Vì sao tàu ngầm 2 tỷ USD từng "vờn như mèo vờn chuột" tàu sân bay Mỹ bị Nga rã sắt vụn?

Hoài Giang |

Hàng không mẫu hạm USS Saratoga đã bị một tàu ngầm vô danh "vờn như mèo vờn chuột" trong hơn 350 km từ bắc tới nam Đại Tây Dương, con tàu chỉ bỏ đi khi tới gần "ao nhà" của Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân thuộc Đề án 661 Anchar (Ảnh: RIA Novosti).

Tàu ngầm hạt nhân thuộc Đề án 661 Anchar (Ảnh: RIA Novosti).

Hôm 18/12, RIA Novosti đăng tải bài phân tích nhan đề: ""Жажда скорости": почему ВМФ отказался от подлодки ценой в два миллиарда" (tạm dịch: "Need for Speed*": Vì sao Hải quân (Liên Xô - Nga) loại bỏ tàu ngầm trị giá 2 tỷ) của tác giả Nikolay Protopopov.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là liên quan tới lịch sử hiện đại hóa vũ khí trang bị của Hải quân Liên Xô và nay là Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Tiêm kích" trong thế giới tàu ngầm?

Ra đời từ đầu những năm 1970, được chế tạo bằng titan và sở hữu một kỷ lục thế giới cho đến nay vẫn chưa bị phá vỡ - tốc độ di chuyển dưới nước lên tới gần 45 hải lý/giờ (83 km/h) chính là tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Đề án 661 "Anchar/Anchor".

Để đạt tới tốc độ "kinh hoàng" trong thử nghiệm nói trên, thủy thủ đoàn đã phải tắt chế độ bảo vệ khẩn cấp của các tuabin ở độ sâu 100 mét để chúng tiếp tục làm việc ngay cả trong tình trạng báo động.

Với công suất của lò phản ứng hạt nhân lên tới 97%, con tàu đã đạt tốc độ 44,7 hải lý/giờ (hơn 82 km/h), trong khi mức tối đa theo thiết kế kỹ thuật là 38.

Không một tàu ngầm nào trên thế giới có khả năng này và giới hạn về tốc độ của các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại là 35 hải lý/giờ.

Được tạo ra như một "kẻ lùng diệt" hàng không mẫu hạm, ưu thế về tốc độ cho phép Anchar gần như ngay lập tức chiếm vị trí thuận tiện để khai hỏa tên lửa chống hạm, đồng thời dễ dàng thoát khỏi ngư lôi của đối phương.

Vì sao tàu ngầm 2 tỷ USD từng vờn như mèo vờn chuột tàu sân bay Mỹ bị Nga rã sắt vụn? - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân K-222 thuộc Đề án 661 Anchar (Ảnh: RIA Novosti).

Nhưng "liều thuốc" nào cũng có "tác dụng phụ". Tại 35 knot (tương đương 35 hải lý/giờ) tiếng ồn trong khoang trung tâm của Anchar đạt 100 decibel - tương đương tiếng còi báo động. Thủy thủ đoàn tàu ngầm không thể thường xuyên ở trong điều kiện "ô nhiễm tiếng ồn" như vậy.

Dòng chảy hỗn loạn của nước dọc theo hai bên thân tàu tạo ra âm thanh gần như tiếng máy bay cất và hạ cánh. Như vậy là tàu ngầm hạt nhân mất đi lợi thế chính - khả năng "tàng hình".

Do tốc độ cao, thân tàu bị dòng nước chảy tới đè bẹp ở một số điểm yếu như cửa tháp điều khiển...

Sau thử nghiệm nói trên, các điểm hư hỏng trên thân tàu được "vá víu" và tiếp tục tiến hành các thử nghiệm khác. Vào tháng 3/1971, thủy thủ đoàn dự định thiết lập một kỷ lục mới về tốc độ nhưng một cơn bão đã ngăn cản nó.

Tuy nhiên các cuộc thử nghiệm khác vẫn diễn ra - công suất của các lò phản ứng được đưa lên 100%, và tàu ngầm đã lặp lại thành tích về tốc độ trước đó.

Công nghệ của tương lai?

Đề án 661 được Liên Xô khởi động vào cuối những năm 1950 và ngay từ đầu các nhà phát triển đã bị cấm sử dụng thiết bị và hệ thống tự động hóa ở thời điểm đó làm cơ sở.

Radiy Shmakov, nhà thiết kế chính của các nguyên mẫu thế hệ 1 và 2 giải thích với RIA Novosti: "Khi thiết kế thân vỏ, chúng tôi đã lựa chọn giữa nhôm, thép và titan. Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng với cùng độ dày, Titan không có từ tính và nhẹ chỉ phân nửa thép".

Với nguyên liệu là Titan, tàu ngầm có thể trở thành "vĩnh cửu". Có nghĩa là nếu như không vì một tai nạn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau của bài viết thì nó vẫn còn hoạt động cho đến nay.

Vì sao tàu ngầm 2 tỷ USD từng vờn như mèo vờn chuột tàu sân bay Mỹ bị Nga rã sắt vụn? - Ảnh 2.

Mặt cắt của tàu ngầm Anchar và vũ khí trang bị (Nguồn: Globalsecurity.org).

Thân tàu hình trụ, đuôi tàu được chia đôi với các cánh quạt cách nhau 5 mét. Tổng cộng, chiếc tàu ngầm dài 107 mét có 9 khoang biệt lập để phục vụ thủy thủ đoàn 80 người.

Các thiết bị tiên tiến nhất lúc bấy giờ được lắp đặt trên tàu ngầm, nhiều thành phần và hệ thống lần đầu tiên được thử nghiệm trên biển. Đặc biệt, khu phức hợp viễn thông và cáp quang. Một số đơn vị được tự động hóa hoàn toàn và thời gian hoạt động độc lập của tàu đạt 70 ngày.

Về vũ khí, 5 ống phóng chứa tên lửa chống hạm P-70 Ametist và 4 ống phóng ngư lôi 533 mm được đặt ở hai bên mũi tàu. Tên lửa được phóng từ độ sâu 30 mét và có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 km.

Nhưng nguyên mẫu đầu tiên hóa ra không hoàn toàn thành công do thiếu kinh nghiệm - các vết nứt hình thành trên thân tàu làm độ lặn sâu bị hạn chế.

Trên các tàu ngầm titan khác, chẳng hạn như lớp Đề án 705 không gặp vấn đề tương tự là bởi vì nguyên mẫu đầu tiên của "Anchar" được chế tạo theo phương án hai thân tàu titan được hàn trong môi trường chân không.

Vì sao tàu ngầm 2 tỷ USD từng vờn như mèo vờn chuột tàu sân bay Mỹ bị Nga rã sắt vụn? - Ảnh 3.

Kỹ thuật viên lắp đặt ngư lôi lên tàu ngầm (Ảnh: RIA Novosti).

"Độc nhất vô nhị"?

Anchar gia nhập Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Liên Xô vào tháng 1/1970. Do sự phức tạp của đề án, việc chế tạo tàu ngầm titan chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên đã mất tới 10 năm.

Điều này chủ yếu do gián đoạn nguồn cung titan, phức tạp trong việc thiết lập các hệ thống trên tàu và chậm trễ liên quan đến việc triển khai một hệ thống tên lửa mới.

Theo kế hoạch, Hải quân Liên Xô sẽ nhận được 10 tàu ngầm thuộc lớp này, nhưng chỉ có một chiếc được hoàn thành và đưa vào trang bị.

Hóa ra nguyên nhân vì Anchar được đánh giá là là một "xa xỉ phẩm".

Ước tính giá thành của nó gần 2 tỷ rúp Xô viết (tương đương 2 tỷ USD**).

Vì lẽ đó, chiếc tàu ngầm được đặt biệt danh là "Cá vàng".

Ngoài ra, quá trình vận hành thử nghiệm đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng của hệ thống tên lửa, sai sót về thiết bị, độ tin cậy kém của các tổ hợp trên tàu và những khó khăn trong việc bảo trì.

Và tàu ngầm được coi là "không thích hợp để hiện đại hóa".

Nhưng điều này không có nghĩa là Anchar trở nên vô dụng, nó được thử nghiệm thực tế liên tục và bảo dưỡng tại các căn cứ sửa chữa, biến thành một thứ "chuột bạch" mang đến cho Hải quân Liên Xô nhiều giải pháp kỹ thuật mới.

Kết quả thử nghiệm của chiếc tàu ngầm độc nhất vô nhị đã được sử dụng để thiết kế các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ 2 và 3.

Mặc dù trong suốt thời gian phục vụ, con tàu chỉ thực hiện tuần tra chiến đấu 2 lần, Anchar vẫn thể hiện được những năng lực độc đáo của mình với đối thủ thiết kế của nó - hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ.

Vào năm 1971, Anchar đã tham gia vào một cuộc chạy đua tốc độ thực sự ở Đại Tây Dương khi phát hiện ra tàu sân bay USS Saratoga của Hải quân Mỹ và truy đuổi nó từ Biển Greenland đến Rãnh Brazil.

Vì sao tàu ngầm 2 tỷ USD từng vờn như mèo vờn chuột tàu sân bay Mỹ bị Nga rã sắt vụn? - Ảnh 5.

Hình ảnh tàu sân bay USS Saratoga (CV-60) bị thủy thủ đoàn tàu ngầm Anchar ghi lại qua kính tiềm vọng.

Thủy thủ đoàn Mỹ đã nỗ lực hết sức để cố khiến chiếc hàng không mẫu hạm thoát ra khỏi chiếc tàu ngầm vô danh, nhưng nó đã "vờn" họ như mèo vờn chuột.

"Cuối cùng, bơm ly tâm vào một trong các lò phản ứng bị phá vỡ", Chuẩn đô đốc Valery Filatov, người chỉ huy Anchar từ năm 1985 nhớ lại.

"Chúng tôi đã truy đuổi (tàu sân bay Mỹ) trong 222 dặm (357,2 km), nhưng đã phải trở về căn cứ. Và sau đó nó ở lại đó".

Chiếc tàu ngầm đã ở lại cảng nhà trong 25 năm và cuối cùng vào năm 2010 nó đã bị cắt thành sắt vụn.

* Need for Speed (NFS) là một sê-ri trò chơi điện tử thể loại đua xe được phát hành bởi Electronic Arts (EA). Đây là dòng trò chơi đua xe thành công nhất mọi thời đại và cụm từ này giờ đây được sử dụng để chỉ các cuộc đua tốc độ đầy rủi ro nhưng phấn khích.

**Đồng Rúp Liên Xô cho tới năm 1991 duy trì một tỉ giá tương đối liên tục là 0,4 Rúp ăn 1 Bảng Anh. 1 Bảng Anh trước năm 1970 là khoảng 2,41 USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại