Đặc biệt theo các nhà phân tích, ông Kim sẽ không dùng chuyến thăm tới Nga để làm đòn bẩy trong các cuộc đối thoại hạt nhân với Mỹ. Thay vào đó, việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Moscow trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị lệnh cấm vận phong tỏa mới là điều quan trọng thiết yếu với Triều Tiên.
RT đưa tin hôm 25/3, Thượng nghị sĩ Nga Aleksandr Bashkin cho hay khả năng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ tới Nga “vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay”. Cũng theo ông Bashkin, chi tiết về chuyến thăm cấp cao của ông Kim tới Nga đã được hai bên thống nhất.
Còn theo ông Konstantin Asmolov tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (IFES), chuyến thăm của Chủ tịch Kim tới Nga “có thể đã được hai bên thảo luận trong ít nhất là nửa năm”.
Đồng nghiệp của ông Asmolov là Evgeny Kim đồng quan điểm và nhấn mạnh, “chưa có nhà lãnh đạo nào của Triều Tiên tới thăm Nga suốt từ năm 2011”, thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-il di chuyển bằng tàu bọc thép tới Nga để thảo luận với Tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Dmitry Medvedev.
“Việc các nước láng giềng không thực hiện chuyến thăm lẫn nhau là không ổn. Trong năm nay, khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt, nhu cầu cấp thiết là tiến hành thảo luận về các mối quan hệ song phương”, ông Evgeny Kim chia sẻ.
Ông Evgeny Kim cho biết thêm, chuyến thăm của Chủ tịch Kim tới Nga “có thể sẽ diễn ra trong tháng Năm” bởi tháng Tư là thời gian khá bận rộn với ông Kim Jong-un.
“Phiên họp của Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên, cơ quan được coi là quốc hội Triều Tiên sẽ được tổ chức vào tháng Tư để bầu ra Ủy ban Quốc vụ mới. Ông Kim phải có mặt trong vai trò được tái bổ nhiệm chức Chủ tịch. Trong khi đó, ngày 5/4 là ngày kỷ niệm sinh nhật ông nội của ông Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Sau đó, ông Kim Jong-un sẽ phải tổ chức và tham dự nhiều sự kiên quan trọng trong nước”, ông Evgeny Kim nói thêm.
Giới quan sát thì cho rằng, chuyến thăm tới Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên càng trở nên cấp thiết nhất là sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 27 – 28/2 kết thúc mà hai nhà lãnh đạo không ký kết được bất cứ thỏa thuận nào.
“Bình Nhưỡng và Moscow có rất nhiều chuyện để thảo luận từ hợp tác trong những nỗ lực chung hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cho tới hợp tác kinh tế nhưng không vi phạm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng ", ông Asmolov nhận định.