khi các công tố viên bị miễn nhiệm, Bộ trưởng Jeff Sessions đã tổ chức một cuộc họp với họ về các sáng kiến ​​của Bộ Tư pháp và không hề đề cập đến việc họ sẽ sớm buộc phải ra đi.

Đến nay, gần như tất cả 46 công tố viên được yêu cầu từ chức đã gửi đơn nghỉ việc, một quan chức của Bộ Tư pháp cho biết.

Riêng trường hợp ông Bharara, 2 ngày sau cuộc gọi từ Tổng thống, ông tuyên bố trên Twitter rằng mình đã bị sa thải khi từ chối tự viết đơn xin nghỉ. Thông thường, một công tố viên sẽ tại nhiệm cho đến khi có những người kế nhiệm mới đã được Thượng viện phê chuẩn.

Tuy hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc Bharara có đang liên quan tới các vụ điều tra về Nga hay không, nhưng công tố viên này (cùng 17 người Mỹ khác) đã bị Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cấm nhập cảnh vào Nga từ năm 2013 để trả đũa cho các lệnh trừng phạt Mỹ áp dụng với Nga.

Cũng trên Twitter, vào ngày 12/3 Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren, bang Massachusetts (một trong những người chỉ trích gay gắt Tổng thống), đã cáo buộc cuộc gọi của Trump tới Bharara là vi phạm pháp luật, và rằng ông Trump cố gắng dập tắt các vụ điều tra bằng cách sa thải các công tố viên.

Bà Warren cũng đe dọa sẽ "chiến đấu" ở Thượng viện nếu Tổng thống muốn "những người bạn của mình ngồi vào các ghế công tố viên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại