Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng muốn có tàu sân bay?

QS |

Sau khi thị sát quá trình hạ thủy tàu hộ tống tự đóng vào tháng 7/2017, TT Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mục tiêu mới của nước này sẽ là chế tạo tàu sân bay nội địa.

Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Ankara nhằm trở thành một quốc gia độc lập trong lĩnh vực quốc phòng vào năm 2023.

"Chúng ta cần phải tiến nhanh hơn nữa", ông Erdogan nhấn mạnh, "chúng ta tự hào về năng lực đóng tàu quân sự, đặc biệt là đóng tàu ngầm".

Ông Erdogan đưa ra tuyên bố trên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thi công tàu tấn công đổ bộ TCG Anadolu (dựa trên mẫu Juan Carlos I của Tây Ban Nha) được hơn 1 năm. Nó được xem như một tàu sân bay hạng nhẹ. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ hạ thủy con tàu này trong vòng 3 năm.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng muốn có tàu sân bay? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Juan Carlos I của Tây Ban Nha (Ảnh: Wiki)

Sau khi được đưa vào trang bị, Anadolu sẽ trở thành kỳ hạm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí có thể mang theo 6 tiêm kích F-35B với khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch vận hành các máy bay F-35 từ trước và có lẽ sẽ mua phiên bản F-35B.

Anadolu cũng có thể đảm nhiệm vai trò của tàu chở trực thăng, nó có khả năng mang theo các trực thăng tấn công TAI/AgustaWestland T129 (Thổ Nhĩ Kỳ và Italy hợp tác sản xuất) cùng trực thăng hạng nặng có kích cỡ như mẫu Chinook.

Chiếc Juan Carlos I của Tây Ban Nha, ngoài vận chuyển binh lính, còn mang theo các máy bay AV-8B Harrier.

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo War is Boring, những kế hoạch này, cũng như tuyên bố của ông Erdogan cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách triển khai sức mạnh trong và ngoài khu vực.

Tại vịnh Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ có một căn cứ quân sự ở Qatar. Nước này cũng đã xây một căn cứ quân sự ở Somalia để huấn luyện quân đội chiến đấu chống tổ chức khủng bố Al Shabaab và triển khai binh lính đến Iraq, Syria.

Nhìn chung, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không bó hẹp bản thân trong biên giới nước nhà, thậm chí là trong khu vực nói chung.

Đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập - là quốc gia duy nhất trong khu vực có "tàu sân bay", thực chất là 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral mua lại từ Pháp năm 2015. Chúng mang lại cho Ai Cập khả năng vận tải hạng nặng mà ít quốc gia trên thế giới có được.

Tuy nhiên, những con tàu này vẫn chưa được thực chiến hoặc thậm chí là triển khai xa bờ Ai Cập. Ngoài ra, chúng không thể vận hành các loại máy bay quân sự tương tự như tàu Juan Carlos I hay Anadolu.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng muốn có tàu sân bay? - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa thiết kế của "tàu sân bay" Anadolu. Ảnh: Hurriyet Daily News

Một báo cáo chưa được xác nhận vào năm 2015 cho biết Israel cũng đang có kế hoạch mua "một tàu sân bay hiện đại" từ Mỹ, nhưng không nói rõ lớp nào.

Việc sở hữu tàu sân bay sẽ cho phép Israel triển khai sức mạnh hải quân và không quân để đối phó với Iran - đối thủ nằm cách xa bờ biển của họ.

Mặc dù Israel thường được mô tả như một tàu sân bay "bất di bất dịch" của Mỹ nhưng không có nhiều khả năng họ sẽ sở hữu một tàu sân bay thực sự trong tương lai gần.

Tháng 12/2016, Iran cũng tuyên bố quân đội nước này có kế hoạch gia nhập câu lạc bộ các quốc gia vận hành tàu sân bay.

"Đóng tàu sân bay là một trong những mục tiêu mà Hải quân Iran đang theo đuổi và chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này" - Đô đốc Peiman Jafari Tehranip, Phó Tư lệnh Hải quân Iran phát biểu trên hãng thông tấn Far News.

Tình cờ, tham vọng hải quân của vua Iran trước đây cũng tương tự như tham vọng của ông Erdogan ngày nay. Vua Iran không chỉ muốn đưa nước này trở thành cường quốc thống trị tại vịnh Ba Tư, mà còn thành một cường quốc hải quân lớn ở Ấn Độ Dương cùng với các lực lượng hải quân Australia và Nam Phi.

Rủng rỉnh tiền bạc sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, vua Iran khi đó đã mạnh tay đầu tư cho tất cả các binh chủng quân đội nhằm mục đích đưa Iran trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực và quốc tế.

Sau đó, Iran can dự vào các cuộc xung đột ở một số nước láng giềng, đáng chú ý nhất là Oman và Kurdistan. Còn vua Iran vẫn không dừng tham vọng của mình, thậm chí còn khẳng định mục tiêu của ông là khiến quân đội Iran trở thành lực lượng phi hạt nhân mạnh nhất. Tới năm 1979, cuộc cách mạng Iran đã làm kế hoạch này tiêu tan.

Tương tự, việc ông Erdogan muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc quân sự trong khu vực và thế giới thông qua việc chế tạo, vận hành những loại khí tài đắt tiền có thể sẽ phản tác dụng, do nó được tiến hành trong bối cảnh tình hình chính trị nước này đang tiếp tục xấu đi sau vụ đảo chính vào tháng 7/2016.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng muốn có tàu sân bay? - Ảnh 3.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp.

Trong những tháng gần đây, ngoài tàu sân bay Mỹ thì các tàu sân bay tiến vào các vùng biển gần Trung Đông là của Pháp và Nga.

Tàu Charles de Gaulle là kỳ hạm đáng gờm của Pháp, có khả năng mang 40 máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale tiên tiến - đây là điều mà các quốc gia Trung Đông chỉ có thể mơ ước.

Trong khi đó, tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga, mặc dù bị chế giễu vì còn nhiều thiếu sót nhưng vẫn giúp Moscow duy trì vị trí trong câu lạc bộ các quốc gia có khả năng triển khai sức mạnh quân sự vượt ra ngoài biên giới.

Đây là câu lạc bộ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang sốt sắng được gia nhập trong tương lai gần, mặc dù với một mẫu tàu có quy mô tương đối nhỏ hơn, đó là TCG Anadolu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại