Trả lời về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, mô hình nhà ở 100 triệu đồng ở Bình Dương chính là nhà lưu trú công nhân mà TP.HCM đã triển khai trong thời gian qua với số lượng khoảng 40.000 căn.
Ông Tuấn thừa nhận, nhà giá 100 triệu đồng có diện tích 25 - 30 m2 TP.HCM có thể làm được nhưng phải gắn liền với nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, cách làm này chỉ đáp ứng nhu cầu ban đầu và về lâu dài có thể phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm sự phát triển bền vững.
“Hiện tại quận 12 có một dự án nhà ở xã hội quy mô 1.000 căn hộ bán với giá dưới 1 tỷ đồng và sau đó có đến 7.000 hồ sơ nộp xin mua. Như vậy, nhu cầu nhà ở giá rẻ rất đa dạng, chứ không nhất thiết phải 100 triệu đồng”, ông Tuấn khẳng định.
Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, làm việc với các chủ đầu tư để giảm giá thành, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu chính đáng về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ của người dân với các mức giá từ 300 – 400 – 700 triệu và dưới 1 tỷ đồng/căn.
“Sở Xây dựng thành phố đã 2 lần làm việc với 2 chủ đầu tư này để bàn phương án kéo giảm suất đầu tư, giảm giá bán ở mức còn 300 – 400 – 700 triệu đồng/căn.
Chỉ có đất thuộc quản lý Nhà nước mới có thể làm được nhà ở xã hội, giá rẻ từ 300 triệu đồng còn nếu là đất doanh nghiệp tự bồi thường, giải phóng mặt bằng thì không thể thực hiện được”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá về kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội với giá 100 triệu đồng của TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng để làm được việc này đối với TP.HCM cần phải có một sự nỗ lực rất lớn.
Theo ông Châu, nếu so với Bình Dương thì điều kiện hiện nay của TP.HCM không có nhiều lợi thế bằng.
Cụ thể, Bình Dương có các điều kiện trong một quy hoạch tổng thể thành phố mới Bình Dương do một chủ đầu tư phát triển là Becamex. Trong một thành phố quy hoạch khoảng 2.000 ha thì có phân khu chức năng là các cụm nhà ở xã hội.
Thứ hai, Bình Dương có địa chất công trình rất tốt, nhà chỉ xây 5 tầng, móng là móng đơn. Họ hoàn toàn có thể xây dựng được nhà với chi phí dưới 4 triệu đồng/m2 để bán cho người tiêu dùng với mức giá 4 triệu đồng/m2 với những căn hộ 25 m2.
Tiếp theo là chi phí giải phóng mặt bằng bằng 0. Bình Dương không tính chi phí giải phóng mặt bằng vào giá trị của các căn hộ khi bán cho người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng họ có sẵn tới tận công trình như hệ thống đường giao thông, cấp điện, nước sạch, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước... chỉ đầu nối từ trong khu nhà ra ngoài đường là xong. Chi phí hạ tầng không tính vào đó.
“TP.HCM nếu muốn làm các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân và người nghèo thì phải tận dụng quỹ đất công của Nhà nước tại các nông trường Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), nông trường Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) hay các nông trường tại huyện Cần Giờ”, ông Châu nói thêm.
Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân giá 100 triệu đồng tại Bình Dương
Một điểm nghẽn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hôi là mới đây, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về việc người dân muốn bán lại nhà ở xã hội, trong đó viện dẫn Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định người dân khi bán nhà ở xã hội phải đóng lại tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Cụ thể, điều 19 của nghị định này quy định, người mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán; chỉ được phép bán lại sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khi được phép bán nhà ở xã hội, ngoài các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Với cách tính này, giá nhà ở xã hội sẽ không còn rẻ hơn so với nhà ở thương mại, thậm chí đắt hơn do tiền sử dụng đất tại thời điểm bán nhà chắc chắn bị điều chỉnh theo hướng tăng lên so với tại thời điểm mua.