Vì sao tên lửa Trung Quốc lại khiến tàu sân bay Mỹ “lo ngay ngáy”?

Minh Thu |

Giới chuyên gia quân sự Mỹ thừa nhận, sau hàng thập niên đầu tư phát triển, lực lượng tên lửa Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với các tàu sân bay Mỹ.

Các cựu quan chức quân đội Mỹ nhận định Trung Quốc đang giành phần thắng trong cuộc đua trang bị tên lửa truyền thống mà cụ thể là các loại tên lửa chống hạm. Điều này khiến cho giới chức quân đội Mỹ cần phải nhanh chóng tìm ra phương án thay thế trước khi đẩy các tàu sân bay vào tình thế nguy hiểm.

“Chúng tôi thừa nhận Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo tối tân nhất thế giới. Trung Quốc có năng lực phá hủy các hệ thống phòng thủ mà chúng tôi đang theo đuổi”, ông James Fanell, cựu Tướng hải quân công tác trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chia sẻ với Reuters hôm 25/4.

Cũng theo ông Robert Haddick, một cựu quan chức Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ nay là cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell kiêm cố vấn cho Bộ Chỉ huy Các hoạt động đặc biệt của Mỹ, “năng lực tên lửa chống hạm Trung Quốc hiện vượt cả khả năng phát hiện cùng phạm vi hoạt động và tốc độ của tên lửa Mỹ”.

Theo Sputnik, trước năm 1949, Mỹ không hề quan tâm tới năng lực quân sự của Trung Quốc . Song trong hàng thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư tiền của và nghiên cứu phát triển năng lực phòng thủ hiệu quả đến từ các loại tên lửa tầm xa giá rẻ. Đây cũng chính là loại vũ khí nguy hiểm của Trung Quốc đe dọa tới hoạt động của các tàu sân bay Mỹ.

Sức mạnh tên lửa Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình ra tuyên bố thành lập Lực lượng Tên lửa (PLARF) vào năm 2015 cùng hoạt động song hành với lục quân, hải quân và không quân.

Chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ công bố cụ thể số lượng tên lửa nằm trong kho. Nhưng mới đây, trang web của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã bất ngờ hé lộ một vài con số của PLARF. Theo đó, lực lượng này nắm trong tay khoảng 100.000 quân nhân, 200 tên lửa đạn đạo liên lục địa, 300 tên lửa đạn đạo tầm trung, 1.150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và 3.000 tên lửa hành trình.

Các loại vũ khí của PLARF mang nhiều đặc tính vượt trội hơn so với Mỹ kể cả về tốc độ và tầm bắn. Điển hình, Mỹ hiện không có bất cứ tên lửa chống hạm tầm xa hay tên lửa siêu thanh. Trong khi Trung Quốc có tới hai lựa chọn là tên lửa YJ-12 với tầm bắn 400 km và YJ-18 có tầm bắn 540 km.

Về phần mình, Mỹ mới cho cải tiến tầm bắn của tên lửa chống hạm tối tân nhất là RGM-UGH-84 Harpoon lên thành 240 km. Ngoài ra, Tập đoàn Raytheon cũng đang nâng tầm bắn của tên lửa hành trình Tomahawk lên 1.600 km để có khả năng chống hạm. Song Tomahawk vẫn được đánh giá là chưa đủ sức đối phó với hải quân Trung Quốc.

“Đây là một khoảng cách cực kỳ lớn”, ông Haddick cho hay.

Cũng theo giới chuyên gia Mỹ, công nghệ siêu thanh hiện là lĩnh vực Trung Quốc đứng trên Mỹ. Cụ thể, kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã cho thử nghiệm các loại vũ khí có tốc độ di chuyển nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

“Nói thật, chúng ta là người đứng đầu trong vòng 10 – 15 trước, nhưng nay chúng ta đã tụt hạng. Chúng ta cần bắt tay làm lại từ đầu”, ông Michael Griffin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Nghiên cứu và Kỹ thuật chia sẻ trước các nghị sĩ Mỹ hồi tháng 4/2018 về chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.

Mỹ từng thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh vào năm 2017. Tuy nhiên, bản hợp đồng mà chính phủ Mỹ trao cho Tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon phát triển vũ khí siêu thanh tới nay vẫn chưa có kết quả.

“Chúng ta đang yếu thế so với Trung Quốc bởi Trung Quốc có những tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất đe dọa tới căn cứ ở Tây Thái Bình Dương và các tàu chiến của Mỹ”, Đô đốc Harry Harris, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào tháng 3/2018.

Trước đó, chia sẻ với Reuters, một cựu Thượng tá quân đội Trung Quốc cho biết, “các tên lửa của Mỹ vượt Trung Quốc về số lượng và chất lượng”, nhưng Bắc Kinh vẫn chiếm ưu thế về giá thành. Nói cách khác, Trung Quốc có thể sản xuất được số tên lửa vô cùng lớn khiến hệ thống phòng không Mỹ không bắn xuể. Trong khi đó, một tàu sân bay Mỹ có giá gấp 10.000 lần so với chi phí để sản xuất một tên lửa.

“Chúng tôi không thể thắng Mỹ trên biển. Nhưng chúng tôi có những tên lửa làm nhiệm vụ tiêu diệt tàu sân bay Mỹ và ngăn chặn chúng lại gần các khu vực bờ biển nếu không may xảy ra xung đột quân sự”, cựu tướng quân đội Trung Quốc nói.

Một đoạn quảng cáo từng được phát ở Triển lãm Hàng không Chu Hải hồi tháng 11/2018 đã mô phỏng hàng loạt tên lửa Trung Quốc tấn công vào các tàu chiến của đối phương bao gồm cả tàu sân bay. Ngoài ra, PLARF cũng đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh mới CM-401 với tầm bắn là 290 km trong sự kiện này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại