Vì sao tỉnh từng có GRDP tăng trưởng cao, thu hút FDI top đầu cả nước nhưng nay lại sụt giảm?

Pha Lê |

Tỉnh này luôn nằm trong Top 10 tỉnh thu hút FDI trong 10 năm qua, năm 2022 đứng ở vị trí thứ 2 toàn quốc.

Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương.

Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương.

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương có diện tích đất công nghiệp lớn nhất Việt Nam và chiếm 10% thị phần cả nước.

Theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp (27 khu công nghiệp đi vào hoạt động) với tổng diện tích 12.670,5 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4%; 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, lấp đầy 67,4%. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, …

Bình Dương luôn nằm trong Top 10 tỉnh thu hút FDI trong 10 năm qua. Năm 2022, Bình Dương đứng thứ 2 về vốn FDI đăng ký với 3,1 tỷ USD nhờ thu hút dự án LEGO lớn nhất 2022 trị giá 1,3 tỷ USD tại VSIP 3 Bình Dương.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 7,7% so với cùng kỳ nhưng vốn FDI đăng ký vào Bình Dương giảm 48,8% so với cùng kỳ, đạt 1,4 tỷ USD, xếp thứ 5 toàn quốc.

Vì sao tỉnh từng có GRDP tăng trưởng cao, thu hút FDI top đầu cả nước nhưng nay lại sụt giảm? - Ảnh 1.

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP1), thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN).

Đến 15/9/2023 toàn tỉnh đã thu hút 1,28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đạt 71,1% kế hoạch, bằng 49% so với cùng kỳ, gồm 85 dự án mới (459 triệu USD), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (82 triệu USD), 97 dự án góp vốn (755 triệu USD), có 4 dự án giảm vốn (16 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.167 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40,2 tỷ USD.

Lý giải về việc này, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán ACBS đưa ra nhận định: "Chúng tôi cho rằng cạnh tranh giữa các tỉnh thành về thu hút FDI sẽ ngày càng gay gắt hơn và có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Bình Dương trong những năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng Bình Dương tiếp tục nằm trong Top 10 về thu hút FDI nhờ hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư và nâng cấp, quy hoạch phát triển đồng bộ và luôn thúc đẩy quá trình cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư".

Đầu tư trong nước đến 15/9/2023 đạt 63.858 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 3,9% so với cùng kỳ), gồm 4.728 doanh nghiệp đăng ký mới (36.266 tỷ đồng) và 1.220 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn (36.113 tỷ đồng); có 74 doanh nghiệp giảm vốn (4.639 tỷ đồng) và 485 doanh nghiệp giải thể (3.882 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.016 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 694 ngàn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm của tỉnh ước thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ; trong đó, vốn nhà nước 13.713 tỷ đồng, tăng 91,6%; vốn ngoài nhà nước 53.041 tỷ đồng, tăng 4,4%; vốn đầu tư nước ngoài 43.170 tỷ đồng, tăng 6,1%.

Đến 15/9/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.657 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch năm 2023 HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 37,8%) và đạt 79,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vì sao tỉnh từng có GRDP tăng trưởng cao, thu hút FDI top đầu cả nước nhưng nay lại sụt giảm? - Ảnh 2.

GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tỉnh Bình Dương trong năm 2022 đạt 8,01%. Trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh đạt 4,9%, tương đương với GDP Việt Nam. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%. Dự kiến GRDP năm 2023 tăng 6,0% so với cùng kỳ.

Bình Dương có GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng, đứng thứ 5 cả nước. Dân số năm 2021 đạt 2,7 triệu người (tăng 4,1% so với cùng kỳ), đứng thứ 6 cả nước.

Trước đây, Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước nhưng từ năm 2021 tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân chính là do những ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như gỗ, nhựa, da giày và dệt may chịu ảnh hưởng mạnh từ COVID, suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng đã xuất hiện một số tín hiệu phục hồi. "Chúng tôi kỳ vọng kinh tế tỉnh Bình Dương tiếp tục phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 8% như những năm trước đây là thách thức tương đối lớn", ACBS nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại